Lợi lớn từ mô hình trồng lúa cấy mạ 3 giảm 3 tăng

Tăng lợi nhuận
Lão nông Nguyễn Thành Khuynh - ngụ ở ấp 7, xã Tân An Luông thông tin: “Vụ hè thu 2015 này, tôi thực hiện 0,9ha diện tích lúa OM 5451 theo mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI.
Với sự hướng dẫn nhiệt tình của các cán bộ kỹ thuật và chịu khó học hỏi, kết quả năng suất thu được là 6,03 tấn lúa (tương đương 6,7 tấn/ha).
Với giá bán 5.200 đồng/kg, trừ tất cả chi phí (18,2 triệu đồng), tôi thu lời 16,6 triệu đồng”.
Ruộng áp dụng mô hình 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI ở xã Tân An Luông.
Còn ông Nguyễn Văn Phúc cùng ngụ ở ấp 7, xã Tân An Luông thì cho biết thêm: “Khi tham gia mô hình, trên 1ha lúa OM 5451, tôi đã giảm được 100kg lúa giống, 25kg phân đạm và 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật”.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long, mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI được triển khai tại xã Tân An Luông trong vụ hè thu năm 2015 với sự tham gia của 160 hộ dân (tổng diện tích thực hiện là 80ha).
Những nông dân trên hưởng ứng rất tốt, mạnh dạn canh tác theo quy trình mà cán bộ kỹ thuật hướng dẫn.
Theo nhận định của nhà nông, qua việc áp dụng 3 giảm 3 tăng, kỹ thuật trồng lúa SRI, điều tiết nước ngập - khô xen kẽ giữa vụ, kết hợp bón lót phân lân, phân hữu cơ sinh học trước khi cấy, so sánh với các vụ lúa trước đã giảm rất nhiều chi phí trong sản xuất và thu hoạch (ít đổ ngã), nhà nông tăng thêm lợi nhuận.
Tạo ra sản phẩm lúa an toàn
"Tham gia mô hình, giúp tôi biết thêm nhiều kiến thức, bớt đi nhiều khâu trong sản xuất lúa và đặc biệt là giúp năng suất tăng 0,8 tấn/ha so với ngoài mô hình”. Nông dân Nguyễn Văn Phúc
Bà Phan Thị Thanh Thuỷ - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Mô hình đã đem lại hiệu quả 3 mặt là kinh tế, khoa học và môi trường.
Trong đó, về kinh tế là giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước…Về khoa học là làm thay đổi về nhận thức và tập quán sản xuất của bà con nông dân.
Mô hình cũng góp phần nâng cao độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra sản phẩm lúa an toàn”.
Về hiệu quả của mô hình, ông Trần Văn Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long nói: “Mặc dù thời gian đầu thực hiện gặp nhiều điều kiện bất lợi như nắng nóng kéo dài, ốc bươu vàng tấn công ở một số ruộng không bằng phẳng… Tuy nhiên, sau đó đã được khắc phục, lúa đẻ nhánh khỏe, thân cây mập, bộ rễ khoẻ, lá cứng và cuối cùng cho bông tốt, năng suất cao.
Nhờ kết quả tích cực ở vụ hè thu, vụ thu đông này đã có nhiều hộ dân trong tỉnh hưởng ứng làm theo”.
Có thể bạn quan tâm

Có dịp tới thăm mô hình trồng chanh tứ mùa của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đức Chính thôn Làng Đài, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng đất nơi đây. Hàng trăm gốc chanh mọc san sát không chỉ phủ xanh nhiều ha đất mà còn đem đến niềm hy vọng cho nhiều nông dân về một mô hình mới, hiệu quả.

Nhìn 4.000 gốc cam sành được 1 năm tuổi đang phát triển tốt, bắt đầu cho trái, ông Ba Giang (Lê Trường Giang, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) không giấu được niềm vui. Ông Ba Giang chia sẻ, trồng cam đem lại hiệu quả kinh tế cao thấy ham nên năm rồi 2 ha đất ruộng ông không trồng lúa nữa mà cuốc giồng, kê liếp trồng cam. 1 năm nữa, mấy ngàn gốc cam này sẽ bắt đầu cho thu hoạch.

Nhiều nhà vườn tại Đông Nam bộ đang khóc ròng vì chôm chôm bước vào vụ mùa chưa lâu nhưng giá đã giảm mạnh.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn là tôm (năm 2014 chiếm khoảng 50%) đã có sự sụt giảm khá mạnh (khoảng 28%), đạt 1,3 tỷ USD.

Tính đến ngày 18-6-2015, tổng lượng gạo được doanh nghiệp trong nước xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 791.000 tấn, trong đó lượng gạo tiểu ngạch bán sang thị trường này chỉ đạt 135.000 tấn, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).