Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mít Thái Lan Trên Đất Nghệ

Mít Thái Lan Trên Đất Nghệ
Ngày đăng: 08/08/2014

Mít Thái càng trồng lâu năm thì múi càng có vị ngọt đậm, thơm ngon. Ưu điểm của giống cây này cho trái suốt 4 mùa, mỗi năm chỉ gián đoạn khoảng 2 tháng.

Anh Trần Bá Thuận ở xóm Vệ Nông, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) tâm sự: "Trước đây trên diện tích gần 2 ha, vợ chồng tôi chủ yếu trồng sắn, bạch đàn nhưng không hiệu quả. Hưởng ứng phong trào phá bỏ vườn tạp, phát triển kinh tế vườn đồi, đến năm 2009, chúng tôi đã tìm hiểu và quyết định trồng hơn 100 cây mít Thái Lan".

Theo anh Thuận, đây là loại cây thích hợp với nhiều chất đất, đặc biệt là đất gò đồi. Nếu chăm sóc tốt, tích cực bón phân (cả phân chuồng và phân hóa học) thì chỉ sau 18 tháng là có thể thu hoạch, mỗi cây cho từ 7 - 10 quả, mỗi quả nặng từ 10 - 15 kg.

“Lúc mới trồng cũng khá lo lắng nhưng thực tế trồng mít Thái không phức tạp như nhiều người nghĩ. Mỗi năm chỉ cần bón 2 đợt phân chuồng, 1 đến 2 đợt phân hóa học, kết hợp tưới nước thường xuyên là đủ chất dinh dưỡng để cây phát triển”, anh Thuận bật mí.

Nhờ thường xuyên bám sát, theo dõi tình hình SX, anh Thuận đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Sau mỗi lần thu hoạch, anh thường cắt bỏ bớt cành thừa để tích lũy chất cho cây. Ngoài ra, những trái đầu cành cũng nên loại bỏ, chỉ giữ lại những trái ôm thân và gần gốc. Nếu cây còn nhỏ (dưới 2 năm tuổi) thì chỉ giữ tối đa từ 7 - 8 trái.

Mít Thái càng trồng lâu năm thì múi càng có vị ngọt đậm, thơm ngon. Ưu điểm của giống cây này cho trái suốt 4 mùa, mỗi năm chỉ gián đoạn khoảng 2 tháng, do đó giá trị kinh tế mang lại là rất khả quan.

Nhờ chất lượng đảm bảo nên chưa bao giờ gia đình anh phải đối mặt với tình trạng “ế hàng”, có bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Mít Thái được giá, bán buôn dao động từ 12.000 - 15.000 đ/kg, tính ra mỗi năm vợ chồng anh tích góp được khoảng 70 triệu đồng.

Vốn say mê SX nông nghiệp, anh Thuận thường xuyên theo dõi các chương trình về nhà nông trên truyền hình. Nhân duyên với cây mít Thái cũng từ đây mà thành.

“Tình cờ một lần xem trên ti vi giới thiệu cây mít Thái, tôi đã không ngần ngại đánh đường ra tận Sóc Sơn (Hà Nội) tìm hiểu thực tế. Mỗi cây mít giống thời điểm đó có giá 60.000 đồng (chưa tính phí vận chuyển), suy đi tính lại, tôi quyết định mua 150 cây về trồng thử, không ngờ lại thành công nhanh đến vậy”.

Lợi nhuận có được từ cây mít Thái giúp anh Thuận tích lũy được đồng vốn để tiến tới đầu tư theo hướng quy mô hơn. Anh xây dựng chuồng trại phát triển đàn lợn thịt, duy trì 40 - 50 con, mỗi năm xuất bán thu về trên 40 triệu đồng. Ngoài ra, anh Thuận còn nhận khoán thêm 2 ha rừng thông vừa để bảo vệ rừng vừa tiến hành khai thác nhựa, đều đặn mang lại nguồn thu 50 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Diên đánh giá: “Mô hình trồng mít Thái dù của gia đình anh Thuận còn mới mẻ nhưng hiệu quả rất cao, ổn định hơn nhiều so với những loại cây khác”.

Trong thành công hôm nay của anh Trần Bá Thuận không chỉ có sự cần cù, chịu thương, chịu khó mà còn là kết quả của tinh thần dám nghĩ, dám làm. Điều đó cho thấy sự nhạy bén, năng động của nông dân trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, áp dụng các tiến bộ KHKT vào SX để đem lại lợi ích kinh tế thiết thực, xứng đáng là mô hình điển hình cho nhiều người học tập.


Có thể bạn quan tâm

Tập Huấn Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Trong Bể Lót Bạt Tập Huấn Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Trong Bể Lót Bạt

Thực hiện chương trình khuyến nông thường xuyên năm 2014, ngày 22/8/2014, tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), Trung tâm Tập huấn & Chuyển giao Công nghệ Nông nghiệp (CGCNNN) Nam Bộ - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp tổ chức khai giảng lớp tập huấn ToT chuyên đề về "Kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể lót bạt".

27/08/2014
Nuôi Trồng Thủy Sản 7 Tháng Đầu Năm Và Triển Khai Kế Hoạch 5 Tháng Cuối Năm 2014 Nuôi Trồng Thủy Sản 7 Tháng Đầu Năm Và Triển Khai Kế Hoạch 5 Tháng Cuối Năm 2014

Ngày 21/8/2014, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết Nuôi trồng thủy sản (NTTS) 7 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 5 tháng cuối năm 2014.

27/08/2014
Sóc Trăng Nuôi Tôm Ngoài Khung Lịch Thời Vụ Phải Đảm Bảo Các Điều Kiện Quy Định Sóc Trăng Nuôi Tôm Ngoài Khung Lịch Thời Vụ Phải Đảm Bảo Các Điều Kiện Quy Định

Theo khung lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp vụ nuôi tôm nước lợ hàng năm kết thúc vào 31/7, nhưng hiện người nuôi vẫn thả giống đối với các địa bàn có điều kiện thuận lợi.

27/08/2014
Tiền Giang Làm Giàu Từ Tiền Giang Làm Giàu Từ "Vàng Trắng" Ở Vùng Biển Gò Công

Khoảng thập niên 1990, con nghêu không biết từ nơi đâu đã xuất hiện tại bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) nhiều vô số kể. Từ đó, nơi đây đã hình thành, phát triển mạnh nghề nuôi nghêu thương phẩm. Cũng chính nhờ “lộc trời cho” này mà nhiều người dân nơi đây đã thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên khá giàu.

27/08/2014
Bệnh Lở Mồm Long Móng Tái Xuất Bệnh Lở Mồm Long Móng Tái Xuất

Theo số liệu của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, trên cả nước có 9 tỉnh ở khu vực phía Bắc và Tây Nguyên đã xảy ra dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc. Hiện tại, bệnh LMLM cũng đã xuất hiện trên đàn gia súc của BR-VT.

27/08/2014