Lúa Bị Ngộ Độc Hữu Cơ

Vụ đông xuân năm 2010-2011, tỉnh Đăk Lăk đã gieo sạ gần 30.600 ha lúa nước, vượt 19% so với kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết diện tích lúa đang phải hứng chịu “đại nạn” với những triệu trứng như rễ bị nghẹt, sinh trưởng phát triển kém, cây còi cọc, ít đẻ nhánh.
Khảo sát trên các cánh đồng tại TP Buôn Ma Thuột, Ea Kar, Krông Năng, Ea Súp… nhìn từ xa, các ruộng lúa non mơn mởn trong thời kỳ trổ đòng, nhưng khi lại gần thì hầu hết lá bị vàng, chóp lá khô đỏ, cứng thô, trên lá kèm theo nhiều vết đốm nâu, thậm chí bị thối thân, thối bẹ, rễ đen, lá khô đỏ vàng hoặc có nhiều vết xám, cây ngưng trệ sinh trưởng.
Giải thích về nguyên nhân trên, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, thời gian qua do gặp mưa nhiều, trên địa bàn tỉnh nhiều cánh đồng lúa hiện là vùng đất được tích tụ nhiều chất hữu cơ đang trong giai đoạn phân giải, nên đất ruộng có nơi bị sình lầy, yếm khí, đặc biệt những ruộng bón phân hữu cơ chưa hoai mục.
Bên cạnh đó, do gieo sạ sớm, bã thực vật và rơm rạ chỉ được vùi vào đất mà chưa phân hủy hết, ruộng nước sâu, úng ngập liên tục, nước ứ đọng lâu ngày không tháo được cũng dễ gây tình trạng thiếu ôxi, khí độc và các axít tích lũy nhiều làm tăng độ chua của đất, ảnh hưởng đến sự hô hấp và sinh trưởng của bộ rễ, làm rễ thối đen và không phát triển, khả năng hút chất dinh dưỡng giảm gây ra tình trạng cây bị ngộ độc hữu cơ.
Để xử lý hiệu quả hiện tượng ngộ độc hữu cơ, ông Hồ Văn Thắng-Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đăk Lăk cho biết, biện pháp trước mắt là: đối với những diện tích lúa gieo sạ sớm, bị ngộ độc hữu cơ nặng, làm chết cây cần tiến hành tiêu hủy, cày vùi phơi ải đất chuẩn bị cho vụ sau.
Những ruộng chớm bị, cần tháo kiệt nước phơi vài ba ngày, nếu ruộng trũng không thể tháo được nước thì phải bón thêm bột vôi, phân chuồng hoai mục, phân lân và kali để tăng khả năng chống chịu của cây lúa, tăng cường làm cỏ sục bùn; tuyệt đối không bón phân hữu cơ chưa hoai mục, đạm cho các chân ruộng này; khi cấy lúa hồi xanh trở lại, bộ rễ mới phát triển thì tiến hành chăm sóc bình thường…
Có thể bạn quan tâm

Nhờ nuôi thỏ kết hợp giun quế, gia đình anh Đào Duy Chung, thôn Đại Phú 2, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) không chỉ thu lãi gần 200 triệu đồng/năm mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ở TP Quy Nhơn (Bình Định) có một trang trại chăn nuôi heo rừng bán hoang dã quy mô lớn nhất tỉnh. Ðó là trang trại của ông Phan Ðình Chạng, tại thôn Hội Giáo, xã Nhơn Hội. Người dân địa phương thường gọi ông là “vua” nuôi heo rừng.

Mấy năm gần đây, gia đình chị Trần Thị Sản, thôn Lung Luông, xã Hồng Quang (Lâm Bình - Tuyên Quang) đã đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi tổng hợp, thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/năm.

Tỉnh Bắc Kạn có thế mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tổng đàn trâu bò, ngựa hiện nay đã phát triển trên 76.000 con. Mặc dù trong những năm gần đây công tác tiêm phòng có chuyển biến tích cực, tỷ lệ tiêm phòng đạt khá cao, tuy nhiên dịch lở mồm long móng liên tiếp xảy ở một số địa phương. Vậy đâu là nguyên nhân?
Nhiều năm qua, thành quả của các chương trình, dự án cải tạo đàn bò chính là việc lai tạo với giống bò Zebu nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Những năm đầu tách tỉnh, đàn bò trên địa bàn tỉnh Bình Phước chủ yếu là bò vàng Việt Nam, trọng lượng nhỏ, tỷ lệ thịt xẻ thấp và sức sản xuất kém.