Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Miền Trung Lại Ồ Ạt Nuôi Tôm

Miền Trung Lại Ồ Ạt Nuôi Tôm
Ngày đăng: 01/04/2014

Mới vào đầu vụ nuôi tôm nhưng tình trạng đào hồ, nhập giống, thả nuôi… đã ồ ạt ở các tỉnh miền Trung.

Nuôi tôm trong khu kinh tế

Thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lâu nay người dân thường trồng cây phi lao (dương liễu). Tuy không đem lại giá trị kinh tế cao, những cánh rừng phi lao dọc bờ biển này có tác dụng chắn gió, chắn cát và giữ đất. Nhưng trước sức hút của con tôm, người dân đã chặt phá hết cây, thuê xe máy đào, máy ủi bạt rừng để lấy đất đào hồ nuôi tôm. Gia đình bà Trương Thị Vân trước đây làm nghề đi biển, nhưng thấy nuôi tôm có giá nên cũng thuê đất đào hồ tôm.

Bà Vân cho biết: “4 sào đất trồng rừng được thuê 9 triệu đồng/năm, đã đầu tư 500 triệu đồng làm đất và đào hồ rồi. Nếu bỏ giống nữa thì chi phí tăng lên 700 - 800 triệu đồng. Mong tôm được mùa, được giá để có tiền trả nợ cho ngân hàng”. Một số người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Bình Hải cho hay: Sở dĩ năm nay bà con ở đây “đua” nhau đào hồ nuôi tôm vì có hộ trong xã năm ngoái nuôi trúng quá, một năm lãi cả tỷ đồng.

Theo người dân xã Bình Hải đất ở đây xấu, toàn đá lại nằm sát biển nên chỉ phù hợp trồng cây phi lao. Trước khi phong trào nuôi tôm diễn ra, đất có giá chỉ khoảng 10 triệu đồng/sào. Còn hiện nay đất đã được đội lên 70 triệu đồng/sào! Để có được hồ nuôi tôm khoảng 2 sào, người nuôi phải bỏ ra khoảng 150 - 200 triệu đồng mua đất. Đó là chưa kể các khoản chi phí khác. Không có đất làm hồ nuôi tôm, người dân lấn vào diện tích đất đã quy hoạch cho các dự án trong khu kinh tế Dung Quất dù biết như vậy là phạm luật.

“Việc người dân tự ý nuôi tôm trong vùng quy hoạch là sai quy định. Vì vậy, UBND xã cũng đã xử phạt hành chính đối với những hộ dân trên. Tuy nhiên, sau đó người dân vẫn lén lút làm, vượt tầm kiểm soát của địa phương. Trước tình hình phát triển nóng này, xã đã báo cáo lên huyện để có hướng giải quyết” - ông Nguyễn Văn Hai - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết.

Cũng theo ông Hai, trước đây người dân ở Bình Hải chưa từng nuôi tôm. Do chưa có kinh nghiệm, về lâu dài nguy cơ thất bát khó lường. Chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến cáo, phân tích rủi ro và đưa ra những bài học về con tôm nhiều nơi đã vấp phải. Tuy nhiên, trước hiệu quả kinh tế con tôm mang lại, người dân vẫn “mê” nuôi tôm.

Không kiểm soát được tôm giống

Tại Thừa Thiên - Huế, người dân cần khoảng 800 triệu con tôm sú và thẻ chân trắng giống để thả nuôi trên tổng diện tích ao hồ hơn 3.000ha ở các huyện nhưng các cơ sở sản xuất tôm giống tại địa phương này chỉ có khả năng đáp ứng được khoảng 20 triệu con/năm, đa phần người nuôi tôm phải mua giống từ các cơ sở tại Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa...

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên nguồn giống sản xuất tại chỗ bán với giá từ 50-60 đồng/con, còn con giống ở ngoại tỉnh giá rẻ hơn. Một cán bộ Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế nhìn nhận, dịch bệnh ở tôm nuôi thường xuyên xảy ra, chủ yếu chất lượng tôm giống không đảm bảo, công tác quản lý giống nhiều hạn chế. Đặc biệt, tôm giống mua từ các tỉnh bạn vận chuyển về đến Thừa Thiên - Huế bị “kiệt sức” nên người nuôi tôm chỉ biết vội vàng thả giống xuống hồ mà bỏ qua khâu kiểm dịch bằng máy PCR.

Ông Lê Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị nhìn nhận, việc quản lý con giống không đơn giản, bởi để xác định con giống bố mẹ nhập với con giống chọn từ tôm thịt thì ngay cả chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cũng gặp khó khăn. Do đó, việc quản lý sản xuất tôm giống hiện vẫn trông chờ vào “lương tâm” nhà sản xuất giống! Ngoài ra, khó phân biệt được tôm thẻ chân trắng giống có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan với con tôm Hawai (giống tôm tốt nhất hiện nay).

Bên cạnh đó, tôm thẻ chân trắng tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi trồng nghiêm ngặt với trình độ canh tác cao. Chỉ tính riêng năm 2013, hàng trăm hộ dân trên địa bàn đã sạt nghiệp vì tôm nhiễm bệnh đốm trắng, đỏ thân chết trắng hồ.


Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc Cung Cấp Hơn Một Nửa Số Phân Bón Nhập Khẩu Vào Việt Nam Trung Quốc Cung Cấp Hơn Một Nửa Số Phân Bón Nhập Khẩu Vào Việt Nam

Tháng 10/2014, Việt Nam đã nhập khẩu trên 400 nghìn tấn, trị giá 142,1 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 7,6% về trị giá so với tháng trước đó, tính chung từ đầu năm cho đến hết tháng 10/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 3,3 triệu tấn phân bón các loại, trị giá trên 1 tỷ USD, giảm 14,18% về lượng và giảm 24,41% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.

30/11/2014
Hiệu Quả Từ Việc Xây Dựng Nông Thôn Mới Ở Vĩnh Linh Hiệu Quả Từ Việc Xây Dựng Nông Thôn Mới Ở Vĩnh Linh

Để có được sự đổi thay đó, ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Linh đã xác định hướng đi rất rõ ràng, lấy phát triển kinh tế làm khâu đột phá từ đó làm nền tảng cho việc thực hiện các tiêu chí khác.

30/11/2014
Sản Xuất Cá Tra Khó Khăn Hơn Vì Giá Tiếp Tục Giảm Sản Xuất Cá Tra Khó Khăn Hơn Vì Giá Tiếp Tục Giảm

Đó là nhận định của đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đưa ra vào ngày 30-6, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014.

02/07/2014
Phát Triển Kinh Tế Gia Đình Từ Nấm Linh Chi Phát Triển Kinh Tế Gia Đình Từ Nấm Linh Chi

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng nấm linh chi, anh Hoàng Xuân Hòa ở ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã mạnh dạn áp dụng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên trại nấm gia đình anh cho năng suất cao, chất lượng tốt.

02/07/2014
Hướng Hoá Đa Dạng Hóa Cây Trồng Để Giảm Nghèo Bền Vững Hướng Hoá Đa Dạng Hóa Cây Trồng Để Giảm Nghèo Bền Vững

Huyện hiện có hơn 80.000 dân, bao gồm 3 dân tộc anh em: Kinh, Vân Kiều, Pa Kô, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chiếm gần 50% dân số. Ngoài ra, Hướng Hóa có Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Quốc lộ 9 nối liền với các nước trong khu vực trên Hành lang kinh tế Đông-Tây.

30/11/2014