Mô Hình Trồng Bắp Non Kết Hợp Chăn Nuôi Bò Đạt Hiệu Quả

Ngoài việc phát triển các cây trồng thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, nhiều nông dân trong Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi bò ở xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp phát triển thêm mô hình trồng bắp non kết hợp chăn nuôi bò vỗ béo. Mô hình này bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, giải quyết hiệu quả vấn đề tìm nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Ra đời từ năm 2009, ban đầu có 25 thành viên, sau 5 năm hoạt động, CLB chăn nuôi bò xã Hội An Đông dần lớn mạnh. Hiện tại, số lượng thành viên của CLB tăng lên 97 thành viên. Song song đó, số lượng tổng đàn bò cũng tăng dần theo từng năm, đến nay đã có trên 1.200 con, tập trung nhiều ở ấp An Thạnh và An Quới.
CLB chăn nuôi bò của xã ra đời với tiêu chí tập hợp một số hộ nông dân chăn nuôi bò có nhu cầu học tập kinh nghiệm, giao lưu, trao đổi về những cách làm mới, mô hình sản xuất hay nhằm giúp tăng cao giá trị kinh tế sản xuất và chăn nuôi. Bên cạnh đó, khi tham gia CLB, bà con nông dân còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn phương pháp chăm sóc, vỗ béo bò thịt; chế biến một số loại thức ăn bổ sung và các biện pháp phòng bệnh cho đàn bò, một số hộ nuôi đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, quản lý đàn bò qua các lớp tập huấn kỹ thuật. Do đó, những năm qua, bên cạnh việc tăng nhanh về tổng đàn thì chất lượng đàn bò thịt cũng được nâng lên rõ rệt.
Ông Huỳnh Văn Sáu ở ấp An Quới, xã Hội An Đông chia sẻ: “Ngoài việc được học tập các kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất mới trong chăn nuôi từ anh em ở CLB, chúng tôi còn được tương trợ, giúp đỡ vốn để chăn nuôi. Thời gian qua có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, cuộc sống khá giả hơn”.
Ông Nguyễn Văn Kỳ ngụ ấp An Quới, xã Hội An Đông cho biết: “Nhận thấy trồng kiệu và khoai môn nhiều năm qua giá cả không ổn định nên tôi quyết định chuyển 1ha đất trồng rẫy sang trồng bắp non kết hợp nuôi 12 con bò vỗ béo. Để có được nguồn thức ăn ổn định cho đàn bò, tôi thực hiện trồng bắp luân phiên trên 1ha, cứ 1 tuần tôi lại xuống giống trên 500m2, cách làm này đảm bảo được nguồn thức ăn cho đàn bò quanh năm. Bên cạnh đó, để đàn bò có nguồn thức ăn đa dạng, tôi trồng thêm cỏ vôi. Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi kết hợp này rất khả quan”.
Bên cạnh những thuận lợi thì hiện tại mô hình còn gặp một số khó khăn cần được sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành. Song song với việc tăng nhanh tổng đàn, vấn đề con giống tăng giá và đầu ra cho đàn bò là 2 yếu tố cốt lõi mà bà con nông dân đang quan tâm.
Anh Nguyễn Hữu Lễ - chủ nhiệm CLB chăn nuôi bò xã Hội An Đông cho biết: “Hiện tại, do bò thịt ở địa phương chủ yếu được tiêu thụ qua hệ thống thương lái, nên người chăn nuôi thường xuyên bị ép giá cũng như không chủ động được khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó, do nhu cầu chăn nuôi tăng, con giống khan hiếm nên giá bò giống tăng mạnh, vì vậy người chăn nuôi giảm lợi nhuận rất nhiều”.
Mô hình trồng bắp non kết hợp với chăn nuôi bò vỗ béo là mô hình hiệu quả, giúp nhiều nông dân ổn định thu nhập. Tuy nhiên, nếu mô hình được thực hiện một cách toàn diện hơn và sản phẩm bắp non, bò thịt được liên kết bao tiêu thì đây sẽ là một mô hình phát triển kinh tế ổn định và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là một trong những lời giải bài toán lợi nhuận bền vững của người nông dân. Tuy nhiên, bài toán lợi nhuận ấy cũng chưa thật sự hoàn thiện đối với nông dân Cà Mau, đặc biệt trong vấn đề hệ thống thuỷ lợi và đầu ra cho sản phẩm…

Gần 1 tháng nay, tôm hùm ở các ao nuôi trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) xuất hiện chứng bệnh lạ, vỏ tôm chuyển sang màu nho và phát triển rất chậm, mang của tôm bị thối và tôm chết, người nuôi gọi là bệnh mục mang. Hiện nay, người nuôi chưa có cách điều trị hiệu quả, nên số tôm chết ngày một tăng.

Ngư dân Nguyễn Tuấn, tổ dân phố Khánh Cam 1, phường Ba Ngòi (TP Cam Ranh), một người nuôi cá chẽm ở khu vực Trà Long 1 cho biết, từ đầu năm đến nay, giá cá chẽm thương phẩm rớt thê thảm, hiện chỉ còn từ 46 - 48 ngàn đồng/kg, giảm hơn nửa so với năm ngoái khiến người nuôi thua lỗ.

5 xã vùng Kiệm Tân (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) là nơi tập trung nhiều hộ nuôi chim bồ câu (trung bình mỗi trang trại (ảnh) có từ 300 - 500 cặp chim bố mẹ). Ngoài ra còn có nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ khác. Với hiệu quả kinh tế do chim bồ câu mang lại, dự báo trong thời gian tới sẽ có rất nhiều người dân chọn gia cầm này làm hướng phát triển kinh tế.

Từng được trồng ồ ạt cách đây khoảng 5 năm, đến nay cây ca cao tại huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) lại bị chính người nông dân chặt bỏ dần dần. Hiện, toàn huyện đã giảm 1/3 diện tích ca cao so với trước và con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng.