Mô Hình Nuôi Heo Rừng Lai Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Năm 2010, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa - Phú Yên) đã tiến hành nuôi thử nghiệm giống heo rừng lai với mục đích dùng sản phẩm thịt để nâng cao chất lượng bữa ăn cho cán bộ chiến sĩ trong đồn. Cùng với việc phục vụ nhu cầu của đơn vị, sau hơn 2 năm triển khai, mô hình này đã có hiệu quả kinh tế rõ rệt.
PHỤC VỤ BỮA ĂN CHO CÁN BỘ, CHIẾN SĨ
Trong quá trình đi công tác, tham quan, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam Lê Đức Tuệ thấy nhiều đơn vị bạn ở miền núi tăng gia sản xuất bằng cách nuôi heo đen của đồng bào dân tộc thiểu số. Thiếu tá Tuệ tìm hiểu và được biết đây là loại heo sống gần như hoang dã; phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở miền núi và cho chất lượng thịt rất tốt. Với mong muốn mang giống heo này về nuôi ở đơn vị để nâng cao chất lượng bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ, năm 2010, Thiếu tá Tuệ đã tiến hành lai tạo giữa heo rừng thuần chủng và heo đen miền núi, với mục đích phát triển nhanh số lượng heo thịt, kế thừa sự thích nghi tốt của heo rừng để heo lai có thể phát triển tốt ở vùng đất cát ven biển, đồng thời giữ được phẩm chất thịt của heo rừng. Việc lai tạo này không phải là công việc hoàn toàn mới.
Bởi, những năm gần đây, nông dân trong tỉnh đã bắt đầu xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi với quy mô tương đối lớn. Tuy nhiên, các cơ sở chăn nuôi vẫn còn manh mún, tự phát và người chăn nuôi chưa hiểu hết về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật làm chuồng trại. Khi bắt tay vào lai tạo giống heo rừng lai, ông Tuệ muốn nắm rõ quy trình, đặc tính và kỹ thuật chăn nuôi loại heo này để có thể nuôi đạt được kết quả tốt nhất.
Trước đó, Đồn Biên phòng này đã tiến hành nuôi các giống heo mà địa phương đang nuôi. Các loại heo này thường tốn nhiều công chăm sóc, chi phí cho việc ăn uống cao, thường bị dịch bệnh. Còn heo rừng lai, tuy trọng lượng không bằng heo địa phương nhưng nhiều nạc, ít mỡ, da mỏng và giòn, thịt thơm ngon rất đặc trưng. Loại thịt này có chất lượng tốt nên được cán bộ chiến sĩ trong đồn ưa thích, đồng thời sản phẩm bán ra thị trường có giá trị cao.
Thấy được những ưu điểm của heo lai, Đồn trưởng Tuệ phát động và các cán bộ, chiến sĩ trong đồn tán thành, đồng thời liên kết với hộ ông Bùi Minh Lộc ở thôn Bàn Nham Bắc (xã Hòa Xuân Tây, Đông Hòa) nuôi với số lượng lớn. Cơ sở thực hiện mô hình nuôi heo rừng lai ở đây hội tụ đủ các điều kiện: diện tích đất vườn trên 1.000 m2, cách xa khu vực đông dân cư, có nguồn nước sạch, đất cao và thoát nước tốt, có đủ năng lực lao động và khả năng về tài chính.
Ở mỗi cơ sở chăn nuôi, ông Tuệ cho xây dựng 2 chuồng với diện tích 20 - 30 m2 cho heo nái giống và thêm một số chuồng cho heo tách đàn, heo thịt. Tất cả các ô đều có sân từ 50 - 100 m2 để heo vận động, có hệ thống thoát phân và nước tiểu vào hố bioga. Để chọn con giống tốt, phục vụ cho việc lai tạo, Đồn trưởng Lê Đức Tuệ tiến hành mua 2 con giống heo rừng đực thuần chủng (có giấy chứng nhận nguồn gốc động vật hoang dã của hạt kiểm lâm địa phương, nơi bán heo giống) về lai với 20 con heo nái đen (đồng bào miền núi nuôi). Ban đầu, những người trực tiếp chăm sóc đàn heo gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng chuồng trại, phòng chống dịch bệnh nên hiệu quả chưa cao. Sau một thời gian cải tiến, rút kinh nghiệm, hiện đàn heo đã quen với khí hậu, đất đai của vùng đất cát ven biển và phát triển tốt.
HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO
Năm 2010, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam lập cơ sở chăn nuôi thứ nhất và sau đó phối hợp cùng một hộ dân trong vùng để triển khai mô hình nuôi heo rừng lai làm cơ sở thứ hai. Nhiều hộ dân trong vùng thấy heo phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên đăng ký mua heo giống tại đồn để nuôi.
Do đặc điểm của heo rừng lai là con lai giữa heo rừng đực thuần chủng và heo nái là heo thả rông của đồng bào dân tộc miền núi, tạo ra ưu thế lai cao của cả bố mẹ: có sức đề kháng mạnh, khả năng thích nghi với môi trường cao, ít dịch bệnh nên tỉ lệ sống rất cao. Đặc biệt, khi mua heo con tại đồn, tỉ lệ sống thường đạt 100% do heo con được chăm sóc đúng cách và tiêm phòng cẩn thận. Là cơ sở cung cấp heo con uy tín, để đáp ứng được phần nào nhu cầu người dân, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam có lúc đã tăng số nái lên đến 10 con.
Mỗi năm, heo nái đẻ hai lứa, mỗi lứa 5 - 7 con. Mỗi năm, đồn đưa ra thị trường gần 100 heo giống. Vì nhu cầu của người chăn nuôi lớn nên giá heo lai giống luôn ở mức 180.000 - 200.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ một heo con 7 kg, đã có giá hơn một triệu đồng. Nếu không bán khi heo đang còn nhỏ, có thể nuôi thêm 3 hoặc 4 tháng sau mà không phải tốn nhiều chi phí cho thức ăn bởi có thể nuôi heo bằng bèo tây, thân cây chuối mà heo vẫn phát triển tốt. Sau 4 tháng, heo có thể đạt trọng lượng 30 - 40 kg (đối với heo cái), 50 - 70 kg (đối với heo đực). Với giá cả hiện nay, chưa kể đến việc nuôi heo thịt thương phẩm, chỉ nuôi heo nái để bán heo con cũng đã thấy được hiệu quả kinh tế của mô hình này.
Theo Trung tá Lê Hùng Mạnh, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, hiện tại đơn vị chủ yếu nuôi heo nái. Số lượng heo thịt đơn vị đang nuôi chỉ đủ cho đơn vị sử dụng chứ không đủ để bán. Đơn vị vẫn đang phổ biến giống heo rừng lai và nhân rộng mô hình cho nhiều hộ dân lân cận. Nếu được triển khai rộng rãi, mô hình nuôi heo rừng lai chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Năm nay, tuy năng suất mì thấp hơn so với năm ngoái nhưng giá thu mua tăng nên nông dân trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vẫn có lãi.

Sau một thời gian triển khai quyết liệt, bảo hiểm (BH) cho cây lúa và vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà diễn ra khá thành công thì BH cho thủy sản lại đứng trước nhiều thách thức lớn. Ở các địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre và Trà Vinh, trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tôm, cá chết hàng loạt, người nuôi trồng đặt hy vọng nhiều vào việc đền bù nhanh chóng... lại xuất hiện thông tin có sự lợi dụng chính sách bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) để trục lợi từ phía người nuôi. Từ đó, quá trình bồi thường bị kéo dài và điều này đã trở thành lực cản trong quá trình triển khai chủ trương này trên diện rộng.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau một thời gian tạm lắng, dịch cúm gia cầm đã bùng phát trở lại và đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ngoài hơn 50ha quýt đường của gần 100 hộ dân được trồng xen với cây lá dừa nước của hợp tác xã Thuận Phú (ấp Long Trị, xã Bình Phú, Càng Long) đã “ăn nên làm ra” (bình quân 01ha, nhà vườn thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm) thì địa bàn huyện Càng Long còn khoảng 200ha vườn cây có múi được trồng rải rác (chanh, bưởi, quýt, cam...các loại) ở các xã trong huyện. Đặc biệt, do những năm qua, một số trái cây: Xoài, dừa, chanh… giá không ổn định, nhà vườn Càng Long có hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bưởi da xanh được chọn làm cây trồng chủ lực. Từ đó, bưởi da xanh “đứng đầu bảng” về giá (đối với cây có múi), nhưng năm nay, dịch bệnh đã tấn công mạnh, làm cho nhiều nhà vườn lúng túng, không chống chọi nổi, đang rất cần nhà khoa học vào cuộc.

Mới đây, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang diễn ra Hội nghị thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhiệm kỳ I (2013 - 2015). Hiệp hội ra đời vào thời điểm ngành hàng cá tra của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Song, từ người nuôi đến doanh nghiệp (DN), các nhà quản lý đều mong mỏi Hiệp hội sẽ là cầu nối vững chắc để sắp xếp, ổn định lại trật tự và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hàng mang tính chiến lược quốc gia.