Mô Hình Rau Pó Xôi Tiền Tỷ Dưới Chân Núi LangBiang

Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, cây rau pó xôi đã phát triển tốt trong khu vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Thi ở xã Lát, Lạc Dương (Lâm Đồng). Với diện tích hơn 1ha trồng trong nhà kính, mô hình trồng rau pó xôi sạch này đã mang về cho gia đình anh Nguyễn Văn Thi tiền tỷ mỗi năm.
Trước đây, cũng như nhiều gia đình khác tại địa phương, anh Nguyễn Văn Thi đã trồng nhiều loại rau thương phẩm khác như bắp sú, xà lách, khoai tây… nhưng giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định.
Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp địa phương, anh đã mạnh dạn thử nghiệm với cây pó xôi. “Vạn sự khởi đầu nan”, lúc mới đưa cây rau pó xôi về áp dụng tại địa phương, anh Thi gặp không ít khó khăn trong kỹ thuật trồng, chăm bón và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo anh Thi, cây rau pó xôi là một cây rau khó tính, nếu chỉ trồng ngoài trời và chăm bón không đúng quy trình thì cây khó phát triển, pó xôi cũng rất khó bảo quản vận chuyển, nên để tiêu thụ ở các tỉnh xa cần phải có xe chuyên dụng.
Tuy khó khăn là vậy, nhưng anh Nguyễn Văn Thi cũng không nản lòng mà vừa làm vừa mày mò học hỏi trong khâu kỹ thuật cũng như liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm.
Trải qua bao khó khăn vất vả, đến nay, anh Nguyễn Văn Thi đã có một kết quả xứng đáng từ vườn rau pó xôi của mình. Hiện tại, anh không chỉ có kinh nghiệm, kỹ thuật để trồng cây rau pó xôi phát triển tốt mà anh đã tìm được đầu ra ổn định.
Rau nơi đây là nguồn cung cấp rau sạch cho 2 hệ thống siêu thị lớn là Big C và Metro. Gia đình anh Nguyễn Văn Thi cũng đã nhận được Bằng khen của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng về mô hình trồng rau sạch này.
Được biết, 1ha rau pó xôi của gia đình anh đang cho thu hoạch 6 - 7 tạ rau/ngày. Với giá cả thị trường hiện nay, sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh thu nhập gần 100 triệu đồng/1 tháng.
Nhìn những luống rau pó xôi phát triển tốt, anh Nguyễn Văn Thi vui vẻ cho biết: “Đến nay thì cây rau pó xôi đã gắn bó với tôi rồi. Lúc đầu trồng rất khó nhưng khi có kỹ thuật rồi, mình trồng và chăm sóc đúng quy trình thì cây đã phát triển tốt. Điều quan trọng là nông dân phải cẩn trọng trong khâu chọn giống và sử dụng phân bón.
Ngày xưa, khi trồng những loại cây khác, mỗi năm nếu được mùa, được giá cũng chỉ mang về cho gia đình tôi khoảng 200 triệu đồng/1ha sản xuất. Hiện nay, với cây pó xôi, mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 1 tỷ đồng”.
Mô hình trồng rau pó xôi của anh không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn đang giúp cho 10 lao động của địa phương có công ăn việc làm ổn định với thu nhập gần 4,5 triệu đồng/1 tháng.
Đánh giá về mô hình trồng rau pó xôi của gia đình anh Nguyễn Văn Thi, ông Trần Phi, cán bộ khuyến nông xã Lát cho biết: “Đây là mô hình trồng rau pó xôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao có quy mô và bài bản nhất tại địa phương.
Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm với hệ thống siêu thị là mô hình hay. Chúng tôi nghiên cứu, xem xét để nhân rộng mô hình của gia đình anh Thi cho người dân địa phương, hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích”.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 4/6/2013, tại khu nuôi tôm công nghiệp 200 ha ấp Long Thạnh, xã Long Toàn, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Duyên Hải và bà con ngư dân xã Long Toàn tham dự tổng kết Mô hình trình diễn nuôi cá chẽm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp.

Ông Phạm Quang Tuyến (sinh năm 1960) ngụ ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã chuyển đổi thành công việc nuôi cá lóc và thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp. Mô hình hứa hẹn nhiều khả năng nhân rộng trong thời gian tới...

Những ngày qua ở Phú Yên tại các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, người dân đổ xô đi chặt cây sắn bán cho thương lái. Cách đây 2 năm, cảnh mua bán cây sắn cũng diễn ra rầm rộ, làm cho nhiều nơi không có sắn giống trồng dặm. Lo ngại nhất hiện nay, nếu các cấp chính quyền không kịp thời ngăn chặn tình trạng này, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên cây sắn sẽ xảy ra.

Người đánh bắt cá, lươn bằng xuyệt điện đi qua thì cánh đồng, khúc sông "ngoắc ngoải" bởi sự đánh bắt tận diệt của con người. Trên thực tế, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện đang tăng dần, môi trường sống bị đe dọa nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt…

Sau một thời gian dài bị các loại cây trồng khác “lấn át”, tới cuối năm 2012 toàn tỉnh đã có 3.888 ha dâu với năng suất lá bình quân 113 tạ/ha, sản lượng 42.348 tấn và hiện đang phát triển nhanh trở lại ở các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng - trừ Đà Lạt và Lạc Dương. Mục tiêu của UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT và các huyện, thành phố trong tỉnh là tới cuối năm 2013 này phải nâng diện tích cây dâu tằm của địa phương lên trên 4.065 ha.