Mang Yang đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ mùa

Vụ mùa năm 2015, huyện Mang Yang có kế hoạch gieo trồng 9.740 ha cây trồng các loại, trong đó, diện tích lúa nước là 2.700 ha, phân bổ chủ yếu ở các xã: Đê Ar, Kon Chiêng, Đak Trôi, Ayun, Lơ Pang... Ngoài ra, còn có cây mì với diện tích 5.620 ha, bắp 440 ha cùng nhiều loại rau, đậu khác.
Ở các khu vực có hệ thống thủy lợi hoặc nguồn nước tưới thuận lợi, bà con đã xuống giống gieo trồng. Tính đến giữa tháng 6, toàn huyện đã xuống giống được 7.912 ha cây trồng các loại, đạt 81,2% kế hoạch. Trong đó, lúa nước gieo trồng được 1.686 ha, đạt 62% kế hoạch và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2014; lúa rẫy 200 ha, đạt 100% kế hoạch, bằng 74% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, bà con đã xuống giống 5.630 ha mì (đạt 100% kế hoạch), 165 ha rau màu và nhiều diện tích cây trồng khác.
Ngoài chịu tác động của tình hình thời tiết diễn biến thất thường thì một trong những nguyên nhân khiến năng suất lúa vụ mùa trên địa bàn huyện chưa đạt cao là do nông dân vẫn còn duy trì sản xuất các loại giống lúa rẫy. Việc sử dụng các giống lúa mới, cho năng suất và chất lượng cao như HT1 mới chỉ chiếm hơn phân nửa. Theo thống kê của ngành chức năng, năng suất trung bình của vụ mùa hàng năm của huyện thường duy trì ở mức 4,2 tấn/ha, lúa rẫy đạt dưới 1 tấn/ha, lúa nước 2-2,5 tấn/ha.
Bước vào vụ gieo trồng mới, nông dân trên địa bàn huyện Mang Yang phải đối mặt với một số khó khăn, đặc biệt là thiếu nguồn nước tưới. Đây là hậu quả của mùa khô hạn kéo dài và gây ảnh hưởng nặng nề nhất trong lịch sử 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi hiện có trên địa bàn huyện chỉ đủ phục vụ khoảng 35% diện tích lúa tại các cánh đồng lớn thuộc các xã như: Đak Jơ Ta, Ayun và xã Hà Ra. Huyện có hai hồ lớn là Hà Ra Bắc và Hà Ra Nam song chỉ phục vụ chủ yếu để tưới cho trên 300 ha cây trồng; sông Ayun và các sông, suối nhỏ khác có lượng nước ít, nhanh cạn làm hạn chế khả năng phát triển thủy lợi, cung cấp nước tưới cho địa phương. “Theo kế hoạch, đến giữa tháng 7 tới sẽ kết thúc lịch gieo trồng vụ mùa đối với các loại cây lương thực, cây trồng ngắn ngày song hiện tại còn gần 20% diện tích chưa thể xuống giống vì thiếu nước”-ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang cho biết.
Ông Cơ cho biết thêm, để việc xuống giống theo kịp thời vụ, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phổ biến lịch gieo trồng xuống các địa phương và người dân. Cụ thể, thời điểm thích hợp để gieo trồng lúa nước là cuối tháng 6 đến đầu tháng 7. Các loại cây công nghiệp như cà phê, bời lời… bắt đầu xuống giống từ tháng 7 khi lượng mưa đã đi vào quỹ đạo ổn định hơn, độ ẩm trong đất đủ để duy trì cây con.
Để hỗ trợ cho người dân thêm các kiến thức về canh tác hồ tiêu, cà phê, sắp tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang sẽ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Thủy lợi Nông Lâm nghiệp Gia Lai, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề về cây hồ tiêu và cây cà phê tại các xã Đak Yă, Đak Djrăng và thị trấn Kon Dơng. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo hệ thống thủy lợi trên địa bàn hoạt động hiệu quả, địa phương còn tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng các công trình thủy lợi để có giải pháp khắc phục, duy tu, sửa chữa trước mùa mưa năm nay.
Có thể bạn quan tâm

Theo đó, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao trên nền ao tôm nước lợ được áp dụng thí điểm diện tích là 6 ha của 15 hộ tại ấp Phạm Kiểu, xã Vĩnh Hiệp được Trung tâm Khuyến nông Sóc trăng hỗ trợ về giống, trạm khuyến nông thị xã hỗ trợ về kỷ thuật; đến nay lúa đã 50 ngày tuổi, phát triển tốt và đang nở bụi đẻ nhánh.

Tỷ lệ cho phép quả non và xanh của cà phê thu hoạch chỉ chiếm dưới 5%, tuy nhiên bằng mắt thường có thể thấy, tại Quảng Trị tỷ lệ này đã vượt 20%.

Những tháng đầu năm 2013, diện tích vườn cây ăn trái của huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) tiếp tục phát triển ổn định với trên 9.295ha, tăng 55ha so với cùng kỳ do nhiều bà con nông dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng vườn.

Chúng tôi tìm đến “vựa cam” ở bản Tân Hương, xã Yên Khê (Con Cuông), khác với không khí nhộn nhịp thu hoạch cam như mọi năm, thời điểm này đang là chính vụ thu hoạch nhưng khách vào mua cam vắng teo. Hai bên đường người trồng cam phải tự dựng các sạp để bán cam

Thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) có 1.200ha đất trồng khóm, trong đó, tập trung nhiều nhất là ở xã Hỏa Tiến với hơn 900ha. Năm nay, nông dân xử lý cho trái rải vụ chiếm hơn 55% diện tích canh tác.