Lùng sục mua cau bán sang Trung Quốc, giá cao chưa từng có

Ghi nhận của phóng viên tại các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, ngày nào cũng tấp nập người đi mua cau non.
Những trái cau non chỉ to bằng ngón chân cái đã bị người dân bán cho người thu mua cau với giá dao động từ 12.000 - 20.000 đồng/kg.
Ông Hồng - một người dân ở Tiên Phước, nhà có hai hàng cau, cho biết chưa năm nào, giá cau lại đắt như năm nay. Mấy năm trước, cau rẻ như bèo, có cho cũng không ai hái, để già rồi rụng đầy gốc.
“Năm nay, mới tháng 6 đã có người đi mua cau rồi. Họ toàn mua cau non, giá cao gấp 5 lần mọi năm. Hôm qua tôi hái hai cây được 50kg, bán với giá 15.000 đồng/kg. Mừng quá chú ạ!” - ông Hồng nói.
Cau non sau khi được sấy khô, chuẩn bị xuất bán sang Trung Quốc.
Tại cơ sở thu mua cau của ông L (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành), hàng chục công nhân hối hả bẻ trái cau từ buồng ra, cho vào lò sấy khô, phân loại. Ông L cho biết, cơ sở ông thu mua cau mấy chục năm nay, đa số mua cau non về sấy sau đó xuất bán sang thị trường Trung Quốc.
Đầu tháng 6 vừa rồi, ông mua đến 20.000 đồng/kg, nhưng nay hạ còn 15.000 đồng/kg do số lượng cau hiện quá nhiều. Bình quân mỗi ngày, ông L mua 20 tấn cau non.
Cứ 7kg cau non sấy khô còn 1kg, xuất bán sang Trung Quốc giá 115.000 đồng/kg. “Bình quân mỗi tháng tôi xuất bán sang Trung Quốc mấy chục tấn cau non sấy khô. Cứ mỗi tấn họ mua 115 triệu đồng. Đa số cau được Trung Quốc thu mua về chế biến thành kẹo” - ông L cho biết.
"Bình quân mỗi tháng tôi xuất bán sang Trung Quốc mấy chục tấn cau non sấy khô. Cứ mỗi tấn họ mua 115 triệu đồng. Đa số cau được Trung Quốc thu mua về chế biến thành kẹo”.
Ông L - chủ đại lý ở Tam Xuân
Ông L đưa bịch kẹo làm từ cau ra để chứng minh lời nói của mình. Theo quan sát, có hai loại kẹo làm bằng cau được đóng gói cẩn thận, đẹp mắt. Ông L mở gói kẹo cau ra cho chúng tôi ăn thử, kẹo thơm, có vị the the như kẹo bạc hà.
“Họ mua cau của mình về, sau đó sấy và nấu cho tan hết hạt nhân của cau ra ngấm vào xác cau, rồi ngâm với bạc hà để làm kẹo, nên có hương thơm như kẹo bạc hà. Mỗi gói kẹo khoảng chục miếng cau (trái bổ đôi), giá bán 50.000 đồng. Như vậy mỗi miếng kẹo cau 5.000 đồng” - ông L chia sẻ.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết:
“Cau không phải cây trồng chính nên sở không nắm được số liệu diện tích cụ thể. Việc thu mua cau non xuất hiện trên địa bàn thì sở đã nắm, nhưng chính do biến động về giá cả khó dự báo và cũng không phải cây trồng chi phối lớn trong thu nhập của nông dân, nên cứ để nông dân họ quyết định hái cau non, vì hái cau non cũng không ảnh hưởng hay hại gì đến cây cau”.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm gần đây, phong trào phụ nữ đầu tư chăn nuôi bò phát triển khá mạnh ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường (Tây Sơn - Bình Định). Ngoài cây lúa thì lợi nhuận từ nuôi bò là nguồn thu chính của nhiều hộ dân ở đây để trang trải cuộc sống.

Trong khi nhiều thôn, xã vẫn đang loay hoay việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại giá trị kinh tế cao nhất thì ở thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên - Tuyên Quang), lâu nay con lợn đã được định hình là con làm giàu của người dân trong thôn. Chuyện nuôi lợn tưởng như ở đâu cũng thế, nhưng có nghe người chăn nuôi kể chuyện mới thấy cũng lắm công phu.

Cây hồ tiêu xuất hiện ở Chư Đăng Ya-xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah (Gia Lai) từ năm 2008 với quy mô nhỏ lẻ và chính thức phát triển mạnh từ năm 2012 đến nay.

Mới vào đầu vụ thu hoạch điều nhưng người trồng điều đã cảm thấy bất an khi giá cứ giảm mỗi ngày. Đầu vụ, mỗi kilôgam điều giá 27 ngàn đồng thì khoảng 10 ngày sau chỉ còn 24-25 ngàn đồng. Giá điều tiếp tục giảm khiến nông dân nhấp nhổm như ngồi trên lửa.

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn về việc cấp kinh phí bổ sung gần 10 tỷ đồng cho 5 huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười nhằm hỗ trợ các khoản chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân có diện tích lúa đông xuân 2013-2014 bị dịch muỗi hành gây hại.