Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Tiết Kiệm Nước Tưới

Mô Hình Tiết Kiệm Nước Tưới
Ngày đăng: 10/06/2014

Chính quyền và nhân dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) đang tập trung nỗ lực chống hạn bảo đảm sản xuất, ổn định đời sống. Nông dân địa phương “chắt chiu” nguồn nước hồ Ông Kinh, hệ thống nước ngầm được tưới tiết kiệm phục vụ hiệu quả canh tác nông nghiệp và chăn nuôi gia súc.

Đồng chí Phạm Khắc Hào, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết do thời tiết nắng hạn kéo dài nên chính quyền địa phương vận động nông dân trồng các loài cây sử dụng ít nước tưới theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

Vụ hè thu năm nay, Nhơn Hải trồng mới 40 ha hành tím, 30 ha ngò cung cấp cây gia vị cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bà con còn bơm tưới chăm sóc cho 47 ha nho, 20 ha táo đem lại hiệu quả kinh tế cao bảo đảm đời sống góp phần xây dựng nông thôn mới.

Xã Nhơn Hải có 400 ha đất sản xuất nông nghiệp do canh tác trong điều kiện khô hạn nên nông dân địa phương có thói quen tiết kiệm nguồn nước tưới. Mỗi gia đình đều đầu tư 30- 50 triệu đồng đào giếng, khoan nước ngầm bơm tưới hoa màu.

Nông dân cũng đã thực hiện mô hình tưới phun tiết kiệm nước trên diện tích 140 ha. Nguồn nước hồ Ông Kinh có sức chứa trên 800 ngàn khối nước đã góp phần quan trọng làm thay đổi căn bản đời sống của người dân thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2.

Nhờ cuối năm 2013 trời có mưa nên hồ Ông Kinh tích đầy nước được nông dân “chắt chiu” bơm tưới cho trên 60 ha hoa màu vùng hạ lưu. Hiện nay, lòng hồ còn khoảng 180 ngàn khối nước đủ cho nông dân canh tác hoa màu và chăn nuôi trên 11.000 con gia súc đợi mùa mưa sắp tới.

Đến vùng hồ Ông Kinh, chúng tôi chứng kiến “bức tranh” sản xuất trong điều kiện khô hạn của nông dân xã Nhơn Hải. Vùng lòng hồ được các nông hộ đặt hàng chục ống hút nước “tự chảy” tưới cho vùng hạ lưu. Đặt ống “tự chảy” là cách làm sáng tạo của nông dân chắt chiu tiết kiệm nước.

Nước hút thẳng từ lòng hồ không qua hệ thống cống xả và kênh mương chưa bê tông tiết kiệm được khoảng 40% lượng nước thất thoát do thẩm thấu vào đất cát mùa khô hạn. Cán bộ quản lý công trình thủy lợi chỉ cho bà con hút nước từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày, tránh thất thoát nước chảy tràn lan vào ban đêm.

Đồng đất khu vực hồ Ông Kinh là vùng nho “trọng điểm” của xã Nhơn Hải với 200 hộ trồng trên 40 ha nho. Cây nho canh tác 3 vụ cho thu nhập 400- 500 triệu đồng/năm/ha. Nhiều gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng nho đỏ giống mới NH01-152 đang giai đoạn lên giàn trải lá non xanh.

“Tui mới hùn 16 triệu đồng cùng với 3 hộ trong làng mua ống nhựa dẫn nước từ lòng hồ về tưới bổ sung cho 8 sào đất trồng nho và 6 sào trồng hành tím. Gia đình cũng đã đào giếng sâu 7 mét kết hợp khoan mạch nước ngầm sâu 30 mét tích trữ nước tưới. Tui vừa bán hai giàn nho đỏ khoảng 3 sào được gần 80 triệu đồng.

Bà con tui động viên nhau chắt chiu tiết kiệm nguồn nước tưới cho cây trái thì đất đai không phụ công người chăm sóc. Nhờ nguồn nước hồ Ông Kinh phục vụ sản xuất giúp bà con tui có cuộc sống ngày càng no ấm”, ngừng tay tách hành giống, chị Phạm Thị Liễm ở thôn Mỹ Tường 1 phấn khởi nói.


Có thể bạn quan tâm

Cá Tra Tìm Hướng Đi Mới Cá Tra Tìm Hướng Đi Mới

Với nhiều hàng rào kỹ thuật mà các nước nhập khẩu đề ra ngày càng cao, ngành cá tra Việt Nam đang chủ động hướng tới sản xuất bền vững.

20/02/2014
Nuôi Cá Nước Ngọt Ở Hòa Khương (Đà Nẵng) Nuôi Cá Nước Ngọt Ở Hòa Khương (Đà Nẵng)

Hơn một tuần sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, đến thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương (Đà Nẵng), chúng tôi biết được người nông dân nơi đây có nguồn thu nhập cao nhờ vào nuôi cá nước ngọt, từ 100 triệu đồng/500m2 đến 2 tỷ đồng/ha.

20/02/2014
Toàn Tỉnh Có 41 Doanh Nghiệp Chế Biến Thủy Sản Toàn Tỉnh Có 41 Doanh Nghiệp Chế Biến Thủy Sản

Các cơ sở chế biến nội địa phát triển ổn định, sản phẩm chế biến phong phú, đa dạng phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 1-2014 ước đạt gần 7 triệu USD; một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu chính ngạch như: Surimi, tôm đông lạnh...

20/02/2014
Anh Nguyễn Hồng Phước Khá Lên Nhờ Nuôi Dê Anh Nguyễn Hồng Phước Khá Lên Nhờ Nuôi Dê

Siêng năng, kiên trì gắn bó với nghề nuôi dê đã trên 10 năm, giờ đây kinh tế gia đình của anh Nguyễn Hồng Phước (ấp Lợi A, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) đã khấm khá hơn trước nhiều.

20/02/2014
Hướng Phát Triển Mới Trong Chăn Nuôi Bò Ở Ba Tri (Bến Tre) Hướng Phát Triển Mới Trong Chăn Nuôi Bò Ở Ba Tri (Bến Tre)

Huyện Ba Tri có đàn bò lớn nhất tỉnh Bến Tre. Nghề nuôi bò ở Ba Tri được xem là kinh tế chủ lực của hàng ngàn hộ nông dân nơi đây. Chính vì vậy, nghề nuôi bò được người dân chú trọng, bà con luôn tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi để đem về giá trị kinh tế cao cho gia đình.

20/02/2014