Màu xanh trên vùng đất mặn
Từ đầu đến cuối ấp, đến đâu cũng thấy rẫy màu, vườn cây ăn trái xanh mướt, trĩu quả.
Mặc cho những đợt gió Tây Nam kéo theo những cơn sóng biển rì rầm ngày đêm đánh vào đai rừng phòng hộ biển Tây, những người nông dân ấp Ðất Mới vẫn cặm cụi chăm sóc những rẫy rau màu xanh mướt, những vườn cây ăn trái trĩu quả.
Luồn qua đai rừng phòng hộ trên con kinh nhỏ chỉ còn đủ một chiếc vỏ qua, khi thuỷ triều xuống thấp, Bí thư Chi bộ ấp Ðất Mới Mai Văn Tâm đưa chúng tôi đến thăm “vua rẫy” xứ biển Tư Bưng (Lâm Văn Bưng).
Biệt danh “vua rẫy” không quá đối với chú Tư, bởi chú là một trong những người đầu tiên đưa rau màu phát triển trên vùng đất này và cũng là người từ hai bàn tay trắng làm nên khối tài sản lớn từ rau màu.
Rẫy khổ qua của gia đình anh Lâm Văn Của bắt đầu cho thu hoạch, hứa hẹn mùa bội thu khi giá rau màu hiện nay đang ở mức cao.
Cũng như những hộ dân di cư tự do khác, ông Tư Bưng về xứ biển này với hai bàn tay trắng, không một mảnh đất cắm dùi. Theo lời kể của Bí thư Chi bộ Mai Văn Tâm, gia đình ông Tư Bưng thời 1997 thuộc diện khó khăn nhất, không tư liệu sản xuất, lại đông con.
Chính quyền địa phương phải tạo điều kiện bằng cách cho mượn đất trồng rau màu để kiếm sống. Ðất đã không phụ lòng người, nhờ cần cù chịu khó, giờ đây gia đình ông đã có trong tay gần 10 ha vuông tôm, vươn lên trở thành hộ giàu của ấp.
Tuy cuộc sống đã khá giả nhưng các loại rau màu vẫn được ông và những người con duy trì cho đến nay, góp phần cho vùng đất mặn ven biển này luôn giữ được màu xanh đầy sức sống. Là người con thứ tư trong gia đình, anh Lâm Văn Của tiếp tục theo nghề cha, gắn bó với các loại rau màu trên vùng đất này.
Anh Của chia sẻ, làm sao bỏ được, chỉ cần một rẫy màu (ngang 20m, dài 100m), mỗi vụ cho thu hoạch cả trăm triệu đồng, có vụ còn cao hơn. Chỉ tay về đám cà phổi khoảng 300m2, anh nói:
“Có nhiêu đó chớ thu hoạch từ tháng 3 đến nay đã trên 100 triệu đồng rồi”.
Thấy hiệu quả, nhiều hộ gia đình trong ấp cứ thế làm theo, đưa diện tích trồng màu của ấp phát triển nhanh đáng kể. Ðến nay, toàn ấp có trên 12 ha rau màu, chủ yếu là trên bờ bao vuông tôm, khuôn viên vườn.
Theo ông Tâm, hiện nay hầu như không nhà nào không trồng màu, chỉ là nhiều hay ít, rau màu góp phần đáng kể cải thiện thu nhập người dân cũng như giảm nghèo của ấp.
Ðến nay, toàn ấp còn 19 hộ thuộc diện nghèo và đều là những hộ dân di cư tự do, không tư liệu sản xuất, sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi ven biển, còn những hộ gốc đã vươn lên từ đủ ăn đến khá, giàu.
Ðến vùng đất này cũng khá muộn, vào năm 2001, vậy mà ông Trần Văn Bính đã có hơn trăm cây mãng cầu xiêm trĩu quả tại vùng đất này. Ðất bờ bao quanh vuông tôm của ông không nơi nào còn trống, ngoài những bờ bắp xanh um… kinh tế gia đình ông Bính đang phát triển từng ngày.
Hoa màu trên bờ bao vuông tôm ngày một phát triển xanh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2008, ấp Ðất Mới đã hình thành được Tổ hợp tác sản xuất tôm - màu 1/5 để người dân có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất.
Theo ông Tâm, khi mới thành lập chỉ có 18 tổ viên tham gia, với hiệu quả mang lại, tổ hợp tác ngày càng lớn mạnh. Ðến nay có 92 tổ viên và đã tách ra thêm Tổ hợp tác tôm - màu Ðoàn Kết. “Bà con vào đây để có điều kiện giúp đỡ nhau hơn”, ông Tâm nói.
Kể từ khi bám rễ trên vùng mặn ven biển này, các loại bầu, bí, khổ qua… đã giúp đời sống người dân ngày một đổi mới, đúng như tên gọi ấp Ðất Mới.
Tin rằng với những người nông dân luôn cần cù chịu khó ấy, màu xanh của rau màu nơi đây tiếp tục được nhân rộng, để mỗi khi về với Ðất Mới sẽ thấy được nhiều cái mới.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm khai thác tối đa nguồn lợi thủy sản, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã thực hiện nhiều dự án chăn nuôi thủy sản trên địa bàn, trong đó, việc triển khai nuôi thí điểm loài cá đặc sản dầm xanh tại ao nuôi của một số hộ gia đình ở xã Trung Hà.

Đồng chí Đinh Xuân Bền, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Yên (Quảng Ninh), cho biết: Trước đây người dân chủ yếu nuôi trồng thuỷ sản tập trung ở khu vực bãi triều và những ruộng cấy lúa kém hiệu quả.

Cụ thể, giá bán buôn đường (có thuế giá trị gia tăng) tại nhà máy đường trong tuần qua ở miền Bắc là 11.163 – 12.350 đồng/kg, miền Trung, Tây Nguyên là 12.100 – 12.385 đồng/kg, còn các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL dao động từ 11.700 – 12.150 đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn giá đường tại thị trường nội địa Trung Quốc.

Qua các lớp tập huấn, bà con được các chuyên gia cung cấp một số kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất cà phê. Điều khiến mọi người ngạc nhiên là để biết được đất trồng có phù hợp với cây cà phê hay không thì cần phải mang đi xét nghiệm. Sau một thời gian, bà con được hướng dẫn cách bón phân dựa trên kết quả xét nghiệm đất như bổ sung phân chuồng, vi lượng... và phương pháp bón phân cũng rất khác so với làm thông thường.

Với ngư trường rộng và thuận lợi, thêm vào đó là kinh nghiệm đánh bắt, nuôi trồng hải sản lâu đời của người dân, Quảng Ninh là địa bàn có sản lượng thuỷ sản cao. Tuy nhiên, hiện nay không ít các đơn vị chế biến thuỷ sản trên địa bàn lại khó mua nguyên liệu ngay trên “sân nhà”. Việc này đã khiến cho hầu hết các đơn vị này chỉ hoạt động được hơn 40% công suất.