Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá chình

Mô Hình Nuôi Thâm Canh Cá Chình

Mô Hình Nuôi Thâm Canh Cá Chình
Ngày đăng: 27/04/2014

Theo chân anh cán bộ khuyến nông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), chúng tôi tham quan mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng theo hướng thâm canh tại hộ chị Đặng Thị Minh Thuý, xã Bình Thạnh.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Tài, cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình cho biết: Hồ nuôi cá chình được xây bằng gạch, trát xi măng. Hồ nuôi dạng hình tròn với diện tích 100 m2, hồ sâu 2 m, độ sâu mực nước từ 1,2-1,5 m; có nguồn nước chủ động, cống cấp và thoát nước riêng. Sau khi cải tạo ao, kiểm tra các yếu tố môi trường thích hợp, cán bộ kỹ thuật đã cho tiến hành thả giống (có kích thước đồng đều, trọng lượng 110-120 g/con). Mật độ nuôi 6 con/m2, tổng cộng thả 600 con giống vào giữa năm 2008.

Theo anh Nguyễn Văn Tình - cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn, nuôi cá chình trong bể xi măng là hình thức nuôi thâm canh, vì vậy đòi hỏi các điều kiện nhất định như phải sử dụng máy sục khí để tăng lượng oxy vì loài cá này cần nhu cầu oxy cao (hàm lượng oxy phải đạt từ 4 mg/l); thường xuyên kiểm tra màu nước, nước có màu lá chuối non hoặc màu của hạt đậu xanh là tốt nhất; cá chình phải được quản lý chăm sóc chu đáo, nhất là lúc mới mua về nuôi vì giống bắt trong tự nhiên; thức ăn chế biến riêng theo tỷ lệ bột cá chiếm khoảng 70-75%, tinh bột 25-30% và một ít vi lượng, vitamin.

Cá tạp để cho cá chình ăn cần được cắt khúc vừa miệng cá, sau đó tẩm thêm dầu mực khoảng 15 phút rồi cho cá ăn ngay. Lượng thức ăn hàng ngày bằng 3-5% trọng lượng cá. Không nên cho cá chình ăn quá nhiều sẽ gây bội thực và thức ăn dư thừa sẽ làm ô nhiễm nước. Hàng tuần xi phông đáy để tẩy bẩn. Để tạo môi trường tự nhiên cho cá chình cần làm hòn non bộ cho cá trú ẩn.

Ở mô hình này sử dụng các ống nhựa cắt khúc bó thành từng bó để cá trốn vào theo tập tính của loài. Nuôi cá chình đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trên, năng suất có thể đạt được 30-45 tấn/ha (tức 3-4,5kg/m2 mặt nước). Sau nuôi 1 năm cá có thể đạt trọng lượng trên 1kg/con.

Đến nay sau 6,5 tháng nuôi, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm khuyến ngư tỉnh nên cá phát triển rất tốt, tỷ lệ sống trên 75%, trọng lượng cá trung bình 700 gam. Hạch toán hiệu quả của mô hình đến thời điểm hiện tại: 1 kg cá giống có giá khoảng 600 nghìn đồng, tiền giống cá là 36 triệu đồng; tiền thức ăn khoảng 28,3 triệu đồng (15 kg thức ăn cho một kg cá tăng trọng, trung bình 1 kg thức ăn là 6.000 đồng); chi phí thuốc xử lý ao và phòng trừ bệnh 2 triệu đồng; tổng chi phí (chưa tính công chăm sóc) đến thời điểm này khoảng 66,35 triệu đồng. Sản lượng ước đạt 315 kg, giá bán ra thị trường hiện nay khoảng 300 nghìn đồng/kg; tổng thu khoảng 94,5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị Thuý sẽ thu lãi trên 28,15 triệu đồng.

Theo chị Thuý, kế hoạch của Trung tâm Khuyến ngư là sau nuôi 8 tháng sẽ thu hoạch khi cá đạt trung bình 0,5 kg/con, nhưng hiện nay mới chỉ 6,5 tháng nuôi cá đã đạt 0,7 kg/con; chị đã thống nhất với Trung tâm để nuôi đến khi cá đạt trên 1 kg/con sẽ xuất bán. Như vậy hiệu quả sẽ còn cao hơn nhiều so với hạch toán trên.

Từ kết quả của mô hình này, Trung tâm Khuyến ngư Quảng Ngãi sẽ mở rộng nuôi mô hình và phổ biến cho nhiều người cùng nuôi cá chình trong bể xi măng theo hướng thâm canh. Được biết, Trung tâm Khuyến ngư cũng đang chuẩn bị thực hiện đề tài chuyển giao kỹ thuật ương cá chình bột để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cá giống, giúp cho nông dân có nguồn giống tại chỗ, mở rộng mô hình nuôi cá chình trong tương lai.


Có thể bạn quan tâm

Phòng Và Trị Bệnh Cho Cá Chình Phòng Và Trị Bệnh Cho Cá Chình

Để phòng bệnh cho cá ta phải bắt đầu từ giai đoạn thả giống. Trước khi thả cá, ta cải tạo và xử lý nước thật kỹ bằng vôi công nghiệp và Vimekon. Cá giống trước khi thả nên tắm bằng muối (4 – 5kg/100 lít nước để diệt khuẩn, nấm, ký sinh trùng…).

07/12/2011
Nuôi Cá Chình Trong Bể Xi Măng Nuôi Cá Chình Trong Bể Xi Măng

Cá chình có giá trị kinh tế cao, (giá thương phẩm có lúc lên đến 240.000 đ/kg) thích hợp với nhiều mô hình nuôi. Nhiều tỉnh miền Trung đang phát triển hình thức nuôi trong bể xây bằng gạch hoặc xi măng cho năng suất cao. Đây là hình thức nuôi cao sản, vì vậy đòi hỏi phải có các điều kiện nhất định

07/12/2011
Chế Biến Thức Ăn Cho Cá Chình Bông Chế Biến Thức Ăn Cho Cá Chình Bông

Thức ăn hỗn hợp cho cá chình hoa được chế biến từ các nguyên liệu gồm: bột cá, bột đậu nành, bột mỳ, bột cám gạo. Trong đó, tỷ lệ các nguyên liệu được chia tỷ lệ như sau

18/01/2012
Nghiên Cứu Thành Công Quy Trình Nuôi Thương Phẩm Cá Chình Bông Nghiên Cứu Thành Công Quy Trình Nuôi Thương Phẩm Cá Chình Bông

Cụ thể: Trong ao đất, nuôi với mật độ 1-2 con/m2; thời gian nuôi từ 12 - 24 tháng; khi thu hoạch, mỗi con đạt từ 1kg trở lên, năng suất khoảng 4 - 5 tấn/ha. Nuôi bể xi măng, mật độ từ 30 - 50 con/m2 trong điều kiện có sục khí, nước chảy thường xuyên đảm bảo lượng oxy 5mg/l trở lên; mực nước từ 0,8 - 1m; diện tích bể từ 10 - 100m2; độ sâu bể khoảng 1,2m; có nơi trú ẩn cho cá nghỉ ngơi; ngày cho ăn 2 lần, lượng thức ăn bằng khoảng 5 - 7% trọng lượng cơ thể cá. Nuôi bể xi măng phải hút bỏ thức ăn thừa hàng ngày và cọ rửa bể hàng tuần. Nuôi lồng với mật độ từ 50 - 100 con/m2… Thức ăn chủ yếu là các loại cá nhỏ, ốc, tôm, tép tươi, trai, ếch, nhái. Các loài này được cắt nhỏ để cho ăn.

15/05/2012
Kỹ Thuật Nuôi Cá Chình - Tổng Quát Và Chi Tiết Kỹ Thuật Nuôi Cá Chình - Tổng Quát Và Chi Tiết

Cá chình là loài cá có tính thích ứng rộng với độ mặn, cá có thể sống được ở nước mặn, nước lợ, nước ngọt.Cá thích bóng tối, sợ ánh sáng nên ban ngày chui rúc trong hang, dưới đáy ao, nơi có ánh sáng yếu, tối bò ra kiếm mồi di chuyển đi nơi khác.

28/12/2010