Mô Hình Nuôi Heo Khép Kín Lợi Nhiều Đường

Vợ chồng anh Huỳnh Tấn Phát ở thôn Khánh Giang là người đầu tiên ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) thực hiện mô hình nuôi heo "khép kín" trên cơ sở đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và hầm biogas. Anh chị đã có nguồn thu đáng kể từ chăn nuôi vừa đảm bảo giữ sạch môi trường.
Trại chăn nuôi của vợ chồng anh Phát nằm bên đường liên huyện Nghĩa Hành - Ba Tơ. Trong trang trại của mình, anh dành 300m2 xây 10 chuồng heo. Mỗi chuồng rộng 25m2, có bể tắm, hầm biogas, hệ thống cho ăn, uống tự động và bán tự động. Trong mỗi chuồng anh chị nuôi 15 - 20 con heo. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền vợ anh Phát, bảo: "Đang cố gắng nuôi để bán trong dịp Tết. Nếu heo được giá như mọi năm thì cũng thu được 40 triệu đồng".
Trước khi đến với mô hình nuôi heo khép kín, anh Phát và chị Huyền cũng nuôi khoảng 10 con heo thịt. Thấy nuôi heo kiểu thủ công cực nhọc mà thu nhập chẳng bao nhiêu, lại gây phiền phức đến xóm giềng vì mùi hôi thối từ chất thải, nên vợ chồng anh tổ chức lại chuồng trại chăn nuôi.
Khi có lớp tập huấn về thú y, chị Huyền tham gia và dành nhiều thời gian hỏi cán bộ về các mô hình, kỹ thuật chăn nuôi heo. Đồng thời chị tìm hiểu về nguồn thức ăn và "đầu ra" của con heo. Sau khi tìm hiểu, anh chị quyết định nuôi heo theo mô hình khép kín. Khó khăn ban đầu là nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống chuồng trại lên đến vài trăm triệu đồng. "Nghe số tiền là choáng. Bởi mình đâu có đủ tiền" – chị Huyền kể. Nhưng với quyết tâm cao anh chị dồn toàn bộ vốn liếng tích cóp lâu nay và vay mượn thêm, đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín và tiến hành thả nuôi.
Lần đầu tiên nuôi hàng chục con heo trong chuồng, anh chị lo lắm. Chị Huyền vận dụng kiến thức học được từ lớp thú y, anh Phát mua sách về tham khảo để hiểu thêm kỹ thuật nuôi heo công nghiệp về áp dụng. Với hệ thống cho ăn tự động, nên định lượng và khẩu phần thức ăn cho heo luôn đảm bảo ổn định. "Nuôi cách này, đi cả ngày, heo cũng vẫn no. Mình chỉ tốn công vệ sinh chuồng trại" - chị Huyền chia sẻ.
Nhờ chăn nuôi đúng quy trình, đàn heo lớn nhanh như thổi. Lứa đầu tiên anh chị thu về hơn 30 triệu đồng. Thấy có lãi, vợ chồng anh Phát tiếp tục thả nuôi với số lượng ngày càng tăng: 50 con, 70 con, 100 con, giờ thì 150 con. Anh Phát cho rằng: "Tăng số lượng chăn nuôi không mệt bằng việc mỗi khi trời trở gió chướng, heo bị bệnh. Lúc này, mình phải thường xuyên trông nom, chích thuốc cho chúng".
Nhờ mua heo giống tại xóm làng, thức ăn thì giá gốc và bán thì tận ngọn nên mỗi năm, từ chăn nuôi, vợ chồng anh Phát lãi khoảng 80 triệu đồng. Ngoài nguồn lợi từ chăn nuôi, nhờ có hầm biogas nên quanh năm suốt tháng anh Phát không tốn tiền mua gas để đun nấu. Anh Phát cho hay: "Sắp đến, theo chương trình khuyến nông Nhà nước hỗ trợ cho hộ chăn nuôi 50% tiền mua máy nổ. Nếu được hỗ trợ mình mua máy phát điện để bơm nước dội chuồng và sử dụng tivi, tủ lạnh...".
Cách nuôi heo theo mô hình khép kín của vợ chồng anh Huỳnh Tấn Phát trên vùng núi Hành Tín Đông vừa có thu nhập cao lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã gợi mở cho nhiều gia đình ở làng quê huyện Nghĩa Hành mở rộng chăn nuôi, hạn chế ly hương kiếm sống.
Có thể bạn quan tâm

Khởi đầu từ một cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ, trang thiết bị thô sơ, đội ngũ lao động chỉ vài chục người, trải qua nhiều khó khăn, đến nay, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thủy sản Đắc Lộc đã khẳng định thương hiệu của mình. Hiện sản phẩm tôm giống của doanh nghiệp này được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là tiền đề để DNTN Thủy sản Đắc Lộc hội nhập quốc tế.

Theo các cơ quan hữu quan, vào thời điểm giữa tháng 9/2014, giá tôm sú giảm 8.000 đồng/kg xuống mức 248.000 đồng/kg (20 con/kg); giá tôm thẻ tăng 2.000 đồng/kg lên mức 133.000 đồng/kg (60 con/kg)... với giá này, nông dân vẫn có lợi nhuận.

Hiện Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang lấy ý kiến cho dự thảo Đề án Quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ khu vực ĐBSCL. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), về những nội dung của đề án.

Ủy ban EU đã xác định các vấn đề trong ngắn hạn như thiếu hệ thống chế tài để ngăn chặn, giải quyết, kiểm soát, theo dõi và thực hiện giám sát hoạt động khai thác trên vùng biển PNG.

Do lệnh cấm NK từ Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu, Na Uy và Úc, cá tuyết và cá tuyết chấm đen Nga đang tiêu thụ ở thị trường trong nước có giá cao.