Mô hình nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế
Từ lâu, kinh tế của gia đình anh Đặng Ngọc Phong dựa vào việc làm ruộng và chăn nuôi heo nhưng không hiệu quả do thiếu kỹ thuật. Với bản tính cần cù, siêng năng, anh Phong luôn muốn tìm hướng phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Sau nhiều lần chọn lựa, anh quyết định nuôi bò vỗ béo và bán bò giống theo hình thức bán công nghiệp.
Năm 2010, anh Phong mạnh dạn đầu tư kinh phí mua 25 con bò cùng với xây dựng chuồng trại, quy mô tương đối hoàn chỉnh, có hệ thống thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường... kết hợp việc trồng thêm 10 công cỏ làm thức ăn xanh cho bò.
Anh Phong cho biết: “Nuôi bò vỗ béo và bán bò giống bằng phương pháp nhốt chuồng là phương thức nuôi thâm canh tại chuồng, giảm vận động và bò tăng trọng nhanh, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả chăn nuôi. Phương pháp này không đòi hỏi phải có diện tích chăn thả, ít tốn công lao động, tận dụng được các phụ phẩm trong nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi”.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt mang lại thành công trong mô hình chăn nuôi bò của gia đình anh Đặng Ngọc Phong là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bao gồm các bước: chọn giống khỏe mạnh, chú trọng bổ sung dinh dưỡng thường xuyên, tiêm ngừa định kỳ... kết hợp với việc vệ sinh chuồng trại thoáng mát giúp bò sinh trưởng tốt.
Bên cạnh đó, từ nguồn cỏ trồng có sẵn, qua tìm hiểu anh Phong đã thực hiện thành công việc ủ chua thức ăn trong chăn nuôi bò. Quy trình ủ chua thức ăn với tỉ lệ 100kg cỏ hoặc thân cây bắp, 5kg cám, 1,5kg muối trộn đều và cám chia thành nhiều lớp khác nhau và phải ủ trong 25 ngày. Khi đủ số ngày lên men, thức ăn được trộn thêm cám, hạt bắp sấy khô, bột cá, đậu nành, muối và các Vitamin cần thiết... Mỗi ngày, một con bò sắp xuất chuồng có thể sử dụng từ 7 - 8kg thức ăn ủ, kết hợp với cho ăn cỏ. Việc sử dụng phương pháp ủ thức ăn trong chăn nuôi rất phù hợp với các giống bò mà anh Phong chọn nuôi gồm: bò lai sind, bò Pháp cọp, bò Brahman, bò Ý.
Anh Phong chia sẻ: “Từ khi áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn, tạo được nguồn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, bò rất thích ăn và tăng trọng nhanh, tạo nạc tốt và giảm được các loại giun sán tấn công”.
Hiện tại, mỗi năm anh Phong có thể xuất chuồng hơn 25 con bò vỗ béo, 450 con bò giống. Sau khi trừ các khoản phí, gia đình anh còn lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Từ đó cuộc sống của gia đình trở nên khá giả hơn.
Mô hình nuôi bò vỗ béo và bán bò giống bằng hình thức nhốt chuồng của anh Đặng Ngọc Phong được chính quyền và người dân địa phương đánh giá rất cao, do đạt hiệu quả về lợi nhuận và có thể mở rộng quy mô, giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình và từng bước vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Trước nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu thủy sản giảm 7 tháng đầu năm sụt giảm mạnh là do biến động từ nền kinh tế Trung Quốc, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, khẳng định đổi tất cả sụt giảm do Trung Quốc là không đúng.

Mặc dù giữ tâm lý giao dịch thận trọng trước kỳ họp của Fed nhưng giới đầu tư trên thị trường cao su đã lấy lại được niềm tin nhờ chứng khoán toàn cầu tăng.

Manh mún, phụ thuộc nguyên liệu thức ăn đầu vào, trình độ chăn nuôi còn thấp… cũng như thiếu sự liên kết và có quá nhiều khâu trung gian là những nguyên nhân chính khiến chi phí sản xuất chăn nuôi gia cầm ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung luôn ở mức cao.

Giá cà phê nhân xô đến đầu tháng 8 chỉ còn 36.500 đồng/kg và FOB ở mức 1.723 USD một tấn, mức giảm thấp nhất trong vòng mấy năm qua.

Trong vụ mùa 2015, tỉnh Phú Thọ có hàng chục nghìn ha lúa bị sâu bệnh gây hại cho nên nhiều diện tích đứng trước nguy cơ mất mùa cao.