Mô Hình Công Nghệ Sinh Thái Mang Lại Hiệu Quả

Ngày 16-7, tại Tiền Giang, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình “công nghệ sinh thái” trên cây lúa ở các tỉnh phía Nam. Đến dự có các chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Chi cục Bảo vệ thực vật 22 tỉnh, thành phía Nam.
Mô hình “công nghệ sinh thái” gọi tắt “ruộng lúa, bờ hoa” là hình thức trồng các loại hoa quanh bờ ruộng để thu hút thiên địch có ích, phòng chống rầy nâu gây bệnh vi rút trên cây lúa.
Theo Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, mô hình được sự hỗ trợ của chuyên gia IRRI lần đầu tiên triển khai thí điểm trên đồng ruộng Tiền Giang vào vụ đông xuân 2009 - 2010 tại hai huyện Cai Lậy và Cái Bè. Đến nay đã có 131 xã, 65 huyện, thị của 16 tỉnh, thành phía Nam ứng dụng mô hình “công nghệ sinh thái”. Các tỉnh có diện tích ứng dụng nhiều nhất là: Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… với tổng diện tích 5.083 ha, thu hút 7.814 hộ nông dân tham gia, với 228 mô hình.
Mô hình này trồng các loài hoa: Soi nhái, hoa xuyến chi, cúc mặt trời, cẩm tú, trâm ổi, đậu xanh, lạc dại, hoa mười giờ... trên bờ ruộng để dẫn dụ các loài thiên địch nhằm khống chế các loài côn trùng gây hại, giữ cân bằng hệ sinh thái cho ruộng lúa.
Trên các cánh đồng áp dụng mô hình “công nghệ sinh thái”, ong ký sinh và các loại thiên địch khác có mật số gia tăng đáng kể, nông dân giảm chi phí phun thuốc trừ sâu 50%, năng suất lúa cũng cao hơn. Qua đó tăng thu nhập của nông dân từ 900.000 - 2.900.000 đồng ha/vụ; đồng thời quản lý tốt dịch hại, quản lý rầy nâu không cho bùng phát gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa, cùng nhiều lợi ích to lớn khác đối với cộng đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, mô hình “công nghệ sinh thái” rất hiệu quả trong việc hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường trong sản xuất lúa.
Theo Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, sắp tới mô hình “công nghệ sinh thái” sẽ được nhân rộng tới tất cả các tỉnh, thành phía Nam; đồng thời để phát huy hiệu quả mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” nông dân cần kết hợp đồng bộ với việc áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp như: Ba giảm - ba tăng, IPM, bón phân cân đối theo bảng so màu lá lúa...
Có thể bạn quan tâm

Châu Thành (Tiền Giang) được xem là “vương quốc rau” của tỉnh và đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên triển khai mô hình sản xuất rau an toàn. Thế nhưng, qua hơn 10 năm từ khi mô hình đầu tiên được triển khai quá trình xây dựng vùng rau an toàn vẫn loay hoay tìm hướng đi.

Đến nay, vụ lạc ở Thừa Thiên - Huế đã thu hoạch xong được hơn 1 tháng, nhưng do giá xuống quá thấp và thương lái ít thu mua nên người dân khó bán được lạc.

Thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện Tánh Linh về sản xuất lúa chất lượng cao vụ đông xuân 2012 - 2013, UBND huyện đã triển khai trên diện tích là 1.000 ha, phân bổ cho 9 xã và một thị trấn (trừ Măng Tố, La Ngâu, Suối Kiết, Gia Huynh). UBND huyện Tánh Linh đã chỉ định 2 đơn vị cung ứng giống là HTX NNII Đức Phú và Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố.

Dưa hiện đang cho thu hoạch, năng suất đạt 4 - 5 tạ/sào, giảm 3 - 4 tạ, giá bán từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg so với năm trước. Nông dân thua lỗ 3 - 4 triệu đồng/sào.

Các hộ tham gia thực hiện mô hình được được hỗ trợ 100% con giống; 30% thức ăn và hóa chất, chế phẩm sinh học. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình là 124,5 triệu đồng.