Mía Tím Lên Ngôi

Vốn là cây trồng quen thuộc của người dân địa phương (tập trung nhiều nhất ở xã Quảng Chính), đến nay, cây mía tím đã “lan” ra nhiều xã khác, trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện Hải Hà.
Cây mía tím ở Hải Hà (Quảng Ninh) có truyền thống từ lâu, ở xã Quảng Chính, bà con nông dân đã trồng mía tím từ hơn 30 năm trước. Nhưng nhìn chung, cây mía tím chưa thực sự chiếm ưu thế trong phát triển kinh tế ở nông thôn. Chỉ từ vài, ba năm trở lại đây, cây mía tím mới dần trở thành cây chủ lực, bởi hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây nông nghiệp khác.
Trong khi trồng lúa chỉ cho thu nhập từ 50-60 triệu đồng/ha/năm thì cây mía mang lại cho bà con từ 300-350 triệu đồng/ha/năm; năm 2013, có gia đình thu nhập từ trồng mía lên tới 800 triệu đồng/ha/năm. Chỉ tính vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều gia đình đã "thắng lớn" nhờ bán mía…
Do nhận thấy hiệu quả kinh tế cao như vậy, nên diện tích cây mía tím ở Quảng Chính nói riêng, huyện Hải Hà nói chung ngày một tăng lên. Ông Đinh Hữu Phượng, Chủ tịch UBND xã Quảng Chính, cho biết: 30 năm trước, xã Quảng Chính chỉ có khoảng trên dưới 0,5ha mía, nhưng đến nay con số này đã là 115ha.
Còn tính trên địa bàn toàn huyện Hải Hà, diện tích trồng mía tím năm 2012 chỉ có 106,7ha thì năm 2013 đã là 170,7ha. Và diện tích mía tím ở Hải Hà vẫn đang tiếp tục được nhân rộng; riêng xã Quảng Chính mỗi năm tăng từ 5-7ha. Đặc biệt, việc trồng mía tím theo cách truyền thống để gốc tái sinh đã được thay thế bằng trồng ngọn…
Ông Phạm Quang Đào (ở thôn 1, xã Quảng Chính) nói, việc trồng mía bằng ngọn tuy tốn công sức của người trồng hơn nhưng bù lại, chất lượng mía được đảm bảo. Đến nay, mía tím Hải Hà vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng do mía vừa giòn lại mềm, có vị ngọt thanh và hương thơm rất đặc trưng…
Cây mía tím Hải Hà có ưu thế là vậy, nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để nâng cao khả năng cạnh tranh của nó trên thị trường. Đây chính là "khâu then chốt" trong việc phát triển cây mía tím theo hướng sản xuất hàng hoá.
Và vì thế, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh mía tím Quảng Ninh, đóng vai trò chủ đạo là những người trồng mía tím ở huyện Hải Hà, đã được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ các thành viên trong Hiệp hội từ khâu chuyển giao kỹ thuật (cùng với sự hỗ trợ của Sở KH&CN Quảng Ninh), đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm, quảng bá trưng bày sản phẩm v.v..
Ông Hoàng Phi Trường, Trưởng Phòng NN&PTNT Hải Hà, cho biết: Sau khi thành lập, với sự hỗ trợ của Sở KH&CN, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh mía tím Quảng Ninh đã tập trung xây dựng thương hiệu Mía tím Quảng Ninh.
Hiện tại, huyện Hải Hà đang triển khai xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm mía tím tại xã Quảng Chính để giới thiệu với khách hàng. Cùng với đó, huyện cũng đang rất nỗ lực trong việc liên hệ với một số trung tâm nghiên cứu để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và sơ chế mía tím tại địa phương.
Từ đó, phạm vi tiêu thụ đã được mở rộng, người trồng mía cảm thấy yên tâm sản xuất hơn. Trước đây, bà con trồng ít vì chủ yếu chỉ để bán lẻ, nay đa phần đã được chuyển sang bán buôn, thương lái đến tận nơi, cho xe vào vườn thu mua. Cây mía tím không chỉ "loanh quanh" trong địa bàn huyện hay một vài địa phương lân cận nữa, mà đã vươn ra nhiều địa phương trong nước, thậm chí còn sang cả Trung Quốc.
Mặt khác, không chỉ là bán mía thô, mía nguyên liệu, hiện Hải Hà đang rất quan tâm tới việc xây dựng dây chuyền chế biến sản phẩm hoàn chỉnh để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, ý tưởng xây dựng một nhà máy chế biến mía, từ khâu ép nước đến đóng gói sản phẩm v.v. đang được huyện và Hiệp hội sản xuất kinh doanh mía tím Quảng Ninh đặc biệt quan tâm.
Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng trong việc làm thay đổi bức tranh kinh tế nông nghiệp nông thôn ở địa phương. Bởi không chỉ nông dân trồng mía, mà khi nhà máy chế biến mía tím đi vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, nâng cao mức sống cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, mô hình nuôi dê lấy thịt ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đang được nhân rộng và trở thành mô hình sản xuất bền vững quy mô hộ gia đình, mở ra nhiều triển vọng cho người dân địa phương. Nhất là từ khi có sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật từ các Chương trình 30a, 135 của Chính phủ.

Tại Hội nghị tổng kết thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ sáng 27/6, báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đến nay việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố trong 3 năm qua.

Tại một số quận huyện như: Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền… lúa tươi IR50404 vụ thu đông 2014 được nhiều nông dân bán ngay tại ruộng cho thương lái ở mức 4.700-4.800 đồng/kg, còn lúa đã phơi sấy khô ở mức: 5.100-5.500 đồng/kg, tùy điều kiện giao thông. Nhiều loại lúa tươi hạt dài đang có giá 4.900- 5.100 đồng/kg; lúa phơi sấy khô có giá 5.800-5.900 đồng/kg.

Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn nổi tiếng cả nước. Năm 2013 cam sành Hàm Yên đã được vinh danh và lọt vào Top 10 loại trái cây bậc nhất Việt Nam. Để giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên, toàn huyện đã và đang có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hơn 10 năm qua, cây ca cao có bước phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân. Song, cũng như các loại cây trồng khác, việc phát triển trong giai đoạn đầu trải qua không ít khó khăn, cần rút kinh nghiệm, tìm giải pháp phát triển bền vững cây trồng này trong thời gian tới.