Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Thí Điểm Chuỗi Cung Cấp Sản Phẩm Chè An Toàn

Mô Hình Thí Điểm Chuỗi Cung Cấp Sản Phẩm Chè An Toàn
Ngày đăng: 07/11/2014

An toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, để có nông sản thực phẩm an toàn đòi hỏi có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và các cấp quản lý, giám sát chất lượng các sản phẩm nông sản (rau, củ, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm…) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn "từ trang trại đến bàn ăn" là một giải pháp có tính đột phá và bền vững để quản lý tốt chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó chè là sản phẩm đang được sản xuất, tiêu thụ nhiều. 

 Là tỉnh có truyền thống trồng, chế biến chè, hiện nay  toàn tỉnh đã có 16.080ha, năng suất đạt 9,7 tấn/ha và sản lượng chè búp tươi đạt 136.195 tấn; hệ thống chế biến toàn tỉnh hiện có 62 công ty, xí nghiệp, cơ sở chế biến chè xanh, chè đen và các loại chè cao cấp công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày và trên 1.200 cơ sở chế biến chè thủ công, quy mô nhỏ, trong đó có 9 làng nghề chế biến chè được công nhận. Sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh, Pakistan...

Đặc biệt, sản phẩm chè của Phú Thọ đã vào được một số thị trường khó tính như: Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật... Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất, chế biến chè chưa theo hướng an toàn, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu là chè bán thành phẩm, không có thương hiệu nên giá thành thấp.

 Nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất chè, xây dựng và phát triển thương hiệu chè xanh Phú Thọ chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm, hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp trong suốt quá trình từ sản xuất, chế biến đến khi sản phẩm được lưu thông ra thị trường; từ năm 2013, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản triển khai thí điểm mô hình chuỗi cung cấp sản phẩm chè an toàn. Trên cơ sở kết quả khảo sát, thu thập thông tin và đánh giá hiện trạng hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh 3 doanh nghiệp đã được lựa chọn tham gia thí điểm là Công ty TNHH chè Hà Trang, Công ty TNHH một thành viên tư vấn đầu tư phát triển chè và cây nông lâm nghiệp và Công ty TNHH chè xuất khẩu Bảo Long.

 Sản xuất theo chuỗi là phương thức sản xuất mới, để đáp ứng đòi hỏi phải đổi mới phương thức tổ chức sản xuất và phương thức quản lý phù hợp.

Vì vậy, để mô hình chuỗi chè triển khai thành công, trước khi bước vào thực hiện Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm chất lượng Vùng 1 tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ quản lý cấp huyện, xã; người lao động về quy trình sản xuất theo VietGAP trên nương chè, chương trình quản lý chất lượng sản phẩm trong sơ chế, chế biến chè theo tiêu chuẩn Quốc tế  HACCP, ISO - 22000.

Thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn các hộ nông dân tuân thủ đúng các quy định về bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch đặc biệt hướng dẫn cách ghi chép sổ sách các nguyên liệu đầu vào, sản lượng thu hoạch, cách kiểm tra giám sát nội bộ... để quản lý nguyên liệu chè búp tươi và có biện pháp phòng ngừa khi xác định rõ nguyên nhân nguyên liệu ở công đoạn đưa vào chế biến không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trung tâm chất lượng Vùng 1 đã cấp giấy chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 72,5ha cho vùng nguyên liệu của 3 doanh nghiệp trên. Chi cục đã hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị, hoàn thiện dây chuyền chế biến đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

Chi cục đã thường xuyên lấy mẫu phân tích để giám sát chất lượng, qua nhiều đợt lấy mẫu phân tích (25 mẫu chè tươi, 25 mẫu chè khô) các sản phẩm đều đảm bảo an toàn không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng đạm kim loại nặng, chất kích thích sinh trưởng... Nhà máy chế biến chè của Công ty TNHH chè xuất khẩu Bảo Long được cấp giấy chứng nhận ISO-22000, Công ty TNHH một thành viên tư vấn và phát triển chè và Công ty TNHH chè Hà Trang được cấp giấy chứng nhận HACCP.

Các sản phẩm chè xanh chất lượng cao mang thương hiệu chè xanh Phú Thọ như chè nhài, chè Ôlong, chè xanh Phú Hộ… đưa ra thị trường đều dán logo, tem nhãn nhận diện sản phẩm được sản xuất theo chuỗi đang dần từng bước chiếm lĩnh thị trường, được các đại lý, công ty ký kết hợp đồng bao tiêu, ngoài ra các sản phẩm chè xanh chất lượng cao này đang trong quá trình xúc tiến đưa vào tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị của Big C trên toàn quốc.

 Mô hình thí điểm chuỗi cung cấp sản phẩm chè an toàn đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp khi có đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định, giá bán cao do sản phẩm xây dựng được thương hiệu, chất lượng an toàn tạo được lòng tin của người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm.

Trên cơ sở kết quả mô hình, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản sẽ tổng kết, đánh giá, tuyên truyền nhân ra diện rộng chuỗi thực phẩm chè an toàn trong năm 2015. Tuy nhiên, để chuỗi thực phẩm an toàn phát triển bền vững rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cũng như sự tham gia tích cực của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng trong hoạt động giám sát, quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu nông sản và gia tăng giá trị sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Xuất Khẩu Thủy Sản Nhiều Tín Hiệu Vui Xuất Khẩu Thủy Sản Nhiều Tín Hiệu Vui

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mới đây Nga tiếp tục dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu đối với một số doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Đầu tháng 8/2014, Nga cho phép 7 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này.

22/09/2014
Thực Phẩm “Sạch” Hút Khách Thực Phẩm “Sạch” Hút Khách

Khảo sát tại hệ thống các cửa hàng chuyên bán thực phẩm hữu cơ với các chủng loại sản phẩm không dùng thuốc kháng sinh, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tại quận 1, quận 3, quận 7- TP.HCM cho thấy, số lượng thực phẩm sạch phục vụ bữa ăn gia đình cho người tiêu dùng rất phong phú với khoảng 300 sản phẩm từ các loại rau nhiệt đới, rau ôn đới, các loại thịt heo, gà, hải sản…

22/09/2014
Trang Trại Nấm Mèo Quy Mô Lớn Ở Nam Xuân Trang Trại Nấm Mèo Quy Mô Lớn Ở Nam Xuân

Hiện trang trại đang có 16 nhà trồng nấm, với số lượng lên đến 250.000 bịch mỗi đợt. Sau 2 tháng đưa lên giàn chăm sóc, nấm sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên, mỗi bịch thu được khoảng 4-5kg nấm tươi và sau mỗi vụ nấm khoảng 6 tháng, mỗi nhà nấm cho thu hoạch gần 1 tấn nấm khô, trị giá khoảng 120 triệu đồng.

22/09/2014
Sản Xuất Cà Phê Theo Hướng Bền Vững Ở Đắk Mil Sản Xuất Cà Phê Theo Hướng Bền Vững Ở Đắk Mil

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Mil thì việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh cây cà phê theo hướng bền vững trên địa bàn huyện đang được xem là một giải pháp lâu dài và hết sức cần thiết. Người dân cũng đã dần tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

22/09/2014
Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông - Lâm Nghiệp Tây Nguyên Tập Huấn Chăn Nuôi Bò Thịt Cho Nông Dân Huyện Chư Jút Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông - Lâm Nghiệp Tây Nguyên Tập Huấn Chăn Nuôi Bò Thịt Cho Nông Dân Huyện Chư Jút

Tại lớp tập huấn, các hộ chăn nuôi bò đã được cán bộ Viện khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên giới thiệu về đặc tính sinh trưởng của các loại giống bò hiện có tại Việt Nam; Phổ biến các kiến thức về kỹ thuật trồng các loại cỏ và giới thiệu một số loại cỏ cho năng suất và chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương như: cỏ sả, cỏ VA06, cỏ Mulato;

22/09/2014