Lúa Rớt Giá Mùa Giáp Hạt, Thị Trường Trung Quốc Án Binh Bất Động!

Thị trường lúa gạo vùng ĐBSCL rơi vào trạng thái trầm lắng. Nhiều kho của các DN không còn đẩy mạnh thu mua.
Bên ngoài, lúa thơm lài từ Campuchia chở qua bán cũng ế ẩm vì gặp cảnh dội chợ, hoàn toàn trái với dự đoán khi vào mùa giáp hạt.
Lúa giảm giá bất thường
Ở ĐBSCL có 3 vụ lúa chính ĐX, HT và TĐ. Còn lại vụ lúa mùa ở địa phương vùng ven biển diện tích và sản lượng không đáng kể. Đến cuối tháng 9, lúa TĐ thu hoạch xong, các vụ lúa chính trong năm kết thúc và phải chờ đến 3 tháng sau vụ lúa ĐX mới thu hoạch. Trong khoảng thời gian này lượng lúa trong vùng không còn nhiều nên thường gọi là mùa giáp hạt và lúa gạo bán ra rất ít khi giảm giá.
Tuy nhiên, nếu như hồi đầu vụ thu hoạch lúa TĐ 2014 nông dân bán lúa tươi hạt dài 5.500-5.600 đồng/kg, thì đến cuối vụ giá lại chỉ còn 5.200 đồng/kg. Trong hơn một tuần qua giá lúa gạo hạ rất nhanh. Theo các DN xuất khẩu gạo tại Cần Thơ, phần lớn các hợp đồng xuất khẩu gạo số lượng lớn trong năm đã hoàn tất.
Trong khi chưa có nhiều hợp đồng xuất khẩu mới, DN không vội mua. Thêm nữa, thông tin từ thị trường xuất khẩu gạo Thái Lan đang bán giá cạnh tranh để đẩy hàng tồn kho. Còn xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc gần như bất động, thương lái từ Hải Phòng không thấy về ĐBSCL thu mua. Vậy là lúa rớt giá.
Lượng lúa hàng hóa còn tồn đọng phần nhiều là của thương lái và các chủ nhà máy xay xát đang chờ giá chưa kịp bán ra. Hiện nay gạo nguyên liệu xô IR50404 giá 6.900-7.000 đ/kg, gạo trắng thành phẩm còn 8.000-8.100 đ/kg, đều giảm 500 đ/kg so tuần trước. Tình hình này kéo giá lúa thơm Jasmine 85 rớt từ 7.400-7.500 đồng/kg xuống 7.000 đ/kg vẫn không có DN thu mua.
Trong khi đó một số thương lái chạy ghe lên vùng biên giới giáp Campuchia mua thơm lài chở về khu vực Thốt Nốt (Cần Thơ), cho biết giá lúa tươi 6.300 đ/kg, lúa khô 7.050 đ/kg sau khi chế biến thành phẩm gạo thơm lài 11.500 đ/kg và mua bán lẻ tại chợ khoảng 13.000 đ/kg, giảm 1.000 đ/kg so năm 2013.
Đây là một trong những mặt hàng gạo thơm rất hút hàng. Hằng năm bạn hàng trong vùng đón mua lúa từ Campuchia về chế biến đóng gói đón mùa bán gạo Tết. Thế nhưng năm nay đến thơm lài cũng rớt giá, vì giới kinh doanh gạo chợ nội địa còn tồn kho nhiều, thậm chí có một DN tại An Giang hiện còn tồn kho 25 tấn từ hồi năm trước đến nay chưa bán hết.
Đón mua lúa ngoại giá rẻ
Trong số thương lái chạy ghe lên vùng biên mua lúa Campuchia bán qua, ông Trần Văn Thơm - thương lái ở Hậu Giang, nói: Lúc này lúa trên đồng không còn, nông dân đã bán hết. Lúa bên đồng Campuchia mới đang vào mùa. Cùng với một nhóm thương lái, tôi cho ghe chạy lên Tịnh Biên (An Giang) mua 25 tấn lúa/chuyến, bình quân mỗi chuyến đi 3-4 ngày, về xay làm gạo đặc sản bán chợ nội địa, lãi gần 10 triệu đồng. Hiện nay nhiều thương lái chủ yếu mua các giống lúa đặc sản của Campuchia như lúa sóc, thần nông, giá chỉ khoảng 5.000-5.200 đ/kg.
Theo dân thương lái lúa gạo, lúa Campuchia đang vào vụ thu hoạch, kéo dài đến Tết. Do vậy nếu ở ĐBSCL lúa có giá cao số lượng lúa bán qua càng nhiều hoặc đôi khi lúa thị trường Thái Lan có giá cao hơn thì lúa Campuchia đổ về bên Thái.
Tại khu vực biên giới Tịnh Biên (An Giang), hằng ngày lúa từ Campuchia được xe ô tô trọng tải lớn chở qua tập kết hàng tại cụm nhà kho tại bến lúa 21 ở xã An Nông, huyện Tịnh Biên. Bến lúa này hoạt động mạnh nhất trong 6 tháng mùa khô, ước có hàng trăm tấn lúa mỗi ngày mua bán qua lại từ bạn hàng Campuchia bán cho thương lái Việt trong vùng.
Ông Dương Quốc Nếu, chủ một vựa lúa ở bến lúa 21, cho biết: Sau khi nước lũ thượng nguồn bắt đầu rút, lúa bên đồng Campuchia thu hoạch rộ thì bến lúa này bắt đầu hoạt động. Đến nay gần một tháng, tại kho của tôi thu mua khoảng 100 tấn/ngày, chủ yếu lúa thơm lài, lúa sóc và lúa thần nông.
Lượng lúa vừa mua vào kho đã có nghe bạn hàng trong nước đến sang tay trong ngày. Hiện nay lượng lúa Campuchia chở qua chưa nhiều, do mới vào mùa và một phần phụ thuộc yếu tố giá cả.
Trong khoảng một tháng sắp tới lúa Campuchia thu hoạch rộ, khả năng giá còn giảm, đây là cơ hội mua lúa thơm giá rẻ dự trữ chờ Tết.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/lua-rot-gia-mua-giap-hat-thi-truong-trung-quoc-an-binh-bat-dong-post135482.html
Có thể bạn quan tâm

Vũ Muộn là xã vùng cao của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao cùng sinh sống. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi vài năm trở lại đây nhân dân đã tập trung phát triển đàn dê núi rất hiệu quả. Nghề nuôi dê ở Vũ Muộn đã và đang trở thành mũi nhọn, đem lại thu nhập cao cho nông dân…
Từ xuất phát điểm là một hộ gia đình khó khăn, sau hơn 10 năm phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, gia đình anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1972, ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đã sở hữu 30 cây nhãn giống mới, gần 1 mẫu ao, 150 con lợn nái và hàng nghìn con lợn thịt được nuôi trong hệ thống “chuồng lạnh” khép kín, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nuôi bò và dê ngày càng phát triển rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước do mang lại hiệu quả kinh tế và được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, vùng đồng bào Xêtiêng ở khu phố Đông Phất, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, nuôi trâu lại là thói quen nhiều đời và góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống của họ.

Từng là hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại thủ đô, rồi là nhân viên của Tập đoàn Mobifone, nhưng trong tâm khảm của anh Phạm Văn Nhật (xóm 4, xã Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn canh cánh mong ước làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Rời xa chốn phồn hoa đô hội, anh Phạm Văn Nhật đã trở về mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, xây dựng trang trại chăn nuôi, nuôi chí làm giàu.

Với quy trình nuôi đơn giản, không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, nhu cầu thị trường rất lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi chim bồ câu đã được khẳng định, đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu kết hợp với gia cầm của gia đình thương binh Phí Văn Chắc (thôn Phú Bắc, xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đang cho thu nhập ổn định 150 triệu đồng/năm.