Mô Hình Cá + Lúa Giúp Nông Dân Tăng Thêm Thu Nhập

Trong hai năm 2012 - 2013, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện Dự án phát triển mô hình cá + lúa tại những địa bàn khó khăn thuộc 12 tỉnh, thành trong cả nước gồm 3 tỉnh miền núi phía Bắc, 6 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và 3 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng diện tích thực hiện trong khuôn khổ dự án 73 ha với tổng kinh phí đầu tư lên đến trên 5,5 tỉ đồng.
Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất lúa đặc biệt đối với địa hình trũng, năng suất lúa thấp, thu nhập nông hộ không ổn định được khắc phục bằng cách đưa nuôi trồng thủy sản vào cơ cấu mùa vụ theo hướng luân canh hoặc xen canh lúa + cá.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các tỉnh trong vùng dự án xây dựng và nhân rộng mô hình cá + lúa với mức phấn đấu đạt năng suất bình quân 1,5 tấn cá thương phẩm/ha đối với mô hình nuôi xen canh, từ 5 tấn cá/ha trở lên đối với mô hình nuôi luân canh, đồng thời tập huấn kỹ thuật nuôi cho 1.260 nông dân trong nỗ lực đúc kết và nhân ra diện rộng tạo thành phong trào.
Tại Tiền Giang, dự án được triển khai ở hai huyện Cai Lậy và Cái Bè đều đạt những kết quả tốt, giúp bà con đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất theo hướng "chung sống với lũ". Anh Trương Văn Xóm, cư ngụ tại xã Tân Phú (Cai Lậy), một trong những nông dân tích cực tham gia mô hình cho biết, anh được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách làm bờ bao, phân bố lịch thời vụ sản xuất theo mô hình mới.
Vào vụ nuôi cá, anh được cấp 12.000 con cá sặc rằn giống, 2.250 con cá rô đồng và 750 con cá mè vinh thả nuôi trên diện tích 1.500 m2 đất lúa. Đến kỳ thu hoạch, trọng lượng bình quân cá rô đồng đạt 170 g đến 200 g/con, mè vinh 150 - 200 gr/con, cá sặc rằn đạt 75 - 80 gr/con, sản lượng thu hoạch ước trên 7 tấn cá thương phẩm.
Để mô hình thành công, trong vụ lúa trước đó anh còn được hướng dẫn áp dụng "ba giảm, ba tăng" và các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm phân bón và thuốc trừ sâu nên giảm được chi phí. Chỉ riêng lợi nhuận từ nuôi cá trên 70 triệu đồng/ha cộng thêm lãi từ trồng lúa, mỗi ha cho thu nhập gần 100 triệu đồng, cao gấp đôi độc canh cây lúa.
Hiện nay, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt trong nội đồng lên 3.200 ha. Ngoài dự án lúa + cá do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ, các địa phương đang nhân rộng các mô hình lúa + cá giống, lúa + thủy sản khác,... thiết thực giúp nông dân tháo gỡ khó khăn để vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 31-3, tại Đồng Tháp, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo bàn về việc triển khai thực hiện Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn”.

Diện tích cây thanh long trên địa bàn huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) hiện nay trên 180 hécta, trong đó thanh long ruột đỏ chiếm 142 hécta. Theo kế hoạch của Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc, đến năm 2020 diện tích thanh long ruột đỏ trên toàn huyện sẽ đạt mức 1.500 hécta, rải đều trên 13 xã và thị trấn.

Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang vào vụ thu hoạch dưa hấu nghịch vụ (dưa lạc hậu). Năm nay do thời tiết không thuận lợi, thường xuyên xuất hiện sương mù, sâu bệnh nên năng suất dưa tương đối thấp, mỗi công dưa khoảng 2 tấn trái, giảm 50% so với cùng kỳ.

Theo Quyết định số 2621/2013 của Thủ tướng Chính phủ, từ 1.1.2014, hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo được vay tối đa 10 triệu đồng tại Ngân hàng CSXH với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo hiện hành.

Những ngày cuối tháng 3 này, 11 hộ dân ở bản giáp biên Tả Lo San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé (Điện Biên) vui mừng đón nhận công trình đập thuỷ lợi Khe To đã được khởi công.