Mô Hình Chống Hạn Hiệu Quả

Anh Nguyễn Em 56 tuổi là nông dân đầu tiên ở thôn Nha Húi (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) thực hiện hiệu quả mô hình đào ao chứa nước chủ động chống hạn. Hệ thống ao chứa và mương dẫn nước được anh đầu tư xây dựng căn cơ đáp ứng nhu cầu sản xuất, chăn nuôi gia súc và sinh hoạt của gia đình trong những tháng mùa khô.
Những ngày trung tuần tháng 5 năm nay, vùng đất Nha Húi rơi vào tình trạng khô hạn khốc liệt. Điều chúng tôi lấy làm bất ngờ là khu đất sản xuất của nông hộ Nguyễn Em cây trái vẫn xanh mướt. Hệ thống ao chứa đầy ắp nước sẵn sàng bơm tưới hoa màu và cung cấp nguồn nước uống cho đàn cừu trên 50 con.
Ngừng tay chăm sóc vườn rau bồ ngót xanh mướt, anh Nguyễn Em chia sẻ:”Trong những tháng nắng nóng, cây bồ ngót được thị trường tiêu thụ mạnh. Chỉ với 1,2 sào đất trồng bồ ngót, mỗi tháng tui thu hoạch bán cho thương lái gần 10 triệu đồng. Nếu mình biết chủ động đào ao giữ nước vào mùa khô hạn trồng các loài cây ngắn ngày cung cấp cho thị trường rau xanh cũng rủng rỉnh có tiền tiêu xài”.
Trao đổi với nông dân Nguyễn Em, chúng tôi được biết anh sinh trưởng ở làng Hộ Diêm thuộc xã Hộ Hải. Sau năm 1975, anh theo gia đình lên Nha Húi khẩn hoang lập nghiệp.
Vùng đất màu mỡ thích hợp các loài cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như thuốc lá, bắp lai đã giữ chân anh ở lại làm ăn gắn bó lâu bền với Nha Húi. Hơn 30 năm nhọc nhằn vỡ hoang gò đồi, anh đang sở hữu 3 ha đất màu và 1 ha ruộng chủ động bơm tưới gieo trồng 2 vụ lúa/năm. Nhìn thấy vùng đất Nha Húi thường xuyên bị hạn hán, anh dành dụm vốn liếng thuê máy đào ao chứa nước.
Từ năm 2000 đến nay, anh luôn đầu tư nạo vét mở rộng 3 ao có sức chứa trên 3.000 mét khối nước. Ao được đào sâu 5-7 mét chứa nước nhỉ và nguồn nước rớt từ hệ thống thủy lợi Phước Trung đổ vào suối Sa-ra. Nhờ chủ động đào ao sử dụng mô tơ điện bơm tưới nên trong những năm qua, anh Nguyễn Em canh tác hoa màu đạt năng suất cao.
Đơn cử, vụ đông xuân năm nay, gia đình anh trồng 2,5 ha thuốc lá vàng sấy đạt sản lượng gần 7 tấn cho lãi ròng trên 125 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi 50 con cừu và trồng hoa màu ngắn ngày đem lại hiệu quả kinh tế cao từ vùng đất chủ động tưới.
Anh Nguyễn Xuân Tiến, trưởng thôn Nha Húi nhận xét: Ông Nguyễn Em là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở địa phương. Ông đã đi đầu trong phong trào đào ao chủ động chống hạn đem lại hiệu quả thiết thực.
Có thể bạn quan tâm

Theo đánh giá sơ bộ, ảnh hưởng của mưa bão làm thất thu khoảng 30-40 nghìn tấn thóc trong vụ mùa. Với phương châm tăng hiệu quả vụ đông bù thất thu vụ mùa, chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực, ổn định đời sống nhân dân.

Từ đầu năm 2013 đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Phú Tân (Cà Mau) phát triển nhanh, năng suất thu hoạch khá. Riêng bà con khu vực thị trấn Cái Đôi Vàm hiện đang trúng mùa tôm thẻ chân trắng.

Ngày 9.9, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Ban quản lý dự án cạnh tranh nông nghiệp (BQL DA CTNN) tỉnh Bình Định phối hợp với đơn vị tư vấn là Bộ môn chăn nuôi chuyên khoa (Trường Đại học Nông Lâm Huế) tổ chức hội thảo tổng kết chủ đề xây dựng mô hình và chuyển giao công nghệ chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi bò. Đây là một trong những hoạt động của DA CTNN do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Mùa cải tạo đầm - vuông tôm năm 2012, nhân dân trong huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đã thực hiện theo sự hướng dẫn của Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi. Tuy nhiên, toàn huyện vẫn còn gần 200 hộ vi phạm: cải tạo ao, đầm bằng cơ giới; trong đó các xã, thị trấn đã cảnh cáo, nhắc nhở 85 trường hợp, ra quyết định xử phạt hành chính trên 100 trường hợp.

Trong những năm gần đây, người nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị thiệt hại do dịch bệnh, do nguồn nước mặn cung cấp cho ao nuôi trong mùa mưa liên tục bị thiếu hụt. Để cải thiện tình hình này, nhiều hộ nông dân trong huyện áp dụng phương pháp ương nuôi tôm trong nhà vèo và thu được kết quả khả quan.