Mô Hình Nuôi Lợn Rừng Cho Thu Nhập Hàng Tỷ Đồng

Với những lợi thế về giá, khả năng kháng chịu dịch bệnh tốt, tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, mô hình nuôi heo rừng bán hoang dã ở thôn Trung Nghĩa, xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng đang giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập hàng tỷ đồng một năm.
Thôn Trung Nghĩa nằm sâu trong thung lũng, có khí hậu mát mẻ, điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp cho lợn rừng sinh trưởng và phát triển. Anh Trần Đức Quốc, chủ một trang trại nuôi heo rừng ở đây cho biết, năm 2006 thử nghiệm nuôi heo rừng với 16 con lợn rừng nái. Sau khi thành công, anh Quốc đã nhân rộng và hiện nay trang trại của anh đã có 38 con lợn rừng nái, một lợn đực và 200 con lợn con.
Theo anh Quốc, lợn con nuôi khoảng 12 tháng là có thể cho sinh sản. Trung bình một năm, lợn rừng cho sinh sản 2 lứa, mỗi lứa khoảng 7 - 8 lợn con. Khi lợn con được 3 tháng sẽ được tách đàn nuôi riêng. Thức ăn của lợn rừng ngoài cám, ngô người chăn nuôi còn có thể tận dụng các nguồn thức ăn tại chỗ khác như bèo, rau, cỏ, sắn, khoai... Về chuồng trại nên xây dựng dưới những tán cây, ngoài phần chuồng cho lợn ngủ phải có không gian cho lợn chạy và đào bới. Theo anh Quốc, việc nuôi lợn rừng nhìn có vẻ đơn giản nhưng nếu không nắm rõ kỹ thuật chăm sóc, chu kỳ sinh trưởng của chúng để chủ động phòng bệnh, bổ sung thức ăn thì sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện thôn Trung Sơn đang có 3 hộ nuôi lợn rừng bán hoang dã. Thị trường tiêu thụ lợn của các hộ trong thôn chủ yếu là thị trường Đà Nẵng và Hà Nội. Tuỳ theo nhu cầu của khách hàng về trọng lượng của lợn, trong đó ít nhất lợn phải đạt 10 kg mới có thể xuất chuồng. Giá thịt lợn rừng hiện nay bán tại trang trại là 160.000 đồng/kg. Hàng năm gia đình anh Quốc bán khoảng 400 con lợn rừng thịt và thu mua tiêu thụ cho nhiều hộ khác trên địa bàn, thu về khoảng 3 tỷ đồng.
Theo anh Quốc để có được thị trường tiêu thụ lợn rừng ổn định, thì chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu. Gia đình anh và các hộ chăn nuôi ở đây luôn tuân thủ nghiêm ngặt việc nuôi lợn rừng bằng nguồn thức ăn tự nhiên nên chất lượng sản phẩm thịt được các nhà hàng rất ưa chuộng. Với diện tích trang trại hơn 3 ha, anh Quốc đang trồng 1.500 cây mít. Ngoài mục đích bán múi mít ra thị trường thì anh có kế hoạch tận dụng xơ, hạt mít để sấy và nghiền ra làm thức ăn cho lợn qua đó giảm chi phí đầu vào.
Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng mô hình nuôi lợn rừng bán hoang dã cũng gặp phải những khó khăn nhất định như: chi phí đầu tư ban đầu lớn về chuồng trại, con giống và chưa có sự hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bài bản của cán bộ thú y... Đây là các vấn đề đang là rào cản để mô hình này được nhân rộng trong thực tế.
Có thể bạn quan tâm

Công trình thủy lợi hóa đất màu bằng hệ thống ống tưới kín có tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng, được triển khai tại xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ). Sau gần 2 năm thi công, đến nay đã bắt đầu đi vào hoạt động đã giải quyết bài toán thiếu nước dai dẳng của hàng trăm hộ dân địa phương.

Không có nước tưới, 17ha mía xứ đồng Bờ An Cây Dừng, thôn Phước Đức, xã Đức Phú (Mộ Đức) năng suất chỉ đạt 2 tấn/sào. Với giá mía hiện nay, người trồng mía nơi đây không tránh khỏi thua lỗ. Chuyển đổi giống cây trồng là phương án đã được tính đến, nhưng trồng cây gì khi nơi đây chỉ có thể trông chờ vào nước trời. Đó là bài toán khó đối với 110 hộ dân chỉ biết sống nhờ vào đồng ruộng.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 08 - NQ/HU ngày 17/7/2008 của Huyện ủy Cam Lộ (Quảng Trị) về đẩy mạnh phát triển cây cao su giai đoạn 2008 - 2010; Kết luận số 28 - KL/HU ngày 25/11/2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy về nhiệm vụ, giải pháp phát triển cây cao su giai đoạn 2011 - 2015, diện tích cây cao su của địa phương đã phát triển mạnh mẽ, tạo bước chuyển biến cơ bản về cây trồng, khai thác tiềm năng đất đai hợp lý và giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có diện tích đất có khả năng trồng lạc lớn và quy mô tập trung, thuận lợi để đẩy mạnh phát triển sản xuất luân canh, xen canh, thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Với quy mô sản xuất ổn định hơn 700 ha, đứng thứ hai sau cây lúa, hiện lạc là cây trồng có tính hàng hóa cao, mang lại nguồn thu nhập chính góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện.

Chăn nuôi bò thâm canh đang là hướng đi đầy triển vọng được nhiều địa phương trong tỉnh tập trung phát triển. Ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị), những năm qua việc phát triển đàn bò lai theo hướng thâm canh được địa phương quan tâm triển khai và đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.