Mô Hình Nuôi Đa Canh Đa Con Kết Hợp Cho Thu Nhập Cao Và Bền Vững

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu áp dụng mô hình sản xuất đa canh - đa con nhằm tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị sản xuất. Mô hình này giúp nhiều hộ nông dân từng bước vươn lên khá giàu.
Địa phương đi đầu trong thực hiện mô hình nuôi trồng kết hợp đa canh - đa con là huyện Phước Long. Gia đình anh Trần Quốc Việt (ấp Long Hải, thị trấn Phước Long) có 5 ha đất áp dụng mô hình sản xuất đa canh - đa con kết hợp. Anh Việt sản xuất tổng hợp gồm 2 vụ tôm sú kết hợp với cua, cá; 1 vụ sản xuất lúa kết hợp với tôm càng xanh.
Ngoài ra, anh Việt còn nuôi cá sấu, cá bống tượng. Từ đầu năm 2014 đến nay, anh Việt thu hoạch hai đợt cá bống tượng, lãi 120 triệu đồng; thu hoạch hai đợt cá sấu lãi 320 triệu đồng. Sau khi thu hoạch xong, anh Việt cải tạo ao hồ tiếp tục thả nuôi cá bống tượng và cá sấu.
Bên cạnh đó, anh Việt cải tạo đất để áp dụng vụ lúa - tôm càng xanh. Đầu tháng 9, anh chọn các giống lúa ngắn ngày xuống giống trên diện tích 4 ha kết hợp thả 50.000 con giống tôm càng xanh. Nhờ áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng” nên lúa phát triển tốt và tôm càng xanh mau lớn. Mô hình này cho anh Việt lãi hơn 500 triệu đồng.
Còn ông Trần Thanh Minh (ấp 9 C, xã Phong Thạnh Tây B) thì thành công với mô hình đa con. Với 2,5 ha đất sản xuất, ông Minh lên bờ bao nuôi tôm kết hợp với nuôi cua, cá. Bên cạnh đó, ông bơm nước mặn từ các ao trong vườn ra và giữ ngọt để nuôi cá bống tượng. Với 6 ao nuôi cá bống tượng, ông Minh lãi trên 100 triệu đồng/năm.
Với mô hình đa con trên cùng diện tích mặt nước, mỗi năm, ông Minh lãi từ 200 - 300 triệu đồng.
Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long đánh giá: “Toàn huyện có gần 7.000 ha áp dụng mô hình đa canh - đa con như: mô hình nuôi tôm sú kết hợp với nuôi cua, cá bống tượng, cá sấu; nuôi tôm sú kết hợp với cua; sản xuất 2 vụ tôm, cua và 1 vụ lúa - tôm càng xanh; trồng rau màu trên bờ bao vuông tôm...
Từ đó cho thấy, nông dân đã phá thế độc canh con tôm và tận dụng tối đa diện tích canh tác kết hợp nuôi nhiều vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Ngành chức năng huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho nông dân ở các vùng có điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình sản xuất đa canh - đa con kết hợp”.
Có thể bạn quan tâm

Nói đến mô hình chuyển đổi đất trồng mía sang trồng cây chanh ở huyện Bến Lức (Long An), phải kể đến anh Phạm Văn Nhuận ở ấp 3, xã Thạnh Hòa là người đi đầu trồng chanh ở huyện với 3,5 ha, thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Nông dân Cà Mau đang đối mặt với vụ nuôi tôm công nghiệp (NTCN) không thành công bởi dịch bệnh đốm trắng và gan tụy cấp tiếp tục hoành hành. Chính vì thế, việc tìm giải pháp căn cơ để gỡ khó cho ngành kinh tế mũi nhọn này là việc làm cấp bách.

Nhằm khai thác thế mạnh vùng nước ngọt để phát triển nuôi thủy sản, tỉnh Long An quy hoạch đến năm 2020 chuyển 10.000 ha đất trồng lúa 2 vụ sang nuôi trồng thủy sản, để cân đối lại diện tích sản xuất lúa trong tỉnh.

Vụ tôm xuân hè năm 2013, gia đình anh Lê Phú Tâm, thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa), thu hoạch tôm he chân trắng đạt năng suất 15 tấn/ha.

Được mệnh danh là “vua ong” ở Tuyên Quang, sở hữu trong tay gần 1.500 đàn ong mật, mỗi năm cho thu nhập trên dưới 1,3 tỷ đồng, mô hình nuôi ong lấy mật của anh Trần Xuân Phong ở thôn Phúc Lộc A, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đã và đang trở thành địa điểm tham quan, học tập tin cậy cho nhiều hộ trong và ngoài tỉnh trên con đường thoát nghèo bền vững.