Lúa thu đông thiệt kép

Khó thêm khó
Mưa liên tục xuất hiện nhiều trong ba ngày gần đây khiến đồng lúa Cà Mau bị ngập nặng. Không chịu nỗi gió lớn, lúa nằm rạp dưới chân ruộng, ngâm hạt trong nước mưa.
Cũng vì vậy mà 20 công đất trồng lúa của gia đình bà Nguyễn Hồng Nhi, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, bị sập gần phân nửa. Bà đã cầu cứu chủ máy gặt đập liên hợp, nhưng họ hồi âm thẳng thừng:
"Lúa bị sập quá nặng không cắt bằng máy được".
Bà Nhi cũng tìm cánh thợ gặt tay và ra mức giá từ 500 - 700 ngàn đồng mỗi công (tùy lúa sập ít sập nhiều) nhưng họ từ chối. "Giờ cũng chẳng biết sao. Chỉ mong mau hết mưa để còn cứu vãn tình thế" - bà Nhi nói.
Nhà nông Cà Mau hối hả thu hoạch và vận chuyển lúa hè thu né mưa giông.
Đồng lúa 13 công của gia đình bà Trương Thị Phi ngụ ấp Bình Minh I, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời vừa thu hoạch xong nhờ quen thân với cánh thợ gặt thuê gần nhà. Chưa kịp mừng, bà Phi lại lo vì thương lái bỏ luôn tiền đã đặt cọc, không mua lúa.
Bà Phi muốn trữ lúa chờ giá nhưng không được vì mưa dầm liên tục. Bà Phi cho biết:
"Hơn nửa tháng trước, hàng xáo tới tận nhà đặt cọc một triệu đồng, hứa mua lúa giá 4.400 đồng/kg và đưa 200 cái bao để đựng lúa. Nhưng thu hoạch xong, họ không mua lúa của tôi, nói lúa sập, giảm chất lượng".
Tình trạng lúa sập vì thiên tai xảy ra hầu khắp các xã ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và U Minh. Chia sẻ khó khăn của nhà nông địa phương, ngay cuộc họp khẩn trong sáng 15-9, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cử các đoàn cán bộ trực tiếp xuống cơ sở rà soát thiệt hại, hướng dẫn nông dân và huy động các phương tiện, máy bơm hiện có để tháo nước chống úng, giảm thiệt hại cho đồng lúa.
Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết:
"Vụ lúa thu đông này, nông dân đối mặt nhiều khó khăn do giá lúa xuống thấp, có nơi chỉ còn khoảng 3.800 đồng/kg. Thêm vào đó, mưa liên tục những ngày gần đây kéo theo đó là tình trạng khan hiếm nhân công dù giá gặt thủ công đã tăng cao". Trong tình thế khó khăn này, nhiều nông hộ tự vận động gặt "dằn công" cho nhau, mong thu hoạch sớm để lúa giảm hư hao.
Nông dân thiệt kép
Vụ thu đông 2015, toàn tỉnh Cà Mau gieo trồng hơn 35.000 ha, chủ yếu các giống có năng suất, chất lượng cao, như: OM 2517, OM 2395, OM 9921,…
Đến nay, khoảng 30 - 40% trà lúa đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 30 - 35 giạ mỗi công (khoảng 6 tấn/ha). Nhà nông địa phương cho hay, với giá 4.100 đồng/kg, năng suất 30 giạ/công thì trừ mọi chi phí, người trồng lúa hòa vốn.
Còn những nông hộ có lúa bị sập vì thiên tai, năng suất thấp cầm chắc lỗ vốn. Nhà nông Nguyễn Văn Minh ngụ ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình có 18 công đất trồng lúa, cho biết: "Vụ này nông dân trồng lúa chịu thiệt kép. Bởi lúa năng suất không cao, cộng thêm chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu rồi gặt, kéo… cái gì cũng tăng. Trong khi giá lúa đã giảm nhưng gặt xong rồi mà thương lái lại không chịu mua".
Cánh gặt thuê ở Cà Mau được dịp thiên tai đẩy giá công gặt lên cao nhưng không thể cung ứng đủ nhân công cho những đồng lúa sập. Ông Trần Quốc Trạng, một chủ máy gặt đập liên hợp cho biết: Lúa sập nhẹ có thể gặt bằng máy nhưng chỉ thu được tám đến chín bao mỗi công (một bao khoảng hai giạ) trong khi nếu gặt bằng tay thu được khoảng 15 bao.
Cánh hàng xáo vì lúa sập, phẩm chất xuống thấp giảm giá thu mua lúa của nhà nông. Theo hàng xáo Lâm Văn Liền có ghe mua lúa ở miệt Tân Phú, huyện Thới Bình, cùng kỳ năm 2014 vào mua lúa trên địa bàn huyện Thới Bình thường đặt cọc giá từ 4.500 - 4.800 đồng/kg. Nhưng năm nay chỉ dám đặt cọc cỡ 4.200 - 4.500 đồng/kg.
"Nhà máy nói xuất khẩu gặp khó, giảm giá. Nhưng tới ngày thu hoạch, tôi không dám mua theo giá đặt cọc nữa, giảm xuống chỉ còn 3.800 đồng/kg vì lúa quá xấu, mua giá cũ sẽ lỗ vốn"- anh Liền nói. Còn bà Lý Thị Tuyết, thương lái mua lúa ở Cà Mau đến từ tỉnh Hậu Giang, khẳng định: "Thà bỏ tiền đặt cọc chứ lúa chất lượng thấp mà mua giá cao thì càng mua nhiều càng lỗ".
Dù giá lúa giảm sâu nhưng nhà nông không thể cầm lâu chờ giá. Bởi người trồng lúa cần vốn để trả tiền nhân công, tiền vật tư nông nghiệp. Song, không phải nông hộ nào thu hoạch xong cũng bán được lúa dù ở mức thấp hơn dự tính. Những nông hộ có đồng lúa đang hứng chịu mưa bão còn thê thảm hơn vì đang rất lo thành quả vụ lúa thu đông này không khéo sẽ như "công dã tràng" vì mưa dầm.
"Sau khi rà soát thiệt hại lúa do thiên tai, Sở NN&PTNT sẽ đề xuất lãnh đạo tỉnh Cà Mau có hướng hỗ trợ nhà nông theo quy định", Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm khá lớn và chiếm tỷ lệ cao so với các địa phương khác trong cả nước. Trong khi đó, các hồ nuôi tôm chủ yếu đều sử dụng động cơ điện và tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn. Trước thực trạng đó, được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Carbon Trust (Anh Quốc), Sở Công thương đã triển khai dự án "Tăng cường năng lực về lập kế hoạch năng lượng bền vững ở miền Trung" (CESEP) tại vùng nuôi tôm cao triều xã Quảng Công (Quảng Điền).

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phổ biến rộng rãi hai biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật - “gieo sạ đồng loạt, né rầy” và “gieo mạ mùng”.

Những năm gần đây, trong khi nhãn da bò bị bệnh chổi rồng tấn công gây hại, khiến hầu hết các chủ vườn trồng nhãn da bò lao đao thì tại xã An Hiệp, Châu Thành (Đồng Tháp) một số nhà vườn đã làm giàu nhờ trồng giống nhãn Idor.

Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của ngành nông nghiệp trong năm 2013, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang thực hiện dự án “Ứng dụng hệ thống chất lượng xây dựng vùng sản xuất nhãn xuồng cơm vàng” tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, người nuôi cá và các ngành chức năng đang bối rối khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố phán quyết cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 8 (POR8) đối với mặt hàng cá tra philê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ 1-8-2010 đến 31-7-2011. Theo đó, mức thuế tăng rất cao khiến cá tra Việt Nam khó có thể xuất khẩu được vào thị trường Mỹ.