Lùng mua lợn nguyên lông giá cao gấp đôi để yên tâm thịt chuẩn

Chị Nguyễn Kiều Liên ở Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị bán thịt lợn đen, lợn bản đã được hơn 2 năm nay, với 4-5 con/tuần.
Nhưng khoảng nửa năm nay, khi giết lợn, thay vì làm lông sạch sẽ để miếng thịt nhìn trắng, ngon, hấp dẫn thì chị lại nhờ thợ chỉ làm sạch 3/4 lông của con lợn, còn lại 1/4 giữ nguyên sao cho đến lúc xẻ miếng thịt bán cho khách, trên đó vẫn còn nguyên một mảng lông đen xì.
Sở dĩ chị Liên phải nghĩ ra chiêu này là bởi gần đây rộ lên phong trào bán thịt lợn sạch, lợn bản, lợn đen,... các loại khiến khách hàng nghi ngờ: liệu đó có thật là lợn đen, lợn bản vùng núi Tây Bắc không, hay chỉ là chiêu quảng cáo bán hàng rồi tráo thịt lợn khác vào?
Bán thịt lợn vẫn còn nguyên lông đen xì đang trở thành mốt của các cửa hàng thực phẩm sạch.
“Mới đầu khách thấy lạ, tò mò hỏi tại sao lại để thịt còn nguyên lông như vậy, trông không được ngon mắt và đảm bảo vệ sinh cho lắm. Song, khi nghe tôi giải thích, họ đều gật gù đồng ý và cho đó là cách hay để không lo bị chủ hàng lừa nữa”, chị Liên chia sẻ.
Cũng theo chị Liên, từ ngày áp dụng chiêu thức bán thịt lợn còn nguyên lông đến nay, lượng người mua tin tưởng nhiều hơn, từ 60-70 khách hàng thân thiết nay tăng lên gần 100 khách.
Nhiều hôm khách đặt hàng đông, thịt còn không đủ bán. Ngoài ra, các mặt hàng khác như thịt gà ta chạy bộ, thịt bò quê,... nhờ đó cũng được khách đặt mua nhiều hơn vì tin tưởng cửa hàng không làm ăn gian lận.
Tương tự, anh Phạm Văn Tuyến ở Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho hay, thịt lợn đen với thịt lợn trắng dân nuôi khác nhau ở màu lông. Nếu làm sạch lông, chỉ có người trong nghề mới phân biệt được còn khách hàng thì chịu.
Các bà nội trợ khá thích thú khi mua loại thịt lợn vẫn còn nguyên lông này vì tin tưởng đó là thịt chuẩn.
Vì thế, các loại thịt như mông, vai, ba chỉ, chân giò, tai, đuôi,... khi xẻ ra đều được để lại một mảng lông đen cho mọi người kiểm chứng. Mảng lông này chẳng khác gì tem chống hàng giả, hàng nhái. Duy chỉ nạc thăn, sườn, nạc vai là không để lại được.
“Làm kiểu này nhìn miếng thịt có vẻ hơi mất vệ sinh nhưng khách hàng ai cũng ủng hộ vì mua được loại thịt lợn đen chuẩn”, anh Tuyến cho hay.
Thực tế, kiểu bán thịt lợn còn nguyên lông khá kỳ lạ này lại đang trở thành mốt, được rất nhiều cửa hàng chuyên về thịt lợn bản, lợn đen áp dụng, nhất là các cửa hàng bán thịt online. Nhờ đó, lượng khách cũng gia tăng đáng kể.
Thừa nhận chuyện trên, chị Nguyễn Thị Minh ở phố Yên Ninh (Ba Đình, Hà Nội) chuyên đặt mua thịt lợn còn nguyên mảng lông tại một cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám, nói rằng, trước gia đình cũng hay mua thịt lợn đen, lợn mán về ăn nhưng thi thoảng bị chủ hàng lừa bán thịt lợn thường. Giờ các cửa hàng rộ phong trào bán thịt còn lông, chị đi mua cũng dễ phân biệt hơn.
Theo chị Minh, khi nấu, chỉ cần đun ít nước sôi rồi đổ vào là làm sạch được lông, còn nếu đến cửa hàng mua trực tiếp thì có thể nhờ nhân viên cạo hộ, rất tiện.
Có thể bạn quan tâm

Vụ mùa năm nay, ngoài phần hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) trích ngân sách trợ giá thêm 18-20 nghìn đồng/kg thóc giống lúa lai.

Ông Đặng Quang Tiến, thôn 4, xã Sơn Mỹ (Hàm Tân - Bình Thuận) được coi là chủ trang trại chăn nuôi lớn ở địa phương này, hiện đang sở hữu 200 heo nái, 800 heo thịt và 100 heo nái hậu bị (chuẩn bị phối giống).

VASEP dự báo, nguồn cung tôm năm 2013 giảm so với 2012 do dịch bệnh tại Thái-lan và nhiều nước khác dẫn tới giá tôm sẽ giữ xu hướng tăng và ở mức cao trong sáu tháng cuối năm 2013. Nhờ đó, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam dự kiến sẽ tăng 9% lên 2,4 tỷ USD so với 2012.

Phần lớn các giống cá tầm trong nước hiện vẫn “nuôi chui” do giống cá tầm nhập từ nước ngoài về vẫn chưa được khảo, kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Đắk Nông thì đơn vị đang phối hợp với Trung tâm chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3 (Khánh Hòa) hỗ trợ xây dựng và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho 2 trang trại là trang trại Gia Trung, chuyên canh sầu riêng ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) và trang trại của bà Nguyễn Thị Hồng, chuyên canh quýt ở xã Quảng Khê (Đắk Glong).