Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Sản Xuất Củ Giống Khoai Tây Sạch Bệnh Bằng Phương Pháp Khí Canh

Mô Hình Sản Xuất Củ Giống Khoai Tây Sạch Bệnh Bằng Phương Pháp Khí Canh
Ngày đăng: 19/05/2014

Những năm gần đây, diện tích trồng khoai tây tại Thái Bình nhanh chóng được mở rộng. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh trồng gần 3 nghìn ha, sản lượng đạt trên 40 nghìn tấn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Tuy nhiên thực trạng sản xuất khoai tây vẫn chưa được phát triển đúng tiềm năng của nó cả về số lượng và chất lượng, nguyên nhân chính là do thiếu củ giống sạch bệnh, chất lượng.

Qua thực tế cho thấy giống khoai tây dân tự để từ vụ này qua vụ khác đã xảy ra hiện tượng thời gian sinh trưởng rút ngắn, thân rớt, lá nhỏ, nấm bệnh hại nặng, đặc biệt là bệnh héo xanh do vi khuẩn gây làm giảm năng suất, chất lượng củ cây khoai tây.

Hiện nay, có hai hướng chính để phát triển sản xuất khoai tây giống, đó là tự xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây giống sạch bệnh, chất lượng cao tại chỗ hoặc nhập ngoại giống mới để thay thế giống đã bị thoái hóa. Giống khoai tây nhập ngoại, chất lượng tốt hơn nhưng giá thành cao và thời gian nhận giống thường chậm so với thời vụ gieo trồng…

Để tháo gỡ khó khăn này, từ năm 2012 Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng mô hình “Ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh tại Thái Bình” nhằm áp dụng công nghệ cao vào sản xuất giống khoai tây sạch bệnh, với giá thành thấp, chất lượng tốt giúp người dân chủ động về nguồn giống, thời vụ.

Thực hiện mô hình, qua nghiên cứu các công nghệ hiện tại, Trung tâm đã lựa chọn áp dụng công nghệ nhân giống khoai tây bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào kết hợp với khí canh.

Nguyên lý hoạt động của công nghệ này là sản xuất cây mà không cần đất theo cách phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ, kích thích cây ra rễ, sinh trưởng, phát triển. Trong môi trường thoáng khí, dinh dưỡng được hòa vào nước, cứ 15-30 phút hệ thống tưới sẽ tự động phun sương giúp cây hấp thụ dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển.

Dung dịch thừa được thu lại, lọc, bổ sung chất dinh dưỡng để tiếp tục sử dụng. Ngoài việc nhân giống nhanh, đảm bảo giữ được nguồn gene gốc và cho ra đời thế hệ giống mới hoàn toàn sạch bệnh, có khả năng sinh trưởng phát triển nhanh, công nghệ này còn giảm được 90% chi phí về nước, 95% phân bón so với phương pháp canh tác truyền thống…

Trung tâm đã sử dụng giống khoai tây sạch bệnh Solara (Đức) vào trồng trong nhà khí canh để sản xuất củ giống siêu nguyên chủng; từ đó tiếp tục nhân giống trong nhà màn tạo củ bi và trồng cách ly để tạo ra giống nguyên chủng và giống xác nhận cho sản xuất đại trà.

Hiện tại, mô hình “Ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh tại Thái Bình” đã hoàn thiện quy trình sản xuất củ siêu bi trong nhà màn với kết quả thu được từ 20-60 củ siêu bi/khóm, cao gấp 10 lần so với trồng bằng phương pháp truyền thống.

Giống khoai tây siêu bi trồng theo công nghệ khí canh có độ thuần chủng cao, sức sinh trưởng mạnh, không bị lẫn tạp chất và sạch bệnh. Với những kết quả này sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc tạo ra củ giống, cây giống, giải quyết được nhu cầu giống khan hiếm như hiện nay.

Để tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp đến với người dân. Song song với việc sản xuất, nhân giống khoai tây siêu nguyên chủng trên giàn khí canh, nhà lưới, việc mở rộng sản xuất nhân củ giống cấp nguyên chủng, xác nhận dưới HTX cũng là hướng đi chính của Trung tâm.

Vụ Đông Xuân 2013, từ những kết quả sản xuất củ giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng từ vụ trước, Trung tâm đã mở rộng diện tích sản xuất củ giống khoai tây tại HTX Trọng Quan với diện tích 2 ha củ giống khoai tây cấp xác nhận và sản xuất 0,7 ha củ giống khoai tây cấp nguyên chủng.

Qua đánh giá mô hình thử nghiệm cho thấy, củ giống đưa xuống sản xuất có chất lượng cao, hoàn toàn sạch bệnh, phù hợp với khí hậu đồng đất ở địa phương, có khả năng thích ứng rộng, năng suất bình quân 6,5 - 7 tạ/sào (củ giống xác nhận), 5,2-5,4 tạ/sào (củ giống nguyên chủng).

Các hộ nông dân tham gia mô hình nhân giống khoai tây Solana ở HTX Trọng Quan, Vũ Tiến – Vũ Thư - Thái Bình cho rằng: Khoai tây Solana trong mô hình nhân giống có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao hơn giống cũ mà người dân tự để.

Chất lượng củ giống nguyên chủng được sản xuất từ Trung tâm tương đương với giống nhập ngoại nhưng giá thành rẻ hơn, phù hợp với khí hậu đồng đất ở địa phương. Đặc biệt bà con hoàn toàn chủ động được thời vụ gieo trồng và những năm tới sẽ mua giống nguyên chủng và xác nhận trồng để mang lại hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích cao hơn

Việc đưa củ giống khoai tây chất lượng từ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh sẽ tạo được nguồn giống chất lượng cao tại chỗ phục vụ kịp thời cho sản xuất. Mô hình còn giúp người dân yên tâm, ổn định về nguồn giống, tạo điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, góp phần ổn định và phát triển bền vững sản xuất khoai tây cho tỉnh và một số vùng phụ cận.


Có thể bạn quan tâm

Chăn Nuôi Trên Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả Và Thân Thiện Với Môi Trường Chăn Nuôi Trên Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả Và Thân Thiện Với Môi Trường

Mô hình chăn nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học mà bà con nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) áp dụng đã hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như tăng hiệu quả kinh tế. Đây là phương pháp sử dụng chế phẩm Balasa N01 (dùng để khử độc, mùi hôi phát sinh từ chất thải chăn nuôi) kết hợp với mùn cưa, trấu, hoặc bột bắp… tạo ra quần thể vi sinh xử lý chất thải của vật nuôi, hạn chế mầm bệnh.

21/01/2014
Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Trâu Thương Phẩm Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Trâu Thương Phẩm

Gần giáp Tết Nguyên đán, gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) lại có nguồn thu lớn từ đàn trâu chuẩn bị xuất chuồng. Năm nay giá bán trâu vẫn duy trì ở mức 30 triệu đồng/1 con, trừ chi phí đàn trâu mang lại nguồn lợi cho gia đình trên 100 triệu đồng.

21/01/2014
Đã Có 11 Khu Bảo Vệ Thuỷ Sản Trên Hệ Đầm Phá Tam Giang – Cầu Hai Đã Có 11 Khu Bảo Vệ Thuỷ Sản Trên Hệ Đầm Phá Tam Giang – Cầu Hai

Tỉnh từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh đã cho thành lập 11 khu bảo vệ thủy sản, với tổng diện tích gần 350, chiếm khoảng 1,5% diện tích đầm phá. Nền tảng để duy trì các khu bảo vệ thủy sản này chủ yếu dựa vào cộng đồng, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ và hưởng lợi của người dân.

22/01/2014
Chủ Động Phòng Chống Rét Cho Cá Chủ Động Phòng Chống Rét Cho Cá

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn tỉnh Lạng Sơn, hiện nay công tác phòng chống rét cho cá trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, kịp thời, nhằm giúp cá lưu qua đông khỏe mạnh, đáp ứng số lượng, chất lượng giống cho vụ nuôi sau và đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

22/01/2014
Cá Chép Chờ Ông Táo Về Trời Cá Chép Chờ Ông Táo Về Trời

Ngày 23 tháng Chạp đang đến gần, các trại giống đang tất bật xuống ao quăng chài, thả lưới vây bắt cá chép để phục vụ lễ cúng tiễn ông Táo về trời.

22/01/2014