Mất Mùa Bí Đỏ

Mặc dù chỉ mới bước vào thu hoạch trên số ít diện tích trồng sớm nhưng người trồng bí đỏ ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) đang phải đối mặt với viễn cảnh mất mùa. Hàng trăm ha bí đỏ toàn lá và hoa, mỗi cây chỉ rải rác vài trái, nhiều cây không cho trái.
Vụ mùa năm 2013, tổng diện tích cây bí đỏ trên toàn huyện Chư Pưh có gần 500 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Ia Phang, Ia Le và thị trấn Nhơn Hòa… Đến thời điểm này, người dân đã bắt đầu thu hoạch trên diện tích trồng nhưng với năng suất rất thấp, giảm khoảng 60-80% so với vụ trước, trong khi giá bí hiện tại trên thị trường dao động từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg (giá cùng thời điểm này năm trước là 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg).
Ông Phạm Văn Bồn-Trưởng thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang cho biết: Cùng với cây hồ tiêu, bí đỏ được trồng nhiều với tổng diện tích trên 100 ha. Do cây bí đỏ dễ trồng, dễ chăm bón, ít tốn công, hiệu quả kinh tế lại cao nên hầu như hộ nào cũng trồng, hộ trồng nhiều lên đến 4 đến 5 ha, hộ trồng ít cũng khoảng 1 ha.
Tuy nhiên, dù đã được hơn 3 tháng tuổi nhưng chỉ lác đác vài trái, trong khi cây bí sinh trưởng và phát triển rất tốt (vòng đời cây bí đỏ khoảng 4 tháng thì cho thu hoạch). Một số ruộng bí trồng sớm, người dân đã thu hoạch nhưng năng suất khá thấp, 1 ha chỉ thu được hơn 5 tấn, giảm trên 60% so với vụ trước.
Dẫn chúng tôi dạo quanh ruộng bí đỏ (diện tích khoảng 3 ha) đã hơn 3 tháng tuổi khá tươi tốt nhưng chỉ rải rác có vài trái, anh Đinh Công Phương-thôn Hòa Sơn buồn bã cho biết: Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, cây bí sinh trưởng và phát triển rất tốt, ai ngờ gần đến ngày thu hoạch mà mỗi dây bí đỏ chỉ rải rác vài trái.
Theo anh Phương với 3 ha bí đỏ này, vụ trước anh thu được hơn 45 tấn, nhưng năm nay ước chỉ khoảng 15 tấn thôi. Giá bí đỏ tại thời điểm này không đủ bù đắp chi phí đầu tư, chăm sóc ban đầu (chi phí đầu tư giống, phân bón chăm sóc cho 3 ha khoảng gần 40 triệu đồng).
Hộ bà Nguyễn Thị Thoa-thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, khi ruộng bí đỏ khoảng 1 ha hầu như không ra trái. Bà Thoa cho biết: Mặc dù nhiều năm trồng bí đỏ nhưng gia đình chưa biết nguyên nhân do đâu bí lại không ra trái. Gia đình mua giống bí đỏ như vụ trước để trồng, thời tiết diễn biến cũng khá thuận lợi, cây sinh trưởng và phát triển tương đối tốt nhưng bí chỉ ra hoa mà không kết trái, mặc dù gia đình cũng đã mua thuốc kích thích ra trái để phun nhưng vẫn không có kết quả.
Đó cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân trồng bí đỏ trên địa bàn huyện: đối mặt với một vụ mùa thất bát, với sự sụt giảm mạnh về năng suất, sản lượng và cả giá cả. Ngành chức năng cần vào cuộc để xác định rõ nguyên nhân cũng như có hướng hỗ trợ kịp thời cho người dân, tránh ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Có thể bạn quan tâm

Có lẽ thời điểm hiện tại giá khoai mỡ trên cánh đồng khoai lớn nhất của huyện Tân Phước (Tiền Giang) thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cũng chính vì điều này, câu chuyện lãi - lỗ, trồng hay bỏ cây khoai mỡ đang mang tính thời sự nóng bỏng của cả vùng đất bạt ngàn này.

Bên cạnh những diễn biến thất thường của thời tiết thì nguyên nhân diện tích trồng đạt thấp là do giá mủ cao su thời điểm hiện tại xuống thấp, ảnh hưởng đến tâm lý người trồng cao su, đồng thời công tác chỉ đạo của các địa phương chưa thực sự sâu sát, có chiều hướng buông lỏng đối với loại cây trồng này.

Từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh Đồng Tháp đạt hơn 6.550ha. Trong đó, trên 621ha ao và 46.948m3 bè nuôi thủy sản bị nhiễm bệnh (chỉ riêng tháng 7 có hơn 112ha ao và 14.394m3 bè nuôi bị nhiễm bệnh, tăng 3.600m3 bè so với tháng trước).

Diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển mạnh, theo đó nhu cầu tôm giống ngày càng cao. Để có nguồn giống cung ứng vụ nuôi, người dân phải chọn mua con giống bằng mắt thường, chứ không biết tôm đó có chất lượng hay không.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh (Phú Yên), hiện có hơn 1.000ha cao su trồng tại các xã, thị trấn trong huyện bị bệnh phấn trắng, gây rụng lá.