Lúa, Cá Tra Lỗ Nặng Đang Khiến Nông Dân Điêu Đứng

Lúa, cá tra lỗ nặng đang là thực tế của ĐBSCL khiến người nông dân trong tình trạng “dở sống, dở chết”.
Những ngày qua, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lúa rớt giá thê thảm đến mức nông dân băn khoăn không biết nên bán hay để cho... vịt ăn, bởi lúa tươi vừa được người nông dân Hậu Giang bán tại ruộng chỉ với 2.800 đồng/kg, được ví “rẻ như rau lang”.
Còn cá tra thì đang khiến người nông dân lâm vào tình cảnh càng nuôi càng bế tắc vì lỗ nặng. Cá tra vốn là thế mạnh của ĐBSCL giờ trở thành gánh nặng của người nông dân khi mà họ đã phải chịu thiệt hại trong nuôi trồng và tiêu thụ cá.
Thực trạng người nông dân đang phải đối mặt như câu cửa miệng họ nói với nhau thời gian gần đây: “Năm ngoái chết 7 còn 3, năm nay chết 2 còn 1”.
Có thể nói, chưa bao giờ người nông dân ĐBSCL thấy kiệt sức như lúc này. “Vì sao?” đang là thắc mắc và cũng là câu hỏi của những người nông dân Nam bộ vốn thật thà, chất phác mà đến giờ phút này họ vẫn chưa thể hiểu và có được câu trả lời!
Nhiều nông dân ĐBSCL đang bức xúc khi sản xuất lúa, cá tra đã lâm vào tình trạng khó khăn kéo dài trong suốt 2 năm qua, nhưng cơ quan quản lý và chính quyền các cấp vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nào, khiến cuộc sống của người nông dân vẫn mãi bấp bênh theo mùa vụ.
2 năm trở lại đây, giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng lúa đang chững lại; thu nhập của người trồng lúa đang giảm dần do giá bán (đầu ra) không tăng nhưng chi phí đầu vào như vật tư, phân bón lại tăng liên tục. Người trồng lúa vẫn đang không biết đến bao giờ có được khoản lợi nhuận 30% mà các nhà quản lý đã cam kết.
Đối với con cá tra, hiện người nuôi cá đang thua lỗ 3.000 đồng/kg, nguyên nhân là giá thức ăn tăng cao. Chính giá vật tư nông nghiệp, giá thức ăn là chi phí lớn nhất trong sản xuất làm ảnh hưởng tới giá thành. Rất nhiều người không có vốn, mua vật tư dạng “ký sổ”, bị đại lý cộng thêm lãi nợ vào giá bán, lãi này được tính cao hơn cả lãi ngân hàng.
Giá thành sản xuất tăng thêm, bán xong họ trắng tay. Vẫn biết rằng, vật tư, nguyên liệu đầu vào thấp sẽ góp phần giảm giá thành, nhưng những năm gần đây ở ĐBSCL có tình trạng, cứ vào đầu vụ thì giá vật tư tăng và nông dân là người phải gánh chịu.
Trong lúc ngành nông nghiệp ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn, người nông dân trồng lúa và nuôi cá đang kiệt sức vì giá cả bấp bênh, càng sản xuất càng thua lỗ, họ lại gặp phải rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, khiến nhiều gia đình đã phải chấp nhận đi vay “tín dụng đen”.
Vẫn biết rằng khó khăn của ngành nông nghiệp ĐBSCL hiện nay có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, có một nguyên nhân quan trọng là do chúng ta buông lỏng quản lý, phát triển thiếu quy hoạch, đặc biệt là không có cơ chế hỗ trợ người nông dân mang tính bền vững. Những chính sách áp dụng thời gian qua như thu mua tạm trữ lúa gạo, cho vay vốn ưu đãi được đánh giá là rất tốt nhưng nó chỉ được áp dụng khi người nông dân đã gặp khó khăn.
Những người hoạch định chính sách đều biết là chỉ đến khi nào đất nước xây dựng được một nền “nông nghiệp chất lượng cao” thì lúc đó đất nước mới có được một nền nông nghiệp phát triển bền vững, đủ sức hội nhập và cạnh tranh, và người trồng lúa, nuôi cá mới có được cuộc sống ổn định, sung túc. “Nông nghiệp chất lượng cao” ở đây được nhiều chuyên gia phân tích có rất nhiều nghĩa, trong đó có việc cơ chế, chính sách đề ra cho phát triển nông nghiệp cũng phải đạt “chất lượng cao” mới có khả năng biến những mục tiêu đề ra thành hiện thực, mà mục tiêu cụ thể được lấy làm thước đo là thu nhập và đời sống của nông dân ngày càng tốt hơn.
Muốn vậy, hơn lúc nào hết, mọi nguồn lực và tâm trí cần phải được tập trung vào thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: “ĐBSCL cần phát triển bền vững thương hiệu lúa và cá tra”.
Tuy nhiên, để làm được những điều này đòi hỏi phải có rất nhiều thời gian. Còn ở thời điểm trước mắt, người trồng lúa, nuôi cá tra ở ĐBSCL đang rất mong chờ các cơ quan quản lý đưa ra được những giải pháp cụ thể khắc phục thực trạng được mùa nhưng người nông dân không mấy vui, mà ngược lại còn đang “méo mặt” vì hạt gạo, con cá gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chính cuộc sống của họ.
Có thể bạn quan tâm

Thiết nghĩ, giữa lúc nhiều mô hình khuyến nông dù hiệu quả nhưng phải “tắt” ở khâu thí điểm vì thiếu kinh phí thì, cách làm của ông Khanh, ông Thân thật có sức hút và dễ lan tỏa bởi công việc cụ thể, hiệu quả thực tế. Thế nên không chỉ ông Thinh, ông Pha Răng mà còn rất nhiều nông dân trong tỉnh đã đổi đời nhờ cái cách “khuyến nông rất nông dân” ấy.

Khu vực Núi Cấm thuộc địa bàn 3 xã An Hảo, An Cư và Tân Lợi, huyện Tịnh Biên (An Giang) có diện tích phủ rừng khoảng 3.400 ha. Số diện tích này được giao khoán cho 3.638 hộ nhận chăm sóc và giữ rừng.

Một nông dân ở Tây Nguyên đã từng nhìn vài hecta Mắc ca của mình, nói: “4 năm nữa là tôi có thể đi máy bay ra thăm Hà Nội đấy”. Người nông dân này hoàn toàn có thể đi máy bay ra Hà Nội khi cây Mắc ca được trồng theo quy hoạch, mang lại hiệu quả cao… Tuy nhiên, hiện cây trồng này chưa thực sự nhận được sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng.

Cấp chứng chỉ bền vững (chứng chỉ FSC) cho rừng trồng là một chứng nhận về mặt kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích cho bản thân chủ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Thấy rõ lợi ích này, nhiều hộ nông dân đã tự nguyện tham gia nhóm hộ trồng rừng thực hiện chứng chỉ FSC. Trồng rừng nguyên liệu gắn với việc cấp chứng chỉ rừng nâng cao chất lượng là một hướng đi đúng của lâm nghiệp Quảng Trị.

Mấy năm nay, rải rác khắp các xã trong huyện Chư Pưh (Gia Lai), diện tích tiêu chết xuất hiện ngày càng nhiều, dù đây là khu vực đất trồng tiêu tốt nhất vùng. Tính trên địa bàn Tây Nguyên, hàng nghìn hộ trồng tiêu cũng gặp tình cảnh tương tự.