Mô Hình Sản Xuất-Sơ Chế-Tiêu Thụ Rau An Toàn Theo Hướng VietGAP

Cùng với sự phát triển về đô thị, nâng cao tầm hiểu biết, người dân ngày càng có xu hướng quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông sản, đặc biệt là rau củ quả. Nhu cầu sử dụng rau an toàn (RAT) ngày càng tăng, người tiêu dùng đòi hỏi không chỉ về chất lượng rau mà còn phải đảm bảo sạch và an toàn cho sức khoẻ.
Việc sản xuất RAT theo VietGAP phải quản lí chặt chẽ qui trình sản xuất từ khâu đất trồng, nước tưới, phân bón, sử dụng thuốc BVTV, thời gian cách ly với phân thuốc, thu hoạch, đến khâu sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ. Để đạt được các tiêu chuẩn qui định cần phải có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp tác trong sản xuất và chi phí để đăng kí chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất RAT bao giờ cũng cao hơn giá thành của rau sản xuất theo phương pháp truyền thống. Cho nên, bà con nông dân thường quan ngại trong việc sản xuất RAT theo VietGAP.
Thấy được sự khó khăn của bà con nông dân, Sở Nông nghiệp và PTNT TP. HCM đã chỉ định Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp tổ chức chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho rau. Thông qua trung tâm, bà con nông dân trồng RAT sẽ được hướng dẫn qui trình trồng theo hướng VietGAP và cấp giấy chứng nhận mà không tốn bất kì chi phí nào. Ngoài ra, TP.HCM cũng đã thành lập các hợp tác xã (HTX) sản xuất RAT và liên kết nơi tiêu thụ cho bà con nông dân. Điều này làm cho bà con nông dân TP.HCM an tâm trong việc sản xuất RAT theo hướng VietGAP.
Điều quan trọng hơn hết để RAT tồn tại và phát triển trên thị trường tiêu thụ là phải xây dựng được mạng lưới tiêu thụ, có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Nắm bắt được tình hình thực tế, ông Nguyễn Văn Long, giám đốc Công ty TNHH Hương Cảnh đã xây dựng mô hình sản xuất-sơ chế-tiêu thụ RAT khép kín, công ty đã ký cam kết với người nông dân sẽ bao tiêu 100% sản phẩm RAT ngay từ khi nông dân xuống giống. Trong trường hợp giá thị trường RAT tăng cao, công ty sẽ điều chỉnh giá thu mua với 50% sản phẩm theo giá thị trường, 50% theo giá hợp đồng cam kết. Trường hợp giá thị trường RAT xuống thấp, doanh nghiệp cam kết thu mua 100% theo hợp đồng đã ký. Ngoài ra, công ty còn xây dựng nhà sơ chế riêng, có bể sục khí Ozon để đảm bảo an toàn vệ sinh và giữ cho rau, củ, quả luôn tươ ngon. Hơn nữa, công ty còn sử dụng bao bì sản phẩm được dán tem nhãn ghi mã vạch có khả năng truy suất lô hàng. Hiện nay, Công ty TNHH Hương Cảnh cung cấp RAT cho gần 20 siêu thị lớn nhỏ tại TP.HCM. Nhân chuyến tham quan công ty, ông Nguyễn Văn Long đã có nhã ý hợp tác sản xuất 1.000 ha cây ớt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Mặc dù, việc tính toán chi phí ban đầu cho sản xuất RAT cao hơn sản xuất theo phương pháp truyền thống, nhưng chất lượng và lợi nhuận mang lại sau khi thu hoạch từ mô hình thì lại cao hơn nhiều. Hiện nay đã có doanh nghiệp bao tiêu sản xuất đầu ra, nhưng số lượng còn rất hạn chế. Hi vọng trong tương lai, Đồng Tháp sẽ phát triển những vùng sản xuất RAT theo chứng nhận VietGAP và tìm được nhiều doanh nghiệp tiêu thụ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng không chỉ trong Tỉnh mà còn các tỉnh thành khác, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Chỉ với diện tích vài chục mét vuông, anh Võ Thành Tâm (ấp Bến Đồn, xã Hòa Lợi, Bến Cát, Bình Dương) không tận dụng để trồng rau hay hoa kiểng như nhiều người khác mà đã chọn cách nuôi rắn hổ hèo. “Ban đầu chỉ thấy người khác nuôi hiệu quả rồi làm theo nhưng không ngờ lại trở thành cái duyên của tôi đối với nghề nuôi rắn thương phẩm”, anh Tâm vui vẻ nói.

Thời gian qua, một số nông dân tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư trồng rau diếp cá cho lợi nhuận khá cao. Người đầu tiên mang rau diếp cá về trồng tại xã Láng Biển là vợ chồng chị Huỳnh Ngọc Diệp.

Tuy mới chỉ được người dân xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du - Bắc Ninh) đưa vào trồng khoảng 7 đến 8 năm nay nhưng cây bưởi Diễn đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.

Khác với tâm trạng mong chờ, háo hức tới phiên chợ Tết như mọi năm, thời điểm này, nhiều người trồng chuối xanh ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (Hà Nội) tỏ ra buồn bã vì chuối mất mùa. Nguyên nhân là do cơn bão số 8 (10/2012) đã làm gãy, đổ phần lớn diện tích chuối trên địa bàn xã.

Dự án cạnh tranh nông nghiệp và Trung tâm Tư vấn - phát triển công nghệ Nha Hố đã đầu tư 1,7 tỉ đồng cho 750 nông hộ xã Thanh Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải - Ninh Thuận) và phường Văn Hải (T.p Phan Rang Tháp Chàm) nhằm mở rộng 50 ha diện tích trồng tỏi an toàn trong vụ đông xuân 2012 – 2013.