Lừng Chừng Tôm Thẻ

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi được gần 35.500 ha tôm nước lợ, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng (TTCT) hơn 22.000 ha, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tỷ lệ tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại gần 13.000 ha do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy, chiếm hơn 36% diện tích thả nuôi, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Theo ngành nông nghiệp Sóc Trăng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm bị thiệt hại nặng là do không khí lạnh kéo dài vào những tháng đầu vụ rồi chuyển sang nắng gay gắt làm môi trường biến động, dịch bệnh phát sinh...
Cù Lao Dung vốn là huyện có diện tích mía lớn nhất của tỉnh, ổn định trên 8.000 ha. Tuy nhiên, trong năm nay, việc chuyển đổi diện tích mía sang nuôi tôm trở nên nóng hổi.
Nguyên nhân do giá mía quá thấp, nông dân không còn mặn mà, họ chuyển sang nuôi tôm với hy vọng đổi đời. Thành công từ những hộ nuôi đầu tiên đã kéo theo sự chuyển đổi ồ ạt của các hộ khác, với trên 1.000 ha; trong đó phần lớn diện tích TTCT.
Thế nhưng, giấc mộng đổi đời đã nhận phải một sự thật cay đắng. Giá TTCT giảm từ trên 140.000 đồng/kg (thời điểm năm cuối năm 2013) xuống còn 80.000 đồng/kg (loại 100 con/kg). Với giá bán thấp, cộng với thức ăn tăng, chi phí đầu tư cao, nên đa phần người nuôi ở Cù Lao Dung không có lãi, thậm chí lỗ vốn.
Tại các vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên, dù người dân lâu nay đã quen SX 1 vụ lúa - 1 vụ tôm trong năm và có nhiều bài học “cay đắng” khi nuôi tôm sú, nhưng sức hấp dẫn từ TTCT vẫn không thể cưỡng được họ. Dù chi phí đầu tư không hề rẻ, sự rủi ro không hề nhỏ, họ vẫn bất chấp, cứ lao vào nuôi TTCT.
Anh Huỳnh Sơn Minh ở ấp Đào Viên, xã Thạnh Quới đã chuyển gần 2.000 m2 đất sang nuôi TTCT. Do thiếu vốn và kinh nghiệm nên sau gần 2 tháng hy vọng, chỉ thu hoạch gần 600 kg, cộng với giá bán thấp, chỉ đạt 80.000 đ/kg, nên chỉ huề vốn.
Anh Huỳnh Sơn Minh chia sẻ: “Sau vụ này sẽ không nuôi tiếp nữa vì giá thấp quá, càng nuôi càng lỗ. Tạm thời đành phải treo ao đợi giá lên rồi mới tính tiếp”.
Cùng chung tâm trạng với anh Minh, hàng chục hộ dân trong ấp cũng đang thấp thỏm chờ giá tôm nhích dần lên. Nếu giá tôm không tăng thì số hộ treo ao sau vụ nuôi này sẽ càng đông. Hộ ông Huỳnh Văn Keo hết sức băn khoăn chưa biết nên thả tiếp hay treo ao.
Vụ nuôi đầu, ông Keo thu lãi trên 40 triệu đồng. Vụ thứ hai, giá tôm rớt nên ông có ý định không nuôi nữa. Giờ ông muốn nuôi lại tôm sú cũng khó, vì đất đã đào ao nuôi TTCT rồi.
Ông Võ Văn Bé, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết: “Các diện tích nuôi TTCT bị thiệt hại do thả giống dày; nhiều hộ nuôi chưa có kinh nghiệm. Tại các vùng mới phát sinh và mở rộng diện tích, người nuôi luôn gặp nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, chi phí đầu tư tăng cao, rủi ro cao”.
Giá tôm thấp, ao treo, nguồn nước không đảm bảo, thời tiết không thuận lợi đã làm cho người nuôi TTCT Sóc Trăng lưỡng lự trước khi thả nuôi vụ mới. Cái khó của nhiều người nuôi là nửa muốn quay lại nuôi tôm sú như trước vì giá tôm sú đang hấp dẫn; nửa muốn nuôi TTCT thêm vài vụ rồi mới quyết định sẽ nuôi con nào?
Có thể bạn quan tâm

Mùa biển động đang đến gần nên tàu cá của ngư dân Quảng Nam liên tục cập bờ bán hải sản rồi tranh thủ thời gian tiếp nhiên liệu ra khơi đánh bắt. Dọc theo các cầu cảng tư nhân đóng trên địa bàn xã Tam Quang (Núi Thành), không khí bán mua tấp nập.

Tái cơ cấu nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh đòi hỏi phải căn cứ vào các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển của trung ương, của tỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động nghề cá. Có vậy mới phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, thực hiện đúng kế hoạch và đem lại hiệu quả cao.

Điểm sáng nhất của xã Bình Phú vào thời điểm này là hạ tầng kinh tế được đầu tư đồng bộ. Giao thông nông thôn trên địa bàn đã được nhựa hóa và bê tông hóa, điện sinh hoạt cũng đã được phủ kín toàn xã... Hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ đã tạo “cú hích” để người dân Bình Phú tập trung phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.

Chỉ còn 2 tuần nữa, lúa hè thu sẽ chính thức bước vào vụ thu hoạch. Thế nhưng hiện giờ, hàng loạt diện tích lúa ở huyện Nghĩa Hành có nguy cơ thất thu, thậm chí mất trắng do bị dịch hại đột ngột tấn công ở giai đoạn cuối…

Trong bản báo cáo tuần trước của đoàn kiểm tra cho biết, đoàn đã hoàn thành việc kiểm tra 90% số kho dự trữ toàn quốc, đã phát hiện ra gần 3 triệu tấn gạo bị hư hỏng nặng không dùng được cho người nhưng có thể dùng cho các mục đích khác như sản xuất ethanol, làm thức ăn chăn nuôi hoặc các ngành công nghiệp khác.