Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lúng Túng Quản Lý Giống Cây Trồng

Lúng Túng Quản Lý Giống Cây Trồng
Ngày đăng: 19/11/2014

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, điều này tạo thách thức không nhỏ đối với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp Thủ đô.

Ngổn ngang khó khăn

Hà Nội có nhiều cơ quan nghiên cứu về giống cây trồng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng có uy tín đóng trên địa bàn nên rất thuận lợi về nguồn cung giống cây trồng năng suất, chất lượng tốt. Tuy nhiên, các giống lúa hiện nay thường bị quản lý độc quyền của tác giả hoặc của doanh nghiệp (DN) nên giá thành thường cao hơn giống lúa bình thường, ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ, địa bàn rộng, lực lượng cán bộ chuyên môn làm công tác giống cây trồng còn thiếu và mỏng nên nhiều địa phương đã bị ảnh hưởng bởi giống kém chất lượng khi đưa vào sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng Phòng trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) nhận định, mặc dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể về định hướng cơ cấu giống lúa và các giống cây màu cho từng vụ, song ở một số địa phương nông dân vẫn giữ thói quen tập quán canh tác cũ khi gieo cấy các giống lúa Khang dân, Q5… Đây là những giống lúa đã sử dụng từ 20 – 30 năm trước, bắt đầu có hiện tượng thoái hóa và chất lượng gạo kém. Khảo sát các vụ sản xuất những năm gần đây cho thấy, diện tích gieo cấy các giống lúa Khang dân, Q5 vẫn chiếm khá lớn (khoảng 30 – 40% trong cơ cấu giống). Về cơ cấu giống cây rau, màu, duy nhất chỉ các giống ngô lai F1 cho năng suất cao, còn lại các giống đậu tương, rau, lạc đều chưa có đột phá trong các vụ sản xuất.

Điều đáng nói là thời gian qua, tình trạng nhiều DN tùy tiện mang giống cây trồng giao thẳng xuống xã để tiếp thị, quảng cáo với nông dân mà không thông qua huyện diễn ra rất phổ biến. Bà Hoàng Thị Tuyết – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho hay, huyện đang rất lúng túng và gặp khó trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng bởi TP chưa có bất kỳ một quy chuẩn pháp lý nào về quản lý kinh doanh giống cây trồng để làm căn cứ xử lý các DN nói trên. Chính vì vậy, nhiều người dân đã mua phải giống cây trôi nổi, thiếu độ tin cậy về nguồn gốc, chất lượng và năng suất, gây thiệt hại lớn trong sản xuất. 

Sớm xây dựng quy chuẩn

Trước thực trạng trên, lãnh đạo các huyện, thị xã mong muốn TP sớm xây dựng quy chuẩn về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn Thủ đô. Cùng với đó, tổ chức nhiều hội thảo, hội chợ giống cây trồng để nâng cao trách nhiệm của các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nâng cao nhận thức của nông dân khi lựa chọn, sử dụng giống cây trồng.

Mặt khác, Sở phối hợp với các DN, đơn vị sản xuất cung ứng giống xuống huyện, xã, công bố danh mục các giống lúa mới được công nhận đưa vào sản xuất đại trà; thông tin bằng hình ảnh, clip quảng cáo, tờ rơi các loại giống mà TP định hướng đưa vào cơ cấu giống để tránh sự nhầm lẫn cho nông dân.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 109 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống. Do đó, nhằm tăng cường công tác quản lý giống cây trồng, TP đã ban hành 23 văn bản chỉ đạo về công tác giống gửi UBND các quận, huyện, thị xã; các đơn vị trực thuộc.

Sở NN&PTNT cũng thường xuyên phối hợp cới các ngành chức năng trong việc cấp mã số giống cây trồng, tiếp nhận công bố hợp quy của DN giống cây trồng. Tính đến hết tháng 9/2014, đã cấp mã số cho 5 tổ chức sản xuất, kinh doanh giống và tiếp nhận hợp quy của 3 DN giống cây trồng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm khẳng định, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ siết chặt quản lý về chất lượng giống cây trồng trên địa bàn TP bằng nhiều giải pháp. Để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, Sở tiếp tục rà soát các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

Cùng với đó, Sở tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất thử các giống cây trồng mới được công nhận trên địa bàn TP theo Quyết định 95/7007/QĐ – BNN của Bộ NN&PTNT về khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.                                                                          

Trong năm 2014, Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra 56 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn TP. Lực lượng kiểm tra đã tiến hành lấy 155 mẫu hạt giống để kiểm tra chất lượng, trong đó phân tích 120 mẫu hạt giống, phát hiện 7 mẫu không đạt chất lượng; Xử phạt vi phạm hành chính hơn 80 triệu đồng đối với 12 tổ chức, cá nhân vi phạm về kinh doanh giống cây trồng không có trong danh mục, sai nhãn hàng hóa, không đảm bảo chất lượng...

Nguồn bài viết: http://www.ktdt.vn/kinh-te/nong-thon-moi/2014/11/8102879D/lung-tung-quan-ly-giong-cay-trong/


Có thể bạn quan tâm

Tăng Cường Các Biện Pháp Diệt Rệp Sáp Bột Hồng Tăng Cường Các Biện Pháp Diệt Rệp Sáp Bột Hồng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, tính đến đầu tháng 7.2013, toàn tỉnh có 1.142,6ha/29.572ha mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Trong đó, phân theo mức độ hại như sau: 694,7ha nhiễm dưới 30%; 345ha nhiễm 30-70%; 102,9ha nhiễm trên 70%. Diện tích mì nhiễm rệp sáp bột hồng còn lại trên đồng là 1.095,6ha, trong đó có 648,7ha nhiễm dưới 30%; 344ha nhiễm 30-70%, 102,9ha nhiễm trên 70%.

27/07/2013
Người Nuôi Cá Chẽm Lao Đao Vì Bí Đầu Ra Người Nuôi Cá Chẽm Lao Đao Vì Bí Đầu Ra

Chỉ tính riêng số tiền mua thức ăn cho cá chẽm đã lớn nhưng chưa có người mua đã tốn của 100 hộ nuôi ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh số tiền khoảng 250 triệu đồng/ngày. Và không một ai biết được đến bao giờ mới bán được số cá nuôi trên.

27/07/2013
Hiệu Quả Từ Các Mô Hình Kinh Tế Trang Trại Hiệu Quả Từ Các Mô Hình Kinh Tế Trang Trại

Năm 2012 Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ triển khai mô hình trang trại vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) tại hai xã Ba Tiêu và Ba Vinh. Mô hình này đã giúp hộ gia đình biết quản lý, sử dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

27/07/2013
Đói vốn đóng tàu vỏ sắt Đói vốn đóng tàu vỏ sắt

Cty CP Dịch vụ kỹ thuật hậu cần nghề cá Biển Đông đang lập đề án vay vốn 776 tỷ đồng để đóng mới 33 tàu vỏ sắt.

08/07/2015
Bài Học Đắt Giá Từ Nuôi Chồn Nhung Đen Bài Học Đắt Giá Từ Nuôi Chồn Nhung Đen

“Giấc mơ” làm giàu từ chồn nhung đen của hàng chục hộ dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay thực sự đã kết thúc. Tiền mất, công sức bỏ ra “trôi xuống sông, xuống biển” và điều mà các hộ dân này nhận được là một bài học đắt giá. Đây cũng là vấn đề cần được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương nhìn nhận một cách toàn diện để đúc rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý công tác chăn nuôi hiện nay.

28/07/2013