Lúa VN 121 cho lãi ròng cao

Kết quả cho thấy, đây là giống lúa chống chịu sâu bệnh khá, TGST ngắn đã tiết kiệm được công chăm sóc và phân bón nên đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với lúa thường.
Trong vụ HT, Cty CP Giống cây trồng miền Nam tiến hành SX giống lúa VN 121 tại xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành; xã Bình Quý, Bình Tú, huyện Thăng Bình, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn; xã Duy Phước, Duy Sơn, Duy Hòa, thị trấn Nam, huyện Duy Xuyên; xã Điện An, Điện Phong, thị xã Điện Bàn và xã Đại Cường, Đại Quang, huyện Đại Lộc với diện tích 40 ha.
Kết quả tại các điểm trình diễn cho thấy, tổng chi phí đầu tư cho một sào lúa VN 121 hết hơn 1,1 triệu đồng, trong khi đó thu về 345 kg lúa khô/sào, cho khoản thu gần 1,9 triệu đồng. Còn đối với các lúa thường, chi phí hết 1,2 triệu đồng nhưng thu được 290 kg/sào, cho thu 1,6 triệu đồng. Tính ra, lúa VN 121 thu lãi ròng 700.000 đ/sào, còn lúa thường đạt 327.000 đồng/sào.
Ông Thân Văn Thành, thôn Bằng An Đông, xã Điện An, thị xã Điện Bàn cho biết: Đây là vụ thứ hai liên tiếp, ông SX giống lúa VN 121. Trong vụ ĐX, khi HTX NN Điện An 1 đưa giống lúa về liên kết SX lúa giống, do mới vụ đầu nên kỹ thuật canh tác chưa cao nên năng suất không đạt như ý muốn. Rút kinh nghiệm từ vụ trước nên vụ HT năng suất đạt cao, trung bình từ 3,5-4 tạ/sào (7-8 tấn/ha).
Theo ông Thành, từ đầu vụ HT, khi bà con gieo sạ thì gặp nắng nóng kéo dài, nên hạt giống mới sạ xuống bị hư hỏng một ít. Thế nhưng đến lúc đẻ nhánh thì rất khỏe, khiến mật độ cây lúa trên ruộng đảm bảo. Cũng trong vụ HT hạn hán xảy ra, ruộng đồng thường xuyên thiếu nước vậy mà VN 121 vẫn sinh trưởng phát triển khỏe.
“Sản phẩm làm ra được Cty bao tiêu, với giá cao hơn giá thị trường 20%. Do đó nâng cao thu nhập của bà con. Ngoài diện tích 30 ha SX tại cánh đồng Dây Tam, Dây Đập thì bà con trong thôn thấy loại lúa này dễ trồng và mua về SX hơn 10 ha”, ông Thành nói.
Ông Lê Văn Thống, thôn Câu Phi Đông, xã Điện An, SX 2 sào VN 121 đang thuê người khử lẫn tại ruộng chia sẻ: “Thời điểm lúa đang trổ thì liên tiếp gặp mưa, đến lúc lúa chín thì gặp giông lốc, tôi tưởng vụ này trắng tay, ai ngờ ruộng lúa đã vượt qua. Tỷ lệ hạt lép không có trên bông, nó chịu mưa tốt thật. Còn 7 ngày nữa thu hoạch, để đảm bảo chất lượng giống lúa bán cho Cty, tôi thuê người khử lẫn trong 1-2 ngày là hết”.
Điều đặc biệt, trong vụ ĐX ngoài bán cho Cty, nhiều hộ dân sử dụng gạo ăn nhưng chất lượng miễn chê. “Đặc điểm là cơm mềm, thơm nhẹ. VN 121 đáp ứng được yêu cầu đạt năng suất và chất lượng, nên người dân thích gieo trồng. Đặc biệt, trong vụ HT, những năm qua thời tiết thay đổi bất thường, nhiều giống lúa bị ảnh hưởng thời tiết nên tỷ lệ lem lép, đổ ngã cao dẫn đến năng suất thấp, nhưng VN 121 đáp ứng được những nhược điểm đó. Do vậy rất thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào thu hoạch”, ông Thống nói.
Ông Phan Tấn Hai, Phó GĐ Chi nhánh miền Trung, Cty CP Giống cây trồng miền Nam cho biết: Giống lúa thuần VN 121 do TS Đào Minh Sô, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam là tác giả chính. Giống được chọn tạo và phóng thích từ năm 2009, được Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT cấp bằng bảo hộ năm 2013. Đây là giống lúa có tích chống chịu với hạn, phèn và đối tượng hại chính như rầy nâu, đạo ôn, bạc lá nhất so với những giống cho gạo ngon cùng phẩm chất.
“Tại miền Trung, VN 121 có TGST vụ ĐX 105-110 ngày, vụ HT từ 85-90 ngày, cây cao từ 85-90 cm, sinh trưởng khá, cứng cây, ít đổ ngã, tỷ lệ hạt chắc cao, hạt dài, cơm ngon, mềm, thơm nhẹ. VN 121 thích hợp với hai vụ/năm”.
Có thể bạn quan tâm

Tái cơ cấu nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh đòi hỏi phải căn cứ vào các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển của trung ương, của tỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động nghề cá. Có vậy mới phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, thực hiện đúng kế hoạch và đem lại hiệu quả cao.

Điểm sáng nhất của xã Bình Phú vào thời điểm này là hạ tầng kinh tế được đầu tư đồng bộ. Giao thông nông thôn trên địa bàn đã được nhựa hóa và bê tông hóa, điện sinh hoạt cũng đã được phủ kín toàn xã... Hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ đã tạo “cú hích” để người dân Bình Phú tập trung phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.

Chỉ còn 2 tuần nữa, lúa hè thu sẽ chính thức bước vào vụ thu hoạch. Thế nhưng hiện giờ, hàng loạt diện tích lúa ở huyện Nghĩa Hành có nguy cơ thất thu, thậm chí mất trắng do bị dịch hại đột ngột tấn công ở giai đoạn cuối…

Trong bản báo cáo tuần trước của đoàn kiểm tra cho biết, đoàn đã hoàn thành việc kiểm tra 90% số kho dự trữ toàn quốc, đã phát hiện ra gần 3 triệu tấn gạo bị hư hỏng nặng không dùng được cho người nhưng có thể dùng cho các mục đích khác như sản xuất ethanol, làm thức ăn chăn nuôi hoặc các ngành công nghiệp khác.

Ca cao trồng ở Việt Nam, đặc biệt tại Bến Tre, được các nhà nhập khẩu đánh giá là cho trái có chất lượng tốt hàng đầu thế giới. Lúc cao điểm, năm 2012, diện tích ca cao của Bến Tre lên đến 10.600ha.