Mô Hình Nuôi Cút Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Khá

Anh Phan Thanh Nhã, ấp 4, xã Trung An, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) bắt đầu việc nuôi cút từ năm 2001, lúc đầu gia đình anh nuôi khoảng 4.000 con cút giống, sau 3 tuần đàn cút bắt đầu đẻ trứng. Thời gian đầu cút thường xuyên bị chết do mắc một số bệnh thông thường. Thế nhưng anh không nản chí mà tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi cút khác, từ đó anh có biện pháp phòng ngừa bệnh kịp thời nên về sau đàn cút luôn khỏe mạnh và cho trứng khá đều.
Thấy việc nuôi cút cho trứng có hiệu quả kinh tế, anh tiếp tục đầu tư chuồng trại và tăng số lượng. Chuồng cút được anh thuê thợ làm khá công phu, các chuồng được xếp như bậc thang, phân rớt trực tiếp xuống đất nên tương đối sạch sẽ. Ngoài ra, chuồng hình bậc thang tạo được không gian thông thoáng, làm cút gia tăng hiệu suất đẻ trứng, để bảo đảm cho cút sinh sản, khu vực chăn nuôi cần được làm vệ sinh và phun xịt thuốc khử trùng thường xuyên. Bên cạnh đó ánh sáng cũng là một yếu tố quan trọng , vì vậy anh Nhã thường tăng cường thắp sáng cho cút vào buổi tối. Thức ăn cho cút được anh chọn lọc kỹ càng, sau khi mua về anh trộn thêm thuốc bổ và vitamin C để tăng sức đề kháng cho cút phòng chống bệnh tiêu chảy, giúp cút đẻ khỏe, kéo dài thời gian cho trứng.
Để có thêm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi chim cút, anh Nhã tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi trên sách báo và từ các mô hình điển hình trong và ngoài xã. Hiện tại, gia đình anh đang sở hữu số cút đẻ gần 9.000 con, mỗi ngày thu trên 7.000 trứng, cung cấp cho các hộ buôn bán ở TP. Mỹ Tho, với giá bán 400 đến 450 đồng/trứng, anh thu về trên 300.000 đồng/ngày, mỗi năm sau khi trừ tất cả các chi phí, anh còn lãi trên 100 triệu đồng. Để việc nuôi cút đạt hiệu quả kinh tế cao, không bị gián đoạn, anh thả nuôi liên tục cút ở nhiều ngày tuổi khác nhau. Cút đẻ trên 11 tháng thì chất lượng trứng không còn đều nên có thể bán cho các nhà tiêu thụ cút thịt.
Anh Phan Thanh Nhã chia sẻ: "Cút đẻ rất dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, thời gian ngắn. Chỉ cần tiêm ngừa đủ liều và thường xuyên giữ chuồng trại sạch sẽ, cút sẽ cho trứng rất đều và chất lượng trứng rất cao".
Anh còn động viên, hỗ trợ vốn cho bà con nuôi cút tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại,... Tính đến nay đã có 7 hộ nuôi cút ấp nở cung cấp con giống và 6 hộ nuôi cút cho trứng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con ở địa phương. Phần đất còn lại của gia đình anh tiếp tục đào ao và thả cá, tận dụng nguồn phân cút làm thức ăn cho cá và bán cho bà con nông dân làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Hàng năm, ao cá và vườn cây ăn quả mang lại cho anh nguồn thu nhập trên 50 triệu đồng. Ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi chính là thành quả sau bao tích góp từ việc chăn nuôi cút của vợ chồng anh - và quan trọng hơn có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của anh Nhã. Từ năm 2008 đến nay, anh luôn được công nhận danh hiệu "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi" cấp tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Chúng tôi có dịp đến nhiều địa phương để cảm nhận sự đổi thay trong phát triển nông nghiệp của người dân Triệu Phong (Quảng Trị). Đây là kết quả của nhiều chính sách mà cấp ủy, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương áp dụng vào thực tế trong suốt thời gian qua.

Thời gian gần đây, tình trạng nông dân tự phát chặt bỏ cây cao su đã diễn ra trên địa bàn tỉnh, với diện tích lên đến hàng ngàn ha thật sự là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý, đặc biệt là ngành Nông nghiệp.

Ngày 21-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã có cuộc họp với các sở, ngành liên quan để nghe báo cáo và xử lý những kiến nghị của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai.
Hiện nay đang vào mùa lũ, nhiều nông dân ở các huyện Lấp Vò, Lai Vung tận dụng ao, mương hoặc ruộng không trồng lúa cho nước vào để trồng ấu Đài Loan. Ấu cũng đã trở thành cây trồng chính của nhiều hộ gia đình ít đất canh tác.

UBND tỉnh vừa chấp thuận cho Công ty Cổ phần sản xuất nhựa và chế biến nông sản Việt Tân đầu tư dự án Nhà máy chế biến nông sản ớt, xoài sấy theo quy trình khép kín và sản xuất rổ nhựa chứa sản phẩm nông sản khi vận chuyển và tiêu thụ.