Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Nuôi Heo Khép Kín Lợi Nhiều Đường

Mô Hình Nuôi Heo Khép Kín Lợi Nhiều Đường
Ngày đăng: 09/12/2013

Vợ chồng anh Huỳnh Tấn Phát ở thôn Khánh Giang là người đầu tiên ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) thực hiện mô hình nuôi heo "khép kín" trên cơ sở đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và hầm biogas. Anh chị đã có nguồn thu đáng kể từ chăn nuôi vừa đảm bảo giữ sạch môi trường.

Trại chăn nuôi của vợ chồng anh Phát nằm bên đường liên huyện Nghĩa Hành - Ba Tơ. Trong trang trại của mình, anh dành 300m2 xây 10 chuồng heo. Mỗi chuồng rộng 25m2, có bể tắm, hầm biogas, hệ thống cho ăn, uống tự động và bán tự động. Trong mỗi chuồng anh chị nuôi 15 - 20 con heo. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền vợ anh Phát, bảo: "Đang cố gắng nuôi để bán trong dịp Tết. Nếu heo được giá như mọi năm thì cũng thu được 40 triệu đồng".

Trước khi đến với mô hình nuôi heo khép kín, anh Phát và chị Huyền cũng nuôi khoảng 10 con heo thịt. Thấy nuôi heo kiểu thủ công cực nhọc mà thu nhập chẳng bao nhiêu, lại gây phiền phức đến xóm giềng vì mùi hôi thối từ chất thải, nên vợ chồng anh tổ chức lại chuồng trại chăn nuôi.

Khi có lớp tập huấn về thú y, chị Huyền tham gia và dành nhiều thời gian hỏi cán bộ về các mô hình, kỹ thuật chăn nuôi heo. Đồng thời chị tìm hiểu về nguồn thức ăn và "đầu ra" của con heo. Sau khi tìm hiểu, anh chị quyết định nuôi heo theo mô hình khép kín. Khó khăn ban đầu là nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống chuồng trại lên đến vài trăm triệu đồng. "Nghe số tiền là choáng. Bởi mình đâu có đủ tiền" – chị Huyền kể. Nhưng với quyết tâm cao anh chị dồn toàn bộ vốn liếng tích cóp lâu nay và vay mượn thêm, đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín và tiến hành thả nuôi.

Lần đầu tiên nuôi hàng chục con heo trong chuồng, anh chị lo lắm. Chị Huyền vận dụng kiến thức học được từ lớp thú y, anh Phát mua sách về tham khảo để hiểu thêm kỹ thuật nuôi heo công nghiệp về áp dụng. Với hệ thống cho ăn tự động, nên định lượng và khẩu phần thức ăn cho heo luôn đảm bảo ổn định. "Nuôi cách này, đi cả ngày, heo cũng vẫn no. Mình chỉ tốn công vệ sinh chuồng trại" - chị Huyền chia sẻ.

Nhờ chăn nuôi đúng quy trình, đàn heo lớn nhanh như thổi. Lứa đầu tiên anh chị thu về hơn 30 triệu đồng. Thấy có lãi, vợ chồng anh Phát tiếp tục thả nuôi với số lượng ngày càng tăng: 50 con, 70 con, 100 con, giờ thì 150 con. Anh Phát cho rằng: "Tăng số lượng chăn nuôi không mệt bằng việc mỗi khi trời trở gió chướng, heo bị bệnh. Lúc này, mình phải thường xuyên trông nom, chích thuốc cho chúng".

Nhờ mua heo giống tại xóm làng, thức ăn thì giá gốc và bán thì tận ngọn nên mỗi năm, từ chăn nuôi, vợ chồng anh Phát lãi khoảng 80 triệu đồng. Ngoài nguồn lợi từ chăn nuôi, nhờ có hầm biogas nên quanh năm suốt tháng anh Phát không tốn tiền mua gas để đun nấu. Anh Phát cho hay: "Sắp đến, theo chương trình khuyến nông Nhà nước hỗ trợ cho hộ chăn nuôi 50% tiền mua máy nổ. Nếu được hỗ trợ mình mua máy phát điện để bơm nước dội chuồng và sử dụng tivi, tủ lạnh...".

Cách nuôi heo theo mô hình khép kín của vợ chồng anh Huỳnh Tấn Phát trên vùng núi Hành Tín Đông vừa có thu nhập cao lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã gợi mở cho nhiều gia đình ở làng quê huyện Nghĩa Hành mở rộng chăn nuôi, hạn chế ly hương kiếm sống.


Có thể bạn quan tâm

Thủy Sản Trúng Mùa Thủy Sản Trúng Mùa

Đặc biệt với nghề khai thác cá ngừ, tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định đã phát triển, trở thành nơi sản xuất và xuất khẩu chính ở khu vực miền Trung và cả nước. Đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến liên hệ và đặt vấn đề liên kết để khai thác, chế biến cá ngừ xuất khẩu với quy mô lớn.

04/03/2015
Điêu Đứng Vì Nghêu Chết Hàng Loạt Điêu Đứng Vì Nghêu Chết Hàng Loạt

Theo người dân nuôi nghêu ở xã Cẩm Lĩnh, thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh), hiện tượng nghêu chết ở vùng này bắt đầu xuất hiện từ ngày 19-2 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán), mặc dù đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm để cứu nghêu, nhưng không có hiệu quả.

04/03/2015
Tổng Sản Lượng Thủy Sản 2 Tháng Đầu Năm Đạt 793.000 Tấn, Tăng 3,2% Tổng Sản Lượng Thủy Sản 2 Tháng Đầu Năm Đạt 793.000 Tấn, Tăng 3,2%

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong tháng 2 năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt 381 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ, đưa tổng sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 793.000 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác là 436.000 tấn, tăng 4,1%, nuôi trồng 331.000 tấn, tăng 2,3%.

04/03/2015
Cá Trê Phi Nuôi Khỏe, Bán Khó Cá Trê Phi Nuôi Khỏe, Bán Khó

Với gần 20 bể, diện tích gần 200m2, thời gian trước bình quân mỗi năm gia đình ông xuất hai lứa hơn 20 tấn cá. Trừ các khoản chi phí, như thức ăn, giống... gia đình ông thu lãi không dưới 50 triệu đồng. Gần 2 năm nay, việc đưa cá ra thị trường gặp khó khăn. Hiện tại gia đình ông còn đọng hơn 3 tấn cá đang thời kỳ thu hoạch.

04/03/2015
Những Tỷ Phú Chân Đất Những Tỷ Phú Chân Đất

Ông Trương Thanh Mai (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) xuất thân từ gia đình làm ruộng, nghèo. Do vậy, từ nhỏ, cậu bé Mai đã luôn ôm mộng làm giàu từ nông nghiệp. Sau nhiều trăn trở với đủ nghề để mưu sinh từ chăn nuôi heo, xay cà phê, làm thùng suốt lúa… ông Mai cho ra đời nhà máy xay xát lúa. Song, cuối cùng, ông Mai lại thành công với nghề nuôi cá sấu.

04/03/2015