Lúa J02 Nam tiến

Giữa thời buổi cạnh tranh khốc liệt tựa như chiến trường, càng doanh nghiệp nhỏ, sinh sau đẻ muộn càng cần có con đường riêng để đi.
Dẫm vào vết chân của những người khổng lồ đi trước chẳng sớm thì chầy không bị đạp cho bẹp dí cũng bùn ngập đến cổ.
Theo hướng ấy, bà Nguyễn Thị Tâm, GĐ Cty CP Giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao VN không đặt cược vào dòng lúa Indica hạt dài đã rất phổ biến mà tiên phong trong việc phát triển dòng lúa Nhật Japonica J02.
Thoạt tiên là những thử nghiệm ở miền Bắc để dần dần nổi lên thành một trào lưu mới tiêu dùng gạo Nhật, luôn đứng ở tốp đầu về giá.
Xưa nói đến chuyện gạo thóc rẻ mạt người ta thường chỉ nghĩ đến miền Nam, nơi đồng ruộng mênh mông, nơi có những giống lúa rất năng suất nhưng giờ thì miền Bắc hạt gạo đang rất rẻ.
Lấy ngay ví dụ Bắc thơm 7 một giống lúa thuần nhập nội vốn được coi là đặc sản cũng đang giảm giá thê thảm, thóc chỉ bán được khoảng 7.000 đ/kg, gạo chỉ bán được 11.000 - 13.000 đ/kg.
Thế mà dòng hạt tròn J02 giá cao vọt lên, tự khẳng định mình ở một đẳng cấp khác hẳn, thóc 11.000 đ, gạo trên 20.000 đ/kg.
Hễ “hở” ra tí nào là đều bị vét sạch.
Xét về năng suất, J02 cao hơn hẳn Bắc Thơm 7 từ 70 - 80 kg/sào.
Xét về độ lành tính nó cũng hơn hẳn, cấy vụ xuân hầu như nơi nào cũng đậu. Bởi thế mà một số tỉnh dù không đưa J02 vào cơ cấu nhưng tự người nông dân đã đã tìm mua để gieo vì đơn giản một lẽ, để ăn thì ngon cơm, để biếu thì tiếng thơm, để bán thì đắt hàng.
Để chuẩn bị cho hướng đi này, một nhà máy sấy với công suất 150 tấn/mẻ đã được lên kế hoạch xây dựng trong nay mai ở Phú Thọ và tương lai xa hơn sẽ là cả nhà máy chế biến gạo sạch.
Tuy nhiên hầu hết các tỉnh phía Bắc hiện nay chưa dám mạo hiểm trồng nhiều J02 vào vụ mùa vì sợ giống dài ngày hơn sâu bệnh dồn lại phá hoại, vì sợ sự đỏng đảnh của ông trời. Thế nên bà Tâm mới nghĩ ra kế hoạch "Nam tiến" cho lúa Nhật.
Ở trong đó ruộng đồng bao la, cò bay mỏi cánh.
Thăm một vòng cánh đồng dài đến vài chục cây số nhìn mà phát mê.
Tuy nhiên lúc đưa J02 vào Nam thì thời vụ đã khá muộn màng, nông dân đã gieo cấy xong đâu vào đấy cả.
Chỉ có một đơn vị giống cây trồng ở Kiên Giang chấp nhận bỏ mạ cũ đã gieo để trồng mới J02.
Hơn 100 tấn lúa J02 chuẩn bị Bắc tiến đợt này chính là thành quả của sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm đó.
Quảng Nam nóng như thiêu như đốt J02 vẫn phát triển tốt, Kiên Giang phèn mặn thế mà J02 vẫn trụ lại được thì cớ gì những dải đất màu mỡ phù sa châu thổ sông Cửu Long lại không phát triển được lúa Nhật?
Bà Tâm ước tính với năng suất J02 trồng ở Kiên Giang trung bình đạt 6,5 - 7 tấn/ha (tương đương giống thông thường), với chi phí BVTV ít hơn, giá thu mua tươi tại chỗ cao hơn chừng 30% nên hiệu quả kinh tế của lúa Nhật sẽ vượt trội từ 30% trở lên.
Nông dân miền Nam trồng lúa Nhật được lợi nhuận nhãn tiền còn doanh nghiệp tổ chức SX được hưởng ở phần đầu ra nguyên liệu ổn định.
“Chúng tôi quyết định SX J02 ở trong Nam là bởi một phần sẽ phân phối giống ngay tại đó, một phần sẽ chuyển ra Bắc.
Luôn rải vụ, luôn có thóc mới thì nếu làm giống mới sẽ có sức nảy mầm tốt, nếu làm lúa thương phẩm sẽ có gạo thơm ngon”, bà Tâm khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua, chăn nuôi luôn giữ vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển chăn nuôi đã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho người dân và xây dựng NTM.

Vụ xuân năm 2015, huyện Hạ Hòa triển khai nhiều mô hình lúa thuần chất lượng cao. Trong đó giống lúa J02 tại xã Minh Hạc và Hiền Lương, giống lúa Thiên ưu 8 tại xã Động Lâm và Hương Xạ với diện tích 15ha/xã. Đây là các giống lúa thuần có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, dễ canh tác, cho năng suất cao và giá thành cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến tháng 5/2015, đã có 36/63 tỉnh, thành phố ban hành đề án hoặc kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương và tổ chức triển khai trong thực tiễn.

Đó là con số được đưa ra tại hội nghị sơ kết vụ đông xuân và triển khai kế hoạch sản xuất hè thu 2015, do UBND thị xã Điện Bàn vừa tổ chức.

Ngân hàng bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank) ký thỏa thuận với công ty Him Lam và UBND tỉnh Lâm Đồng cam kết đầu tư 10.000 tỉ đồng cho cây mắc ca và một số sản phẩm nông nghiệp khác tại địa bàn.