Mì Tuột Giá, Nông Dân Thiệt Nhiều Đường

Khoai mì tuột giá, nông dân lại lo lắng. Vụ mì năm trước có giá khá cao nên nhiều người không ngần ngại tăng vốn đầu tư, thuê thêm đất để trồng mì. Nhưng hiện tại, người trồng mì đang “mất ăn mất ngủ” vì giá mì xuống thấp, nguy cơ lỗ vốn đã hiện ra trước mắt.
Khốn đốn vì mì tuột giá
Đây không phải là lần đầu khoai mì ở Tây Ninh rớt giá, nhưng lần rớt giá này được nhiều người cho là tệ nhất. Theo anh Nguyễn Hoàng Nhu- một người trồng và mua bán mì, trong những năm qua, thời điểm này (tháng 7.2014) giá mì “rớt” nặng nhất. Đầu tháng 6, khoai mì đã rớt giá, còn 2.300 đồng/kg 30 chữ bột, nay tiếp tục giảm xuống, chỉ còn 2.000 đồng/kg 30 chữ bột và có nguy cơ còn tiếp tục giảm thêm.
Theo anh Lê Văn Công, ngụ ấp Sân Bay, xã Tân Phong (Tân Biên) thì mới đây giá mì chỉ còn 1.900 đồng/kg 30 chữ bột và có nơi còn thu mua với giá thấp hơn, trong khi đó cùng thời điểm này năm ngoái, giá mua mì là từ hơn 2.600 đồng/kg 30 chữ bột. Như vậy, so sánh với cùng kỳ năm trước, năm nay giá mì đã giảm đến 700 đồng/kg, nếu năng suất mì đạt khoảng 30 tấn thì nông dân bị giảm thu nhập đến hơn 20 triệu đồng/ha.
Không chỉ có vậy, trong thời điểm hiện tại, nhiều nông dân phải nhổ bán mì non do mưa ngập, chữ bột chưa đạt chuẩn nên giá bán còn thấp hơn, sau khi trừ công nhổ, xe vận chuyển, nông dân chỉ còn lại chưa đến 1.000 đồng/kg. Theo một số người trồng mì, cùng thời điểm này năm ngoái, 1 ha mì ruộng có thể bán được ngoài 60 triệu đồng, hiện nay dù mì không bị ngập cũng chỉ bán được không quá 40 triệu đồng. Người trồng mì không bị lỗ vốn đầu tư đã là may.
Ông Nguyễn Thạch Đông (ngụ ấp Tân Tây, xã Tân Hưng, Tân Châu) vừa bán 8 công mì cách nay hai hôm với giá 31 triệu đồng. Với giá này, năm nay gói ghém lắm ông mới có lời được vài triệu đồng. Vợ chồng ông Đông chỉ trông cậy vào 8 công đất trồng mì, mấy năm trước thu lãi được vài chục triệu đồng đủ trang trải, năm nay thu lãi chỉ vài triệu đồng chẳng biết sẽ sống và tái đầu tư ra sao. Ông cười buồn: “Vụ tới chắc phải đi “gửi” sổ đỏ cho ngân hàng để có vốn làm tiếp”.
Với ông Đông, đất sản xuất là đất nhà mà còn khốn đốn như vậy, còn đối với những người phải thuê đất sản xuất thì càng khó khăn hơn. Chị Đặng Thị Gái ở ấp Tân Đông, xã Tân Hưng cho biết: “Mình cũng muốn kiếm lời, năm trước thấy giá mì cao nên năm nay mình bỏ tiền thuê hơn chục ha đất khu vực Suối Dây, Tân Thành để trồng mì. Mới thu hoạch có vài ha đã bị lỗ”.
Thiệt nhiều đường
Ngoài việc khổ vì giá mì đang tuột dốc, nông dân còn lo lắng vì các lò mì thi nhau trừ tạp chất khi thu mua. Nhà máy trừ tạp chất cao thì thương lái cũng trừ lại nông dân, cuối cùng nông dân là người lãnh đủ.
Một thương lái cho biết, hiện tại mỗi xe mì thường bị trừ tạp chất khoảng 10% nên bị mất đi vài tấn, nếu không đồng ý thì nhà máy không mua. Một nông dân than: “Bây giờ lò mì đặt đâu thì mình ngồi đó chứ không thể làm gì. Nếu không đồng ý thì họ không mua, phải tìm lò khác”.
Bên cạnh đó, thời điểm này nhiều diện tích mì phải thu hoạch do ngập nước nên chữ bột còn thấp. Một thương lái cho biết, trước đây mỗi chữ bột thấp chỉ bị trừ khoảng trên 20 đồng/kg, nhưng hiện nay nhà máy trừ đến hơn 70 đồng/kg- cao gấp ba lần so với trước đây. Do đó, chữ bột thấp cũng là điều khiến nhiều nông dân bị thiệt.
Trong nhiều năm qua, bài toán đầu ra cho nông sản vẫn luôn là mối lo của nông dân. Vụ mì này, bài toán càng “hóc búa” hơn do giá mì xuống quá thấp.
Có thể bạn quan tâm

Phòng Kinh tế hạ tầng và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vừa phối hợp tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi heo rừng lai tại xã Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai.

Năm 2013, toàn tỉnh Nam Định có 486ha nuôi tôm chân trắng, tăng 188ha so với năm 2012, hình thành nhiều vùng nuôi tập trung tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Các vùng nuôi cơ bản đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Phát biểu tại buổi làm việc với Đảng uỷ và UBND xã Gung Ré (huyện Di Linh - Lâm Đồng) mới đây, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đã cải tạo vườn cà phê (ghép chồi hoặc trồng tái canh) bằng các giống cà phê đầu dòng được 18.000 ha. Đây là một “tín hiệu” rất đáng mừng. Bảo Lâm là địa phương đi đầu, có phong trào cải tạo vườn cà phê khá nhất. Di Linh và các địa phương khác cần học kinh nghiệm của Bảo Lâm để từng bước nâng cao hiệu quả canh tác cà phê.

Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài kéo theo nhu cầu tiêu thụ chanh làm nước giải khát gia tăng. Chính vì vậy, hiện giá chanh cũng tăng vọt theo sự biến động của thị trường và có xu hướng tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Đây là cây cứu cánh của người dân nơi đây. Người tiên phong trồng khoai sáp là ông Nguyễn Văn Thơm. Từ năm 2004 ông chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai, năm nào cũng cho năng suất ổn định từ 1,5 - 1,7 tấn/sào, sau khi trừ chi phí lãi từ 7 - 10 triệu đ/sào.