Lúa Thảo Dược VH1 Được Bao Tiêu Cả Hạt Lẫn Rơm

Sáng 19-5, Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Trần Đức Tài cho biết, giống lúa thảo dược VH1 do Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa làm thí điểm tại địa phương, được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ hạt lúa đến rơm rạ với giá khá cao.
Theo đó, vụ đông xuân 2013-2014 tại HTX Lộc Hạ, xã An Thủy, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa (Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An) phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương sản xuất thí điểm 35 ha lúa thảo dược VH1 (còn gọi là lúa tím) theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. 124 hộ nông dân tham gia sản xuất giống lúa tím này.
Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư phân bón và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch đối với toàn bộ diện tích.
Hội thảo đầu bờ do doanh nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức mới đây cho thấy, giống lúa VH1 đạt năng suất 60 tạ/ha. Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá 8.500 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân lãi được hơn 1,5 triệu đồng/sào (tương đương hơn 30 triệu đồng/ha), cao hơn so với sản xuất đại trà bốn triệu đồng/ha.
Ngoài ra, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa thu mua toàn bộ rơm rạ với giá 800 nghìn đồng/sào.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, Phan Văn Khoa, đây là lần đầu tiên Quảng Bình trồng thử giống lúa thảo dược, bước đầu cho thấy hiệu quả cao hơn hẳn các giống lúa thường.
Từ thành công của mô hình, có thể nhân rộng việc trồng lúa thảo dược trên cánh đồng mẫu lớn của các địa phương, nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Được biết, giống lúa VH1 do ông Phan Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH khoa học và công nghệ Vĩnh Hòa lai tạo. Ưu điểm của giống lúa này là cho sản phẩm gạo bảo đảm chất lượng, giàu chất xơ, omega 3, omega 6, canxi, giúp phòng chống ung thư, loãng xương và các bệnh về tim mạch, đặc biệt tốt cho người thừa cân.
Có thể bạn quan tâm

Theo các tiểu thương chuyên cung cấp cá tại chợ đầu mối Hóa An (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), hiện giá các loại cá nước ngọt đang biến động mạnh.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế chuyến biển, nhiều ngư dân rất cần nâng cấp hầm bảo quản trên tàu cá để giảm tổn thất sau khai thác, tuy nhiên chi phí nâng cấp hầm bảo quản khá lớn.

Lươn là loài da trơn sống gắn liền với bùn đất. Thế nhưng thời gian gần đây, một số hộ nông dân ở xã Liên Hoà đã tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi lươn trong bể xi măng không có bùn. Đây là một mô hình kinh tế nhằm giúp nông dân tăng thu nhập gia đình...

Theo các thương lái mua bán thủy sản khu vực biên giới tỉnh, bình quân mỗi ngày có trên 200 tấn cá nuôi ở An Giang được xuất qua cửa khẩu, tiêu thụ tại thị trường Campuchia, tăng gấp đôi so năm 2014.

Mấy ngày qua, gia đình ông Hồ Phú Sâm, ở thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) phải thuê người vớt cá điêu hồng gần thu hoạch bị chết tại bè nuôi cá trên sông Cu Đê để tiêu hủy.