Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Máy vét rơm của Hùng Rơm

Máy vét rơm của Hùng Rơm
Ngày đăng: 07/05/2015

Đó là sáng kiến của anh Võ Bé Em (Tên thường gọi là Hùng, ngụ ấp Tây Bình C, xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn), một người chuyên mua bán rơm. Bạn hàng nhà nông quen gọi anh biệt danh là “Hùng rơm”, có người còn hóm hỉnh gọi “Anh Hùng rơm”.

“Chấp 10 người vét giỏi”

“Chế thành công máy vét rơm, tôi mừng lắm. Nhờ vậy mới mần ăn lớn được. Mỗi thứ giảm một chút thôi nhưng tất cả các khoản chi phí đều giảm, mần mới có lời” – Hùng rơm phấn khởi khoe.

Mục sở thị chiếc máy vét rơm của Hùng rơm trên cánh đồng, nhiều nông dân không khỏi trầm trồ, khen ngợi. Những lão nông khó tính cũng đều phải gật gù: “máy vét coi đã thiệt, mau, nhẹ nhàng, đơn giản, dễ điều khiển”.

Theo quan sát của chúng tôi, hình thức, kiểu dáng máy vét rơm này gần giống như máy gặt đập liên hợp, (do sử dụng nguyên phần nền của máy gặt đập liên hợp, chỉ khác có băng chuyền rơm phía trước và thùng chứa rơm ở phía sau). Cả hai bộ phận băng chuyền rơm phía trước và thùng chứa rơm này đều sử dụng hệ thống ben hơi.

Khi chạy qua các bờ đê ruộng, hai hệ thống này có thể ben lên nên không bị vướn vấp và lúc đổ rơm xuống không cần thêm bất kỳ sự hỗ trợ thủ công nào. Đặc biệt, máy hoạt động được trên cả đồng ướt lẫn đồng khô nhờ dây xích cao su. Khi máy hoạt động chỉ cần 3 nhân công (1 tài xế và 2 người trang khỏa rơm bên thùng chứa).

Máy chạy trên đồng ướt, đất sình thì tương đương máy gặt đập liên hợp; còn đồng khô thì vận tốc nhanh hơn. Mỗi ngày, máy vét được 2,5 ha, tương đương 2,5 tấn rơm. “Đó là tính toán trên lý thuyết, còn thực tế cho thấy, công suất hoạt động hơn hẳn, nhờ tài xế nào cũng thạo việc, có thể tăng lên từ 30 công (3 ha) đến 35 công/ngày; tương đương 3.000 đến 3.500 kg rơm. Về chi phí (so với mướn vét thủ công) thì vét máy này rẻ hơn nhiều, còn về công suất thì máy này dám chấp mười người vét giỏi” – Anh Hùng rơm khẳng định..

Kinh qua hơn 20 năm mua bán rơm, Hùng rơm đã dạo khắp các cánh đồng vùng ĐBSCL, đặc biệt là vùng ven sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên quê anh. Anh thuộc nằm lòng lịch thời vụ xuống giống và thu hoạch lúa ở từng nơi. “Nghề nghiệp mần ăn của tui là vậy, phải theo sát mới được, nhất là mùa mưa, lơ mơ là thất thu, không chỉ riêng mình mà bà con nông dân cũng bị thiệt, họ hứa bán cho mình thì họ chỉ chờ mình thôi, mua được rơm cho họ, họ mừng lắm” – Hùng rơm cho biết.

Anh Hùng rơm còn phân tích thêm: Trong tỉnh An Giang có ít người ủ nấm hơn bên Đồng Tháp, trong khi rơm thì nhiều hơn, đa số đều bỏ đi rất phí. Có người mua rơm là làm lợi thêm cho bà con nông dân nhiều lắm.

Anh Hùng rơm cho biết, thực ra đây cũng là sáng kiến tiếp nối, kế thừa từ chiếc “máy ủi rơm” cũng cho chính anh chế ra từ hơn 5 năm về trước. Động lực chính khiến anh nghĩ đến việc chế ra những chiếc máy này bắt nguồn từ đòi hỏi chạy đua theo tiến độ ngày mùa để mua được diện tích nhiều và số lượng rơm lớn hơn cho nông dân.

Lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp thì rơm phun theo dãy, máy vét rơm theo đó cuốn hút lên, rơm lại bị nhào nát thêm lần nữa, người ủ nấm đỡ tốn công nên họ rất ưa thích sản phẩm rơm từ máy vét rơm của Hùng rơm. Trước đây, trung bình mỗi năm, Hùng rơm mua rơm của trên 1.000 công đất, thu gom chủ yếu bằng phương pháp thủ công.

Máy vét rơm này có thể giúp anh thu mua tăng diện tích lên gấp đôi và sản lượng rơm cung ứng về miệt Đồng Tháp cũng sẽ tăng theo. “Nghề nghiệp mần ăn buộc mình phải tính toán, cái nào có lợi là mần. Riêng chiếc máy này tôi rất tâm đắc vì nó lợi cho mình mà cũng lợi cho người; có lợi cho tôi một mà lợi cho nông dân bằng mười” – anh Hùng rơm tâm đắc.

Máy vét rơm góp phần rất lớn vào việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch, giúp bà con nông dân vệ sinh đồng ruộng nhanh gọn, tránh được việc đốt đồng theo thói quen sẽ gây ô nhiễm môi trường như gia tăng nhiệt độ, khói bụi ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Qua đó còn tận dụng được phế phẩm nông nghiệp sử dụng cho việc chăn nuôi và trồng trọt….


Có thể bạn quan tâm

“Cơn Lốc”... Tôm Chân Trắng “Cơn Lốc”... Tôm Chân Trắng

Giá tôm thẻ chân trắng năm 2013 tại ĐBSCL, đặc biệt ở Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng… chạm mốc kỷ lục 200.000 đ/kg. Người nuôi tôm lời hàng trăm triệu đồng chỉ sau 3 tháng thả nuôi. Con tôm thẻ chân trắng đã “soán ngôi” con tôm sú về năng suất, sản lượng.

17/12/2013
Phát Triển Đàn Bò Thịt Chất Lượng Cao Bằng Phương Pháp Thụ Tinh Nhân Tạo Phát Triển Đàn Bò Thịt Chất Lượng Cao Bằng Phương Pháp Thụ Tinh Nhân Tạo

Mục tiêu của Dự án là cải tiến, nâng cao chất lượng đàn bò thịt tại Bến Tre nhằm đưa cơ cấu giống bò thịt chất lượng cao từ 3% (năm 2010) lên 15% (năm 2015), góp phần làm thay đổi cơ cấu giống bò, hình thành ngành sản xuất chăn nuôi bò thịt.

17/12/2013
Làm Giàu Trên Vùng Đất Mới Làm Giàu Trên Vùng Đất Mới

Rời quê hương Bắc Giang với hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Văn Minh (khu phố Ba Đình, thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên - Bình Dương) đã chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai để lập nghiệp. Với mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), hàng năm ông Minh đã thu được tiền tỷ và là một trong những gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm liền của tỉnh.

17/12/2013
Làm Giàu Từ Nuôi Rắn Ráo Trâu Làm Giàu Từ Nuôi Rắn Ráo Trâu

Thời gian qua, việc mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng không chỉ làm đa dạng mô hình sản xuất mà nó còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long.

17/12/2013
Ngư Dân Trúng Đậm Cá Mùa Biển Động Ngư Dân Trúng Đậm Cá Mùa Biển Động

Những ngày biển động, khi nhiều tàu đánh bắt nằm im gối bờ thì tàu đánh bắt cá chuồn, cá mập của ngư dân Nghĩa An (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) bắt đầu vào "mùa làm ăn". Công việc nguy hiểm, thời tiết không được thuận lợi, nhưng bù lại cho những nhọc nhằn là phiên biển "trúng đậm".

18/12/2013