Mô Hình Lúa - Tôm Những Lợi Ích Được Khẳng Định

Vào thời điểm này, nông dân đang bắt tay vào cải tạo đất để chuẩn bị sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm. Ngành chức năng cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa - tôm cho nông dân. Theo lịch thời vụ, nông dân sẽ xuống giống lúa dứt điểm vào cuối tháng 9/2013.
Toàn tỉnh có gần 30.000ha đất được nông dân áp dụng mô hình sản xuất lúa - tôm. Tập trung chủ yếu ở huyện Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai và huyện Vĩnh Lợi.
Theo kế hoạch, năm nay, huyện Phước Long có khoảng 8.500ha đất sản xuất lúa - tôm, tập trung ở thị trấn Phước Long, xã Vĩnh Phú Tây và xã Phước Long… Gia đình anh Đặng Quốc Toàn (xã Phong Thạnh Tây) có gần 40ha đất sản xuất. Nhiều năm liền anh Toàn áp dụng mô hình lúa - tôm và đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Từ đó, có nhiều bà con áp dụng mô hình này. Anh Toàn cho biết: “Mô hình lúa - tôm vừa cho thu nhập cao, vừa cải tạo đất nên được nhiều người áp dụng. Tôi đang cải tạo đất, khi ngành chức năng thông báo lịch xuống giống tôi sẽ sạ và cấy lúa trên diện tích nuôi tôm”.
Nhiều nông dân ở huyện Phước Long trước đây chuyên nuôi tôm hoặc tôm - cá, tôm - cua, nay bắt đầu chuyển sang áp dụng mô hình lúa - tôm. Ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Diện tích vụ lúa - tôm năm nay có khả năng tăng thêm 400ha. Chúng tôi mở rộng diện tích lúa - tôm ở ấp 1A, 8A (xã Phong Thạnh A). Phòng NN&PTNT huyện đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa trên đất nuôi tôm cho những nông dân mới áp dụng mô hình này”.
Ở huyện Giá Rai, trước đây, nông dân “mê” nuôi tôm hơn trồng lúa. Song, mấy năm nay, thấy mô hình lúa - tôm đạt hiệu quả nên nhiều nông dân chuyển sang áp dụng mô hình này. Đến nay, diện tích lúa - tôm của huyện lên đến 2.000ha. Anh Nguyễn Minh Triết (ấp 19, xã Phong Thạnh) là một trong những hộ đầu tiên trong ấp thực hiện mô hình lúa - tôm. Với 3ha đất trồng lúa - tôm, anh Triết thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Anh Triết bày tỏ: “Năm nay, tôi tiếp tục áp dụng mô hình lúa - nuôi tôm trên 3ha đất sản xuất. Hiện, tôi đã thu hoạch tôm nuôi và đưa nước ngọt vào rửa mặn cho đất. Cuối tháng 8/2013, tôi sẽ xuống giống lúa trên đất tôm”.
Còn huyện Hồng Dân, năm nay, theo kế hoạch, toàn huyện có hơn 19.000ha đất sản xuất lúa - tôm. Tập trung chủ yếu ở các xã Lộc Ninh, Vĩnh Lộc, Ninh Hòa, Ninh Quới… Giống lúa chủ lực được nông dân lựa chọn là Một bụi đỏ và các giống lúa ngắn ngày chịu mặn. Theo ông Nguyễn Văn Thới, Trưởng phòng NN&PTNT huyện: “Bà con nông dân trong huyện đã chuẩn bị lúa giống để sản xuất vụ lúa trên đất tôm. Bắt đầu trung tuần tháng 8 sẽ xuống giống và dứt điểm vào khoảng ngày 20/9/2013. Huyện cũng đã thí điểm một số nơi áp dụng mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ tôm. Nếu mô hình này đạt hiệu quả sẽ đem lại lợi nhuận rất cao cho nông dân”.
Mô hình lúa - tôm không chỉ đơn thuần mang lại hiệu quả kinh tế, mang tính bền vững, mà còn góp phần cải tạo ruộng đất. Lợi ích từ mô hình lúa - tôm đã được chứng minh trong nhiều năm qua và ngày càng được khẳng định. Vì thế, mô hình này được ngành chức năng khuyến khích nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm

Đến thời điểm này, dịch cúm A/H5N1 đã cơ bản được khống chế, không tiếp tục bùng phát và lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, tin tốt này cũng không khiến người chăn nuôi phấn khởi khi mà gia cầm và các sản phẩm gia cầm đang rơi vào cảnh “đại hạ giá”…

Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm, hiện nay trên địa bàn có hàng ngàn hộ tham gia gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) như rắn, nhím, hươu, lợn rừng...

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp và PTNT, hiện nay cả tỉnh có khoảng 4.000/36.000 ha gieo cấy là ruộng trũng, nhiều địa phương thường gọi là chiêm đầm chỉ có khả năng gieo cấy lúa chiêm xuân, vụ mùa kết hợp thả cá vụ, hoặc bỏ hoang. Diện tích tập trung nhiều ở các huyện vùng đất giữa như Thanh Thủy, Tam Nông, Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa...

Trong những năm qua, phong trào trồng cây gây rừng trên địa bàn tỉnh ta phát triển mạnh góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 118 nghìn ha rừng trồng và hơn 64 nghìn ha rừng tự nhiên.

Tại các vùng bãi bồi ven sông ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, mùa thu hoạch ớt vụ đông xuân thường bắt đầu từ giữa tháng 3. Riêng năm nay, vụ thu hoạch ớt lại bắt đầu từ giữa cuối tháng 2.