Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ma Trận Thị Trường Cây Giống

Ma Trận Thị Trường Cây Giống
Ngày đăng: 26/06/2012

Thời điểm này, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang tìm về Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên (Đak Lak) để mua cây giống chuẩn bị trồng rừng, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. Tuy nhiên, bà con khó phân biệt đâu là cây giống thật đâu là cây giống giả, bởi hầu hết các cơ sở bán cây giống này đều mang chung một thương hiệu “Ea Kmat”.

Ở Tây Nguyên, lâu nay Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Phát triển Nông - Lâm nghiệp Ea Kmat (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên) được xem là cơ sở ươm và cung cấp giống các loại cây công nghiệp dài ngày có uy tín nhất (đáp ứng gần 50% nhu cầu cây giống cà phê cho các tỉnh Tây Nguyên).

Cụ thể năm 2012, Công ty ươm 2 tấn hạt giống cà phê (đủ trồng mới 2 ngàn ha cà phê), riêng tháng 6 vừa qua đã tiêu thụ được hơn 100 ngàn cây cà phê ghép, 100 ngàn cây cà phê thực sinh, 30 ngàn cây ca cao, hơn 30 ngàn cây hồ tiêu cùng hàng ngàn cây ăn trái khác.

Năm nay, do diện tích cà phê già cỗi cần tái canh trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên khá lớn, cộng thêm tình trạng phá rừng trồng cà phê nên nhu cầu giống cây cà phê đột ngột tăng cao. Do vậy, cây giống cà phê của Công ty Ea Kmat ươm, ghép đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thạc sĩ Trần Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Giống cây chủ lực lâu nay Công ty cung cấp cho nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn là cà phê. Ngoài ra, những năm gần đây do nhu cầu thị trường, nên Công ty cung cấp thêm một số cây trồng khác như ca cao, mac-ca, hồ tiêu và cây ăn trái…

Tuy nhiên, hiện nay đang có trên dưới 100 cơ sở, hộ cá thể trên địa bàn xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột nơi mà Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty Ea Kmat đứng chân đều mang thương hiệu của Công ty Ea Kmat. Điều này làm không ít người dân lầm tưởng đó là giống cây trồng được cung cấp bởi Công ty Ea Kmat.

Trong khi đó, các cơ sở này khi bán cây giống đều không xuất hóa đơn, chứng từ nên khi phát hiện giống cây kém chất lượng thì người dân cũng khó trong việc đòi bồi thường. Ông Lê Văn Sơn, ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đak Lak tìm mua giống cà phê thay thế cho vườn cà phê già cỗi của mình cho biết: “Tôi tính mua vài trăm cây cà phê vối có chất lượng về trồng thay thế số cà phê đã già cỗi ở nhà nhưng đến đây thấy cơ sở nào cũng mang tên Ea Kmat, chẳng biết đâu là thật đâu là giả… chẳng may mua phải giống dởm thì biết kêu ai”.

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Đak Lak cho biết: Trước đó, Sở cùng các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra định kỳ để thẩm định chất lượng giống cây trồng của các doanh nghiệp, cơ sở ươm và cung cấp giống nhưng thực chất chỉ kiểm tra được những đơn vị có giấy phép như Công ty Ea Kmat. Còn các cơ sở ươm, bán giống không phép, giống kém chất lượng thì khi có đoàn kiểm tra chủ cơ sở đã “nhanh tay” tháo biển, đóng cửa, nên đoàn không thể làm gì được.

Theo tính toán, chi phí cho việc trồng, chăm sóc 1 ha cà phê từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch lên đến hơn 100 triệu đồng. Vì vậy, trong trường hợp mua, trồng phải giống cây kém chất lượng thì thiệt hại sẽ rất lớn. Trước tình trạng trên, Viện đã nhiều lần khuyến cáo nông dân các tỉnh Tây Nguyên phải tìm hiểu kỹ trước khi mua giống, chọn những cơ sở cung cấp giống cây được cơ quan thẩm quyền cấp phép cũng như được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, cơ sở phải có vườn ươm, vườn chồi, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tư vấn…

Thiết nghĩ, để chấn chỉnh tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra đột xuất, phát hiện, xử lý nghiêm khắc những cơ sở ươm, bán cây giống trái phép. Mặt khác, phía nông dân và các doanh nghiệp cũng cần phải xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng khi mua giống cây trồng dài ngày, tránh ”tiền mất tật mang”.

Có thể bạn quan tâm

Người Đàn Ông Khmer Làm Giàu Nhờ Thả Rắn Trong Vườn Người Đàn Ông Khmer Làm Giàu Nhờ Thả Rắn Trong Vườn

Theo lời ông, hai vợ chồng trước đây chuyên sống bằng nghề ruộng rẫy nhưng gia đình lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Đã vậy, ông lại không may bị tai biến phải nằm viện suốt 1 năm trời nên khó khăn càng chồng chất. Sau khi khỏi bệnh, ông định tìm một việc gì nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe, nhưng tìm mãi vẫn không được.

10/12/2014
Xây Dựng Mô Hình Nuôi Thủy Sản Thâm Canh Ứng Dụng Công Nghệ Cao Xây Dựng Mô Hình Nuôi Thủy Sản Thâm Canh Ứng Dụng Công Nghệ Cao

Cụ thể, hiện nay tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là 30.840 ha (trong đó ao, hồ nhỏ là 6.706 ha, hồ chứa mặt nước lớn là 4.327 ha, ruộng trũng 19.807 ha…), ngoài ra còn một số con sông lớn như: sông Hồng, sông Bùi, sông Tích, sông Đáy… có khả năng phát triển nuôi cá lồng bè.

10/12/2014
Xuất Hiện Cá Bông Lau Trên Sông Xuất Hiện Cá Bông Lau Trên Sông

Ngư dân trong tỉnh An Giang đánh bắt được cá bông lau tại các bãi đánh trên sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao, báo hiệu mùa cá bông lau đã bắt đầu. Đầu vụ cá năm nay, ngư dân đánh bắt được nhiều cá lớn (từ 5 – 8kg/con), giá bán từ 250.000 – 270.000 đồng/kg.

10/12/2014
Ở Nơi “Nhân Giống” Hy Vọng Ở Nơi “Nhân Giống” Hy Vọng

Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (sau đây gọi tắt là Trạm Cát Tiến) thuộc Trung tâm Giống thủy sản (Sở NN-PTNT) Bình Định, là nơi chuyên sản xuất giống thủy sản nước lợ và nước mặn. Điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, công việc vất vả, nhưng các cán bộ của Trạm vẫn nỗ lực tạo nên những giống mới, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

10/12/2014
Đồng Tháp Chuyển Giao Kỹ Thuật Sản Xuất Và Ương Lươn Giống Đồng Tháp Chuyển Giao Kỹ Thuật Sản Xuất Và Ương Lươn Giống

Mô hình đã thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống và ương lươn giống theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thức ăn phù hợp, không sử dụng thuốc hóa học, góp phần giảm chi phí sản xuất, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người nuôi và môi trường xung quanh.

10/12/2014