Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Loay Hoay Cá Ngừ Đại Dương

Loay Hoay Cá Ngừ Đại Dương
Ngày đăng: 24/09/2014

Những tưởng với sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ từ phía đối tác Nhật Bản; hỗ trợ kinh phí đầu tư từ UBND tỉnh để ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu thuyền đánh bắt thí điểm theo công nghệ của nước bạn chuyển giao thì năng suất, chất lượng cá ngừ đại dương tại Bình Định sẽ được nâng cao, hướng xuất khẩu qua Nhật Bản sẽ thuận lợi. Vậy nhưng, qua đợt thí điểm vừa qua, cá ngừ đại dương Bình Định vẫn đang loay hoay…

Ngư dân không tuân thủ kỹ thuật

Sau khi được hỗ trợ các bộ thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương theo kiểu Nhật Bản và được hướng dẫn quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương, 5 chủ tàu cá ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) tham gia mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi đã mở 2 chuyến biển khai thác cá ngừ đại dương.

Chuyến biển đầu tiên (thực hiện trong tháng 7), ngư dân khai thác được 37 con cá ngừ, trong đó có 10 con chất lượng khá tốt được lựa chọn bán đấu giá tại Trung tâm đấu giá cá ngừ Osaka (Nhật Bản) với giá bình quân 249.000 đồng/kg. Chuyến biển thứ 2 (từ ngày 12-8 đến ngày 4-9), ngư dân khai thác được 57 con cá ngừ đại dương, trong đó chỉ có 4 con đạt chất lượng xuất khẩu được Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) thu mua với giá 108.000 đồng/kg.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, số lượng cá ngừ đại dương ngư dân khai thác được chưa nhiều, chất lượng sản phẩm của số cá được xuất sang thị trường Nhật Bản cũng không đồng đều.

Trong số 10 con được bán đấu giá, có con được bán với giá hơn 437.000 đồng/kg, nhưng cũng có con chỉ bán được với giá hơn 52.000 đồng/kg. Nguyên nhân một phần là do thời điểm ngư dân mở biển khai thác cá ngừ đại dương gió Nam mạnh, nước biển có nhiệt độ cao, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Mặt khác, phần lớn bà con ngư dân chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.

Qua thực tế 2 chuyến biển cho thấy, ngư dân tham gia mô hình chưa sử dụng thuần thục bộ thiết bị, công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản và cũng chưa áp dụng tốt quy trình xử lý, bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề tồn tại ngoài kỹ thuật.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Bidifisco, cho rằng: Tổ trưởng mô hình chưa làm hết trách nhiệm nên việc liên kết giữa các chủ tàu cá tham gia mô hình chưa chặt chẽ và cũng không thống nhất. Doanh nghiệp liên hệ với ngư dân để bàn bạc thu mua sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Có một chủ tàu cá không tuân thủ hợp đồng đã ký kết, bán sản phẩm cho một doanh nghiệp khác.

Phải làm cho được

Tại hội nghị đánh giá hiệu quả câu cá ngừ đại dương theo công nghệ của Nhật Bản vừa được tổ chức tại Bình Định, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, nhằm giúp ngư dân khắc phục hạn chế trong quá trình ứng dụng vào thực tế, đồng thời hỗ trợ ngư dân cải tạo lại hầm bảo quản sản phẩm.

Cũng theo ông Trần Văn Vinh, cần thành lập thêm nhiều mô hình ứng dụng thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương theo kiểu Nhật Bản để đối chứng, so sánh và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các ngư dân tham gia các mô hình, qua đó tăng sản lượng cá ngừ đạt chất lượng cao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. UBND huyện Hoài Nhơn kiểm tra lại việc chỉ đạo, điều hành của tổ trưởng mô hình hiện nay.

Bà Cao Thị Kim Lan cam kết Bidifisco tiếp tục mua sản phẩm cá ngừ đại dương đảm bảo chất lượng của ngư dân cao hơn 20% so với giá thị trường tại thời điểm và sẽ thưởng thêm cho ngư dân nếu cá ngừ đạt chất lượng cao. Công ty cũng sẽ cung cấp nước đá cao cấp và cho ngư dân ứng trước tiền để làm thùng xốp bảo quản cá, nếu ngư dân có nhu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc khẳng định: Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là hướng đi đúng, cần phải quyết tâm thực hiện bằng được. Để làm được điều đó, trong tháng 9 này, Sở NN-PTNT phải xây dựng xong đề án đánh bắt cá ngừ đại dương trình UBND tỉnh xem xét.

Bên cạnh việc củng cố mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi tại huyện Hoài Nhơn, Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng thêm 4 mô hình khác tại huyện Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn, mỗi tổ khoảng 5 chủ tàu, chọn những ngư dân có tâm huyết, tự nguyện tham gia mô hình.

Ngư dân tham gia các mô hình sẽ được ưu tiên vay vốn ngân hàng để đầu tư đóng tàu mới và mua các trang thiết bị máy móc, ngư lưới cụ... theo tinh thần Nghị quyết 67 của Chính phủ, tỉnh sẽ đứng ra bảo lãnh nguồn vốn vay.

Ông Lê Hữu Lộc cũng khẳng định UBND tỉnh Bình Định sẽ nhập thêm các bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản, hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho ngư dân. Bidifisco cần công bố công khai giá mua sản phẩm cá ngừ đại dương từng loại và có chính sách khuyến khích ngư dân nâng cao chất lượng sản phẩm cụ thể.


Có thể bạn quan tâm

Nữ Trưởng Bản Làm Giàu Từ Thất Bại Nữ Trưởng Bản Làm Giàu Từ Thất Bại

“Không chỉ là trưởng bản gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của thôn, bản, giúp đỡ bà con từng bước xóa đói giảm nghèo, chị Lò Thị Việt ở bản Ho Luông 1 còn là điển hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ thất bại”, đó là chia sẻ của ông Khoàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Lay Nưa, T.X Mường Lay khi nói về nữ trưởng bản Lò Thị Việt. Cách đây 5 năm, cuộc sống của gia đình chị Việt còn nhiều thiếu thốn.

11/08/2014
Cây Ngô Trên Đất Tủa Chùa Cây Ngô Trên Đất Tủa Chùa

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc canh tác cây ngô tại một số vùng trên địa bàn huyện có dấu hiệu chững lại cả về diện tích và năng suất. Làm gì để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực hiện chiến lược phát triển cây ngô tại địa phương là nội dung cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn trên địa bàn luôn quan tâm, trăn trở.

11/08/2014
Nuôi Gà, Lợn Thu Nhập Trăm Triệu Đồng Mỗi Năm Nuôi Gà, Lợn Thu Nhập Trăm Triệu Đồng Mỗi Năm

Chị Nhùng cho biết, hồi mới đến lập nghiệp, nơi đây hoang vắng, chỉ có vài mái nhà lá đơn sơ. "Vợ chồng tôi không có vốn liếng, không nhà, không đất, sống tạm trong căn lều tranh vách nứa mưa dột, nắng cháy da. Đất đai toàn sỏi với đá, cuốc rát tay mới được miếng đất trồng sắn ăn qua ngày” chị nhớ lại.

11/08/2014
Quy Hoạch Thủy Lợi Cho Nuôi Trồng Thủy Sản Quy Hoạch Thủy Lợi Cho Nuôi Trồng Thủy Sản

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2020 cả nước sẽ có 1,2 triệu ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó vùng ĐBSCL chiếm tới 90,8%, với khoảng 805.000 ha.

11/08/2014
Làm Gì Để Người Nuôi Tôm “Khỏe”? Làm Gì Để Người Nuôi Tôm “Khỏe”?

Tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), vụ tôm năm nay tôm thẻ chân trắng (TTCT) nuôi bị chết hàng loạt khiến nhiều hộ dân điêu đứng, để tiếp tục thả nuôi nhằm gỡ gạc vốn, người phải đi vay nặng lãi. Và lý do sống chết với con tôm của họ là bởi “ở cái đất này, không nuôi tôm, cua thì cũng chả biết làm gì để sống”.

11/08/2014