Mô Hình Chăn Nuôi Bằng Đệm Lót Sinh Học

Xu hướng nông nghiệp đô thị ngày càng phát triển, tiếp thu những ứng dụng hiệu quả trong chăn nuôi, trang trại (TT) ông Trần Văn Lý (ấp 1, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo) đã bắt đầu ứng dụng đệm lót sinh học trong nuôi heo, góp phần tích cực vào việc hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh về giá thành.
Là chủ một TT kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi thuộc dạng “có tiếng” ở Phú Giáo, ông Trần Văn Lý khởi nghiệp từ năm 2000, cây trồng, vật nuôi tại TT của hộ gia đình ông khá đa dạng (gà, vịt, thỏ, heo, trồng cao su, trồng tiêu…). Hơn 10 năm gắn bó với nông nghiệp, đến nay ông đã và đang dần chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi truyền thống sang mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học.
Trước đây, chăn nuôi luôn bị bấp bênh bởi giá heo thành phẩm rất thấp. “Lỗ khoảng 500.000 - 700.000 đồng/con, vậy trung bình trại heo của tôi có 300 - 500 con cũng lỗ gần 1 tỷ đồng”, ông Lý nói. Vì vậy, sau khi nghiên cứu mô hình đệm lót sinh học, ông đã mạnh dạn thay đổi, bắt đầu ứng dụng với TT của mình.
Hiện, tổng đàn heo tại TT là khoảng 400 con, vừa cải tạo chuồng mới, vừa xây dựng thêm với số vốn dự trù là 1 tỷ đồng, trong đó, kinh phí đầu tư cho đệm lót sinh học là 150 triệu đồng. Tuy mới áp dụng được 4 tháng, nhưng ông đã nhận thấy những hiệu quả bước đầu rất rõ rệt, đàn heo của ông nuôi trên nền đệm lót lên men, phát triển khỏe mạnh, ít bị bệnh lại tăng trưởng nhanh. Ông nhẩm tính, “Nuôi heo với phương pháp này, chi phí khoảng 3,3 - 3,5 triệu đồng/con. Vậy là vẫn lời được 300.000 - 500.000 đồng/ con. Thời buổi này không tự nghiên cứu, mày mò, thay đổi thì dễ bị co cụm rồi giải thể lắm!”, ông Lý chia sẻ.
Đệm lót sinh học trong chăn nuôi là phương pháp nuôi dưỡng vật nuôi trên đệm lót chuồng có chứa một quần thể các vi sinh vật có thể tồn tại cùng nhau trong đệm lót, có khả năng phân giải mạnh chất hữu cơ và ức chế các vi sinh vật có hại, gây bệnh. Đồng thời, có tác dụng lên men tiêu hủy phân, nước tiểu làm giảm các khí độc và mùi hôi trong chuồng, tạo môi trường trong sạch, không ô nhiễm, ít ruồi muỗi cũng như vi sinh vật gây hại. Nhờ vậy, vật nuôi sống thoải mái, giảm căng thẳng, tăng sinh trưởng và có sức đề kháng cao. Sau thời hạn từ 2 - 4 năm sử dụng, các chất đệm lót được đưa ra và sử dụng làm phân bón cho cây trồng rất tốt nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Nguyên liệu được sử dụng làm đệm lót chuồng là bột bắp, mùn cưa, trấu trộn đều với nhau làm nền thay cho nền xi măng. Như vậy, sử dụng mô hình này, người chăn nuôi tiết kiệm được tiền điện, nước, nhân công lao động, do không phải tắm cho heo, rửa chuồng và giảm đáng kể công quét dọn chuồng. Ngoài ra, khi heo ăn men vi sinh từ đệm lót sẽ giúp tiêu hóa tốt thức ăn, thời gian nuôi giảm xuống còn 4 tháng, thay vì nuôi theo truyền thống phải mất 5 tháng heo mới đạt 1 tạ/con”.
Được biết, đệm lót sinh học chứa các vi sinh vật có lợi và rất hiệu quả trong việc phòng chống các dịch bệnh có hại trên đàn gia súc, gia cầm. Vì vậy, sau khi thử nghiệm chăn nuôi hiệu quả trên đàn heo, hộ chăn nuôi này sẽ tiếp tục ứng dụng đối với hơn 10.000 con gia cầm hiện hữu.
Có thể bạn quan tâm

Theo Thông tư, việc thực hiện điều tra, khảo sát và tổng hợp số liệu điều tra, khảo sát để xác định chi phí sản xuất, tính giá thành cá tra nguyên liệu thực tế phải dựa trên những nguyên tắc: Trình độ và điều kiện sản xuất; Tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất thực tế của các cơ sở nuôi cá tra;

Theo thống kê của Cục thống kê tỉnh Sóc Trăng, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 2014 (theo gia hiện hành) của tỉnh là 42.261 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2013. Trong đó riêng trong lĩnh vực thủy sản chiếm 35,37% giá trị toàn ngành với tổng diện tích thả nuôi là 68.400 ha, đạt 100,6% kế hoạch trong đó tôm nước lợ là 53.096 ha.

Trong không khí rộn ràng đón mừng xuân mới Ất Mùi, với nhiều câu chuyện vui buồn trong sản xuất - đời sống năm qua, bà con nông dân sẽ không quên bàn luận nhiều vấn đề về nuôi trồng thủy sản và mơ ước có được những vụ tôm nuôi thành công, đạt hiệu quả kinh tế cao trong năm 2015.

Theo ông Tiến, trong năm 2014, xã đã lập được 2 tổ, đội đoàn kết KTTS trên biển với hơn 10 tàu cá tham gia. Các tổ, đội này hoạt động theo quy chế thống nhất được cấp trên ban hành. Đáng mừng là ngư dân tham gia các tổ, đội đoàn kết KTTS đã phối hợp với nhau khá hiệu quả trong khai thác và tiêu thụ sản phẩm, cũng như hỗ trợ nhau trong phòng chống thiên tai, rủi ro tai nạn trên biển.

Năm 2014, diện tích tôm nuôi đạt khoảng 267.642 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt trên 8.200 ha, quảng canh cải tiến 61.000 ha, sản lượng tôm nuôi ước đạt trên 155.000 tấn, tăng 11,57% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, trong sản xuất tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Ðể chủ động trong sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, năm 2015 diện tích nuôi tôm trong tỉnh tăng trên 270.000 ha.