Mô Hình Nuôi Gà Tiên Yên Sinh Sản

Năm 2014 Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư (KNKN) tỉnh triển khai thực hiện mô hình Chăn nuôi gà Tiên Yên sinh sản tại các hộ dân xã Bình Dương (Đông Triều) và phường Mông Dương (Cẩm Phả).
Đây là mô hình thuộc dự án Khuyến nông trung ương “Chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học trong nông hộ”. Theo đánh giá của cán bộ khuyến nông và bà con nông dân, mô hình này cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Gà Tiên Yên từ xưa đến nay vẫn được biết đến là món ngon có tiếng của Quảng Ninh. Nghề chăn nuôi gà Tiên Yên từ xưa chỉ mang tính quảng canh tức là tự cung, tự cấp, chưa phát triển theo hình thức sản xuất hàng hoá, do đó số lượng đầu con còn ít, năng suất không cao.
Từ khi tỉnh có chủ trương xây dựng thương hiệu Gà Tiên Yên, các hộ nuôi gà Tiên Yên đang được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ sản xuất, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Huyện Tiên Yên đã thành lập hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên gồm 359 hội viên với quy mô chăn nuôi 600.000 con gà giống/năm.
Mô hình “Chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học trong nông hộ” được Trung tâm KNKN triển khai với quy mô 5.100 con gà giống bố mẹ với 16 hộ chăn nuôi tham gia. Thực hiện mô hình này, Trung tâm đã cùng các phòng chức năng địa phương điều tra, khảo sát, chọn điểm, chọn hộ.
Các hộ tham gia dự án phải đáp ứng được các yêu cầu sau: Có đủ điều kiện về chuồng trại; cách biệt với nhà ở, có tường hoặc rào ngăn cách để hạn chế mầm bệnh xâm nhập, đảm bảo thông thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông, có nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp với từng giai đoạn tuổi, có hố khử trùng ở lối ra, vào chuồng nuôi, có ngăn cách giữa các khu chăn nuôi.
Diện tích chuồng phù hợp với số lượng gà, máng ăn, uống của gà được sử dụng đủ số lượng và đúng chủng loại; cam kết đầu tư vốn cho mô hình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và dự án; chưa nhận hỗ trợ bất kỳ nguồn kinh phí nào từ ngân sách Nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình.
Ngay sau khi lựa chọn được các hộ tham gia, Trung tâm đã cung cấp con giống và các vật tư thiết yếu, từng bước chuyển giao các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, xoá dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, sức khoẻ người tiêu dùng cũng như người trực tiếp sản xuất.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, thôn Bình Sơn Đông, Bình Dương (Đông Triều) cho biết: Tham gia mô hình này gia đình tôi được hỗ trợ 500 con gà giống Tiên Yên, 30% kinh phí về thức ăn, thuốc thú y, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà sinh sản, được tham quan một số mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh, để áp dụng cho chăn nuôi gia đình. Toàn bộ số gà của gia đình tôi nuôi đều tăng trưởng, phát triển tốt.
Anh Nguyễn Đình Duẩn, cán bộ kỹ thuật Trung tâm KNKN cho biết: Nuôi gà Tiên Yên sinh sản dễ nuôi, ít dịch bệnh, chỉ cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, và vệ sinh thú y là đàn gà đã được bảo vệ. Phương thức chăn nuôi công nghiệp hay bán công nghiệp đều phù hợp. Do thịt gà Tiên Yên ngon nên giá bán gà thịt Tiên Yên lúc nào cũng cao hơn từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg so với các giống gà khác trên thị trường cùng thời điểm.
Có thể khẳng định, mô hình “Chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học trong nông hộ” do Trung tâm KNKN triển khai thực hiện rất thiết thực, cần được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm giúp người nông dân phát triển kinh tế gia đình, mang lại thu nhập cho họ, tạo nguồn giống tại chỗ đáp ứng nhu cầu người chăn nuôi.
Nguồn bài viết: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201411/mo-hinh-nuoi-ga-tien-yen-sinh-san-2248091/
Có thể bạn quan tâm

Trước áp lực của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) “dọa” đóng cửa nhà máy nếu áp dụng quy định tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm mới từ ngày 1-1-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có chủ trương cho phép lùi thời gian áp dụng quy định này.

Đó là nhận định của các cơ sở chế biến, sản xuất khô cá lóc ở huyện Chợ Mới (An Giang). Chị Kim Huê, chủ cơ sở sản xuất khô cá lóc Kim Huê (thị trấn Chợ Mới), cho biết: Khoảng nửa năm nay, cơ sở tiêu thụ bình quân 300 - 400kg khô/ngày, chỉ bằng 1/2 trước đây.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2014 của Khánh Hòa đạt 466 triệu USD, vượt 0,2% so với kế hoạch và tăng 0,4 % so với năm 2013. Như vậy, dù bị tác động của nhiều yếu tố khó khăn, bất lợi từ suy thoái kinh tế thế giới nhưng xuất khẩu thuỷ sản của Khánh Hòa vẫn hoàn thành kế hoạch tăng trưởng đã đặt ra.

Sáng sớm tinh mơ, tại cảng cá Tịnh Kỳ, nhiều tàu đánh bắt cá cơm tấp nập vào bến bán cá. Cá vừa được ngư dân bủa lưới trong đêm nên rất tươi ngon. Chuyện thỏa thuận giá cả giữa thương lái với chủ tàu cũng diễn ra suôn sẻ. Chủ tàu Trần Tấn Thành, ngụ thôn An Vĩnh cho biết: “Năm nay cá cơm tương đối nhiều.

Mặc dù không nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh Cà Mau, nhưng thời gian qua diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Thới Bình phát triển nhanh cả về quy mô và diện tích. Huyện Thới Bình đã trình UBND tỉnh đưa nuôi tôm công nghiệp vào quy hoạch để thuận lợi trong quản lý và phát triển.