Lúa Mùa Ở Đạo Đức Thiệt Hại Lớn Do Rầy Nâu Và Thiên Tai

Những cánh đồng lúa mùa ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên) đang vào mùa gặt, thế nhưng nhiều hộ gia đình trong xã không khỏi lo lắng khi nhiều diện tích lúa có khả năng bị mất trắng hoặc giảm năng suất đáng kể do rầy nâu gây hại và ngập úng do mưa lớn và gió giật ảnh hưởng từ hoàn lưu Bão số 3 trong ngày 17, 18.9 vừa qua.
Vụ Mùa năm nay, xã Đạo Đức gieo cấy 173 ha lúa, một số trà chín sớm đang được bà con khẩn trương thu hoạch. Trái với những vụ trước, trên khuôn mặt những người nông dân nơi đây không nở những nụ cười mà thay vào đó là những ưu tư, lo lắng bởi trong những diện tích lúa đang được thu hoạch, có không ít thửa ruộng phải gặt mà không thu được thóc do rầy nâu đã làm “cháy” cả ruộng.
Cầm những bó lúa vừa gặt trên tay, cô Trần Thị Hồng, thôn Làng Nùng thở dài: “Chưa năm nào rầy nâu lại nhiều như năm nay, dù phun thuốc nhiều lắm nhưng vẫn không hết rầy. Các anh thấy đấy, cả ruộng lúa thì có đến một nửa bị mất trắng vì “cháy” rầy, nửa còn lại thì cũng chẳng được mấy thóc mà ăn”.
Cùng hoàn cảnh bị ảnh hưởng của rầy nhưng thiệt hại nặng nề hơn cả là gia đình ông Lý Văn Thông, thôn Bản Bang và Nông Văn Bách thôn Bình Vàng với hơn 2.000m2 lúa bị mất trắng. Ông Thông lo lắng: “Cả vụ chỉ được vài bao thóc thế này, đến tháng giáp hạt không biết lấy gì mà ăn đây”.
Theo rà soát sơ bộ của xã Đạo Đức, có trên 12 ha diện tích lúa mùa của xã bị ảnh hưởng do rầy phá hại và có hơn 1 ha bị mất trắng, tập trung chủ yếu ở các thôn Bản Bang, Bình Vàng, Làng Khẻn, Làng Nùng. Anh Nguyễn Xuân Tình, cán bộ khuyến nông xã Đạo Đức cho biết: Khi phát hiện có rầy xuất hiện trên lúa, xã đã hướng dẫn, vận động bà con nông dân sử dụng các loại thuốc trừ rầy như Bassa 50 EC, Basa 50 ND... phun thành 2 đợt trên diện tích bị nhiễm.
Đối với diện tích bị nhiễm nặng, lưu ý các hộ cần tăng gấp đôi liều lượng thuốc, rạch hàng lúa để phun, phun tập trung vào gốc lúa, chỉ phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Sau các đợt phun, rầy nâu đã được khống chế và giảm dưới mức gây hại, tuy nhiên, một số diện tích mất trắng do người dân chủ quan, phát hiện muộn nên không thể cứu được lúa.
Ngoài diện tích lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng do rầy, hoàn lưu Bão số 3 đã gây mưa to, gió giật từ đêm 16 đến sáng 18.9 khiến hơn 29 ha lúa mùa đang thời kỳ phơi màu chuẩn bị thu hoạch bị ngập úng; 6,1 ha ngô và hơn 2 ha rau các loại bị ngập úng hơn 24h, làm cây lúa bị rạp, đổ, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa, ngô của Đạo Đức trong vụ này, anh Tình cho biết thêm.
Chủ tịch UBND xã Đạo Đức, Lê Đình Trung chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên xã Đạo Đức bị ảnh hưởng nặng của rầy nâu và thiên tai như vậy.
Trước tình hình đó, để tránh “trắng đồng” gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con trong những tháng giáp hạt tới, xã đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chủ động gặt lúa với những diện tích ảnh hưởng nặng của rầy và ngập úng.
Có thể thấy, nếu như dịch rầy nâu được người dân phát hiện sớm và có hướng tiêu diệt kịp thời, chắc chắn sẽ không thiệt hại nhiều như hiện nay.
Điều này là lời cảnh báo đối với bà con nông dân và cán bộ khuyến nông thôn, xã cần thường xuyên kiểm tra dịch bệnh, sâu hại lúa trong suốt quá trình sinh trưởng của cây để có hướng bảo vệ, tránh thiệt hại lớn đến năng suất, sản lượng lương thực của người dân.
Với những thiệt hại do dịch bệnh và thiên tai xảy ra ở Đạo Đức trong vụ mùa này, lãnh đạo xã Đạo Đức và nhất là bà con nơi đây mong muốn huyện, tỉnh có thể hỗ trợ một phần nào đó đối với những diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại, nhất là đối với những hộ bị chịu thiệt hại nặng như gia đình ông Lý Văn Thông, thôn Bản Bang và Nông Văn Bách thôn Bình Vàng...
Có thể bạn quan tâm

Ổn định diện tích cây ăn quả, tập trung cải tạo vườn tạp, đưa giống mới năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất - Đó là hướng phát triển cây ăn quả ở Mường La (Sơn La) trong những năm gần đây, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) hiện có 71ha đất liếp được nông dân trồng chuyên canh mãng cầu xiêm, trong đó có 28ha trồng mới, số còn lại đang trong giai đoạn cho trái. Trồng mãng cầu nhẹ chi phí và công chăm sóc nhưng thu nhập khá cao.

Với tổng diện tích tự nhiên gần 2.092 ha, trong đó có gần 1.457 ha đất nông nghiệp, An Hải là một trong 3 xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Từ thực tế sản xuất, Ban Phát triển xã và người dân các thôn đã lựa chọn các chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo, trong đó đáng chú ý là chuỗi giá trị nho, cây trồng thế mạnh của địa phương.
Huyện Châu Thành A (Hậu Giang) trồng hơn 100ha măng cụt. Nếu như thời điểm thu hoạch rộ măng cụt giảm mạnh có lúc 20.000 đồng/kg, giảm hơn phân nửa so với đầu vụ thì hiện nay giá tăng trở lại.

Tân Lập, một thôn của xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng xưa nay có truyền thống trồng rau thương phẩm. Không chỉ dừng lại ở những cây rau truyền thống ven sông Đa Nhim như cà chua, ớt sừng hay cải thảo, bà con Tân Lập còn cung cấp cho thị trường các loại rau thơm. Và Tổ hợp tác Chính Nghĩa, nơi tập trung những người trồng rau thơm đã đồng hành cùng bà con, giúp diện tích rau thơm ở đây ngày càng mở rộng.