Miền Trung Khan Hiếm Tôm Hùm Giống

Do khan hiếm, giá tôm hùm giống có thời điểm lên đến 350.000 đồng/con và dự kiến sẽ còn tăng lên nữa vì số tôm hùm giống bắt được ngoài tự nhiên đang ngày càng giảm. Cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương có nghề nuôi tôm hùm đang tính tới việc cấm bắt tôm hùm giống vào một số tháng trong năm nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức.
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT), nguồn tôm hùm giống cung cấp cho người dân nuôi ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên đều phải bắt từ biển bằng lưới mành, bẫy chà, lặn... rất công phu mà “năng suất” thấp.
Do tôm hùm giống bán được giá cao nên người dân tận thu, bắt cả những con tôm có kích thước rất nhỏ; cách thức vận chuyển, lưu giữ và ương tôm giống lại chưa phù hợp khiến tỷ lệ hao hụt tôm hùm giống lên đến 50%.
Sự khan hiếm con giống ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nghề nuôi tôm hùm. Theo Sở NN – PTNT Khánh Hòa, năm 2012 tỉnh có gần 23.560 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng đạt 853 tấn/năm, sang năm 2013 chỉ còn 18.242 lồng.
Nguyên nhân là do người nuôi không mua được tôm giống và giá con giống quá cao. Đại diện Sở NN – PTNT Khánh Hòa cho biết, nguồn tôm hùm giống đánh bắt của tỉnh chỉ đáp ứng được tối đa 30-40% nhu cầu, số còn lại phải mua từ các tỉnh khác hoặc nhập khẩu từ Philippines, Indonesia với nhiều thủ tục nhiêu khê.
Theo Tổng cục Thủy sản, tình trạng khan hiếm tôm hùm giống cũng xảy ra ở Ninh Thuận, Bình Thuận.
Để chủ động được nguồn tôm hùm giống, Sở NN – PTNT Phú Yên đã từng mời một doanh nghiệp Mỹ đến đầu tư sản xuất, đã từng đặt hàng Bộ NN – PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ sản xuất con giống nhưng đều bị từ chối.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Trường đại học Nha Trang, hiện các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa “sản xuất” được tôm hùm giống nên dễ hiểu vì sao các nhà khoa học, cơ quan quản lý khoa học từ chối đơn đặt hàng của Sở NN – PTNT Phú Yên.
Để ngăn chặn tình trạng đáng bắt tôm giống quá mức, tỉnh Ninh Thuận đã có lệnh cấm đánh bắt tôm hùm giống trong 5 tháng, từ tháng 4 đến 9 hằng năm. Còn theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN – PTNT, sắp tới bộ sẽ có quyết định chỉ cho phép đánh bắt tôm hùm giống vài tháng trong một năm để bảo nguồn tôm hùm giống ngoài tự nhiên, tránh bị khai thác quá mức như thời gian qua.
Ngày 31-3, tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT đã tổ chức diễn đàn quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh duyên hải miền Trung. Mục đích của diễn đàn là tìm giải pháp để giúp người dân tăng được sản lượng nuôi nhưng giảm được bệnh tật cũng như ô nhiễm môi trường.
Theo Tổng cục thủy sản, ở Việt Nam tôm hùm phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận nhưng tập trung nhiều ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nghề nuôi tôm hùm bằng lồng bắt đầu phát triển từ năm 2.000. Hiện cả nước có khoảng 43.000 lồng, nhiều nhất là Phú Yên và Khánh Hòa.
Giá bán tôm hùm trong năm 2013 trung bình là 1,6 triệu đồng/kg. Thời gian nuôi tôm hùm từ 18-24 tháng. Tôm hùm được nuôi chủ yếu là tôm hùm bông vì lớn nhanh, màu sắc đẹp, dễ xuất khẩu, tiếp đến là tôm hùm đá, tôm hùm sỏi.
Có thể bạn quan tâm

Niên vụ cà phê 2013 – 2014, tỉnh Đắk Lắk đã thu được những thành công nhất định, khi cả năng suất, sản lượng cà phê đều tăng cao, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng nhẹ sau 4 năm liên tục sụt giảm. Diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã vượt mốc 203.500 ha, năng suất bình quân mỗi ha xấp xỉ 2,5 tấn, tổng sản lượng cà phê nhân xô trên 460.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với niên vụ trước.

Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” bước đầu bảo hộ cho các giống cam là CS1, xã Đoài lùn, xã Đoài cao và cam Canh, vốn là những giống cam được di thực ở các địa phương khác về huyện Cao Phong từ những năm 1960. Theo đó, những hộ nằm trong vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý tại thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong và Thu Phong sẽ có sản phẩm cam mang tên gọi chung.

Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, Đồng Nai không chỉ thu hút nguồn lao động nông thôn của địa phương mà từ rất nhiều tỉnh, thành khác về làm công nhân tại các nhà máy. Sự chuyển dịch lao động từ nông thôn vào các khu công nghiệp khiến lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu lao động.

Cùng với nhiều sản vật đặc trưng khác, cam sành Hà Giang đã trở nên nổi tiếng trong cả nước, góp phần không nhỏ trong việc tạo thu nhập cho người dân. Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đến năm 2015 diện tích cây cam, quýt toàn tỉnh đạt 5.000 ha.

Trồng rau vụ Đông không còn là khái niệm mới ở xã Sảng Tủng, theo cán bộ khuyến nông xã, Hầu Mí Co cho biết: Qua mấy năm trồng rau vụ Đông cho thu nhập khá, bà con trong xã đã nhận thức được giá trị của cây rau vụ Đông nên ngày càng nhiều hộ tham gia trồng rau.