Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mì Rớt Giá, Nông Dân Lo Lắng

Mì Rớt Giá, Nông Dân Lo Lắng
Ngày đăng: 28/08/2014

Mới bước vào đầu vụ thu hoạch mì nhưng bà con nông dân như ngồi trên lửa vì mì tụt giá mạnh. Nguy cơ thua lỗ đang hiện ra trước mắt.

Rớt giá mạnh

Gần 1 tháng qua, trên các đồng ruộng, bà con nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch mì vì sợ mưa bão đến bất thường, nhưng ai cũng than trời vì giá quá thấp so với năm ngoái.

Ông Lê Văn Mẹo, ở thôn Thọ Nam, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) cho biết, 7 năm trở lại đây năm nào gia đình ông cũng trồng 8 sào mì. Năm 2013, khi mì có giá hơn 2 triệu đồng/tấn mì tươi, ông kiếm được gần 20 chục triệu đồng, nhưng năm nay họ chỉ trả 1,3 triệu đồng/tấn nên ông không bán mà thuê xe chở xuống tận nhà máy, nhưng tính lại cũng chẳng lợi được bao nhiêu.

“Vùng này mọi năm độ bột khỏi lo mà năm nay họ bảo có 20-21 độ nên mua có 1,3 triệu đồng/tấn. Chênh lệch 600-700 nghìn đồng/tấn, thì trừ công cán, phân bón chẳng còn lãi, kiểu này người dân xóa đói giảm nghèo rất khó”- ông Mẹo than thở.

Bà Trần Thị Cường, ở thôn Xuân Yên, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) cũng đang lo lắng vì gần 2 sào mì ở vùng trũng đến kì thu hoạch mà chẳng thấy bóng dáng thương lái đâu.

“Mọi năm thời điểm này, không nói thương lái cũng đến tận nhà hỏi mua, năm nay tui không thấy ai cả. Sợ mưa xuống hư hết coi như mất cả chì lẫn chài”.- bà Cường lo lắng:

Nếu như năm 2013, người dân và thương lái vui mừng vì mì được giá, thì năm nay nông dân lại lo lắng vì sợ tiền bán mì không đủ chi phí. Nhiều nơi mì ế vì thương lái chẳng mặn mà.

Ngồi nghỉ mệt sau một ngày một đêm thức lăn lộn thu mua, chất mì lên xe chở xuống Nhà máy Sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi để bán, anh Văn Hồng Sơn, ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) nói: “Không biết sao mà độ bột thấp dữ vậy nữa. Hồi sáng tui xuống xe mì đẹp nhất được 27 độ, phải mấy năm cũng 30 độ. Năm nay xe nào cũng 21-22 độ bảo giá không thấp sao được”.

Cũng theo anh Sơn, chừng này năm ngoái, anh mua tại ruộng 2 triệu đồng/tấn, còn năm nay mì xinh nhất chỉ có giá 1,2 triệu đồng/tấn. Mọi năm mỗi ngày mua 5-10 tấn, giờ ít hơn nhiều, dân không muốn bán. Giá kiểu này dân cũng lỗ mà buôn cũng chẳng lời.

Chất lượng kém

Trao đổi với chúng tôi, ông Đồng Văn Lập- Giám đốc Nhà máy Sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi cho biết, để hạn chế tình trạng mì ứ đọng khi vào vụ chính, nhất là vào mùa mưa bão, gây thiệt hại cho bà con nông dân nên năm nay, Nhà máy vận hành sớm từ 22.7.

Trong tháng 7 mỗi ngày trung bình Nhà máy thu mua 350 tấn củ, nhưng bước vào tháng 8 giảm chỉ còn 200 tấn củ. Một phần là vào vụ gặt lúa, nhưng nguyên nhân chính là độ bột thấp nên nhiều nông dân chưa muốn bán.

Cũng theo ông Lập, năm nay mì tươi độ bột rất thấp, nguyên nhân là do khi nông dân xuống giống vào thời điểm tháng 11, 12 âm lịch gặp thời tiết lạnh. Đến tháng 2, 3 năm sau nắng nóng kéo dài nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây mì dẫn đến hàm lượng tinh bột thấp chứ không phải do Nhà máy o ép.

Bởi hiện tại có rất nhiều đầu mối thu mua, cạnh tranh khốc liệt chứ không phải độc quyền nên ước sản lượng thu mua của Nhà máy năm 2014 chỉ 65.000 tấn, thấp hơn 15.000 tấn so với năm 2013.

Về thị trường tiêu thụ, ngoài thị trường Trung Quốc, Nhà máy cũng đã tìm được thị trường tốt ở các nước khác nên về đầu ra không có gì trở ngại. Hiện nay giá mì tươi vẫn tương đương với năm 2013, 1,8 triệu đồng/tấn 30 độ bột. Nhà máy đảm bảo giá tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân như ưu tiên vùng trũng thu hoạch trước.

Nhà máy sẽ cử cán bộ xuống tận dân phát phiếu thu mua. Những ngày qua, mì chở tới đâu Nhà máy giải quyết rất nhanh chóng tới đó, không để người dân, thương lái chờ đợi.

“Trong tình cảnh này thì cả thương lái và Nhà máy chỉ chia sẻ với dân chứ không có lãi. Để nâng cao chất lượng bột, chúng tôi khuyến cáo bà con trồng mì phải theo hướng thâm canh", ông Lập nói.


Có thể bạn quan tâm

Người Nuôi Thủy Sản Chờ Tín Hiệu Tích Cực Từ Thị Trường Người Nuôi Thủy Sản Chờ Tín Hiệu Tích Cực Từ Thị Trường

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tính đến hết quý I/2014, diện tích nuôi thủy sản toàn thành phố là 2.087 ha (trong đó diện tích thả nuôi năm 2013 sẽ thu hoạch năm 2014 là hơn 1.000 ha), đạt trên 16% kế hoạch, bằng 78,43% so cùng kỳ.

11/04/2014
Sẽ Có Nhà Máy Sản Xuất, Chế Biến Cá Chình Xuất Khẩu Sang Hàn Quốc Sẽ Có Nhà Máy Sản Xuất, Chế Biến Cá Chình Xuất Khẩu Sang Hàn Quốc

Ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết, ý tưởng sản xuất và chế biến cá chình thương phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc của nông dân Hồng Dân đã trở thành hiện thực.

11/04/2014
Cần Sớm Tìm Giải Pháp Hạn Chế Tổn Thất Chất Lượng Cá Ngừ Đại Dương Cần Sớm Tìm Giải Pháp Hạn Chế Tổn Thất Chất Lượng Cá Ngừ Đại Dương

Cá ngừ đại dương là một trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Khánh Hòa. Thông qua hoạt động này, giá trị của sản phẩm đã dần được khẳng định trên thị trường các nước trong khu vực và thế giới.

11/04/2014
Phát Triển Chăn Nuôi Trang Trại Ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên) Phát Triển Chăn Nuôi Trang Trại Ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên)

Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi hiện đang phát triển khá mạnh. Nhiều nông dân đã đầu tư công sức, tiền của để xây dựng những trang trại có quy mô lớn, đem lại thu nhập cao cho bản thân và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân...

11/04/2014
Người Nuôi Ong Ở Sa Pa Chật Vật Khôi Phục Đàn Ong Mật Người Nuôi Ong Ở Sa Pa Chật Vật Khôi Phục Đàn Ong Mật

Mùa xuân trăm hoa đua nở, nhưng vẫn khiến những người nuôi ong mật trên đất SaPa (Lào Cai) “đi ra thở ngắn, đi vào thở dài”. Cũng chỉ tại “ông trời” gây mưa tuyết trung tuần tháng 12/2013 đã giết chết hầu hết số ong nuôi lấy mật.

11/04/2014