Máy Kéo Câu Giảm Sức Lao Động Cho Ngư Dân

Với trăn trở giảm sức lao động cho bà con ngư dân, cải thiện lối câu truyền thống, ba bạn trẻ Lê Văn Hoàng (1986), Phan Thành Nhân (1986) và Nguyễn Văn Xuân (1984) đã sáng tạo ra “Máy kéo câu” (hay còn gọi là “Máy tời thu câu”) phục vụ ngư dân Đà Nẵng.
Cả ba bạn trẻ đều ở Vịnh Mân Quang, phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà, TP Đà Nẵng), truyền thống gia đình làm nghề ngư dân, đánh bắt hải sản.
Ngày trước, Lê Văn Hoàng thường hay theo ba và mọi người trong gia đình đi bủa lưỡi câu cá. Cảm nhận được sự vất vả nhọc nhằn của mọi người, nhất là lúc kéo lưỡi câu cần rất nhiều sức lao động góp lại, từ lúc đó Hoàng đã ấp ủ mong muốn sáng tạo “một cái gì đó” có thể giúp đỡ cho các gia đình ngư dân.
Các tàu câu mỗi ngày thường bủa hai lần vàng câu, mỗi lần khoảng 5 nghìn đến 10 nghìn lưỡi câu, có khi nhiều hơn tùy vào số lượng từng tàu. Mỗi lưỡi cách nhau 3,7 mét, và bủa hết số lượng lưỡi sẽ chiếm khoảng từ 10 đến 20 hải lý. Với số lượng lớn và dài như vậy, việc kéo lưỡi câu thủ công sẽ cần nhiều sức lao động và mất từ 7 đến 9 giờ để có thể thu hết lưỡi và cá câu được.
“Rồi ba mất ngoài biển, tôi theo học nghề và mở xưởng cơ khí với hai người bạn thân, nhận được sự ủng hộ từ hai bạn Nhân và Xuân, chúng tôi đã lên kế hoạch tạo ra máy kéo câu”, Hoàng chia sẻ.
Ngay sau khi có ý tưởng, các bạn trẻ bắt tay vào việc phác thảo sản phẩm, chuẩn bị nguyên vật liệu, chia công việc phù hợp với khả năng của từng người để có thể có được ý tưởng tốt nhất, phù hợp với thực tiễn. Sau hai năm chuẩn bị và ba tháng lắp ráp chiếc máy đầu tiên đã được hoàn thành, tuy nhiên lại xảy ra một số trục trặc.
Nhớ lại những ngày đầu, Thành Nhân cho biết: “Vì vận hành bằng điện nên chiếc máy rất tốn kém về chi phí, cần dùng công suất điện lớn và sử dụng máy phát điện. Không chỉ hao điện mà tuổi thọ cũng kém và không bảo đảm công suất hoạt động vậy nên chúng tôi lại mang về xưởng và thử nghiệm chiếc thứ hai với truyền động bằng hệ thống thủy lực”.
Nếu áp dụng máy kéo câu vào việc câu cá ngoài biển, sẽ giảm đáng kể sức lao động của các ngư dân. Thay vì dùng sức bốn người để kéo như cũ, bây giờ, các tàu chỉ cần hai người mỗi lần thu câu, một người thu cá và một người nẹp lưỡi. Thời gian thu cũng giảm 30 đến 50% so với thời gian trước đây. Máy chạy bằng dầu, nên không tốn kém so với chạy điện. Thay vì mua thùng đựng dầu bên ngoài, nhóm bạn còn tự chế thùng đựng riêng cho máy của mình hoàn toàn bằng sắt chống rỉ rét khi chịu ảnh hưởng của muối biển, thời tiết… Thùng đựng dầu còn có bộ lọc bên trong nhằm ngăn bọt dầu và cặn ảnh hưởng tới chất lượng khi sử dụng máy.
Một trong những tàu đang sử dụng máy kéo câu là ông Lê Em, chủ tàu ĐNa 36271 TS. Ông Em cho biết: “Tôi sử dụng máy kéo câu đã mấy tháng nay, máy rất phù hợp với những tàu công suất vừa và nhỏ như chúng tôi, và có thể câu đa phần các loại cá. Không chỉ giảm sức lao động cho các anh em trên tàu, bây giờ, tôi còn tăng thêm lưỡi câu mỗi lần bủa để mong tăng thu nhập cho các thuyền viên”.
Hiện nay, ba bạn trẻ đã hoàn thành bốn máy kéo câu, đang được những chủ tàu trong gia đình sử dụng. Tuy nhiên, mỗi chiếc máy có giá 35 triệu là một khoản không nhỏ đối với các gia đình ngư dân ở đây.
“Mỗi máy có thể sử dụng được từ 25 đến 30 năm. Những máy trước các cháu tự góp vốn để làm, bây giờ nếu vẫn tự bỏ vốn để tiếp tục thì sẽ rất khó khăn… Hiện nay, đã bắt đầu có những đơn đặt hàng từ các chủ tàu trong Vịnh. Thường các chủ tàu sẽ đặt trước 50% giá thành. Tuy vậy, nhiều gia đình vẫn còn e ngại bởi số tiền khá lớn” – Chủ tịch Hội Nông dân phường Nại Hiên Đông Bùi Sửu cho biết.
Cố gắng của nhóm bạn trẻ đã phần nào giúp những ngư dân vơi bớt khó khăn nhọc nhằn khi lao động ngoài biển khơi. Tuy vậy, để sáng chế của các bạn đến được với các tàu câu, được đón nhận rộng rãi, vẫn cần có nhiều hơn nữa không chỉ sự cố gắng của các bạn trẻ.
Nguồn bài viết: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/khoa-hoc/item/24864302-may-keo-cau-giam-suc-lao-dong-cho-ngu-dan.html
Có thể bạn quan tâm

Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp thành viên cho đến nay, đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo với tổng số lượng lên tới 6,909 triệu tấn, tăng 1,54% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, lượng gạo đã xuất khẩu đạt 5,49 triệu tấn với tổng trị giá 2,39 tỷ USD.

“Phong trào xây dựng NTM như luồng gió mới, góp phần đổi thay diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, cải thiện cuộc sống và thúc đẩy KT - XH địa phương phát triển” - Đó là khẳng định của ông Lò Quang Chiêu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sau 3 năm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với đặc thù của Điện Biên, chương trình cần “điểm nhấn” và giải pháp đột phá để thành công.

Với kiểu khai thác tận diệt, nhiều loại thủy, hải sản ven bờ các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng. Sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản ở khu vực này cũng đẩy hàng ngàn hộ dân rơi vào tình cảnh khốn khó. Hệ sinh thái ven bờ đang có nguy cơ bị đảo lộn hoàn toàn nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Ngoài nguyên nhân người đánh bắt dùng xuyệt, lưới rùng, đánh thuốc để bắt theo kiểu tận diệt thì tình trạng sử dụng thuốc hóa học bừa bãi trên đồng ruộng đã khiến cho môi trường sống của các loài thủy sinh bị ô nhiễm nặng nề. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sinh này.

Tuy là chủ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực thương mại nhưng công việc thường xuyên của ông Mai Thăng Long là gặp gỡ nông dân, làm việc ngay tại các ruộng lúa. Hiện Công ty TNHH xây dựng thương mại Thái Ninh Địa Long (TP.Biên Hòa) của ông Long đang đầu tư cho nông dân xây dựng những cánh đồng lúa chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm lúa sạch cho bà con với giá cao hơn thị trường.