Lo Phòng Cúm Cho Chim Yến

Các công ty nuôi chim yến và các địa phương có nhà nuôi chim yến đã có những biện pháp ban đầu phòng ngừa dịch cúm cho loại chim này trong bối cảnh dịch cúm A/H5N1 đang lan rộng tại các tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Luân, phụ trách marketing Công ty cổ phần Yến Việt cho biết, để phòng dịch cúm gia cầm trên đàn chim yến công ty đã cho sát trùng các nhà nuôi chim yến và theo dõi sức khỏe của đàn chim để có kế hoạch phòng trừ kịp thời.
Còn ông Phạm Đình Hải, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Ninh Thuận, cho biết hiện tỉnh này chưa có dịch cúm gia cầm nhưng để phòng trừ chi cục đã cho tiêu độc, khử trùng các nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các nhà nuôi chim yến cũng cách ly với người lạ để tránh dịch cúm gia cầm A/H5N1 lây lan.
“Hiện gia cầm đã có vắc xin A/H5N1 tiêm phòng còn chim yến vẫn chưa có nên việc khử trùng và cách ly các nhà chim yến là quan trọng nhất”, ông Hải nói.
Vào tháng 4-2013, một cơ sở nuôi chim yến ở Ninh Thuận được phát hiện có chim yến nhiễm vi rút cúm A/H5N1, vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông tư quy định tạm thời về nuôi chim yến. Thông tư quy định chặt chẽ các điều kiện vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh tương tự như các cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm hiện nay.
Đó là cơ sở nuôi chim yến phải được kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền; cơ quan thú y lấy mẫu định kỳ một năm hai lần để kiểm soát dịch bệnh, lấy mẫu đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc cơ sở nuôi chim yến nằm trong vùng đang có dịch cúm gia cầm.
Trong những năm qua, do chim yến mang về một lợi nhuận lớn nên nhiều người dân ở các tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận, TPHCM, Tiền Giang, Bạc Liêu... đã thi nhau xây nhà để nuôi chim yến. Riêng tại TPHCM số nhà nuôi chim yến thử nghiệm được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM cho phép chỉ có khoảng 10 nhà nhưng thực tế có hơn 400 nhà nuôi chim yến đã được xây dựng tính đến cuối năm 2013.
Thông tin phát hiện chim yến nhiễm vi rút A/H5N1 đầu tháng 4- 2013 đã ảnh hưởng mạnh đến doanh số của các công ty yến sào trong những tháng tiếp theo. Vì thế, để khuyến khích người tiêu dùng quay lại, đa phần các công ty đã đưa ra chương trình khuyến mãi bằng cách giảm giá từ 15-30% giá trị sản phẩm, do đó, sức mua thị trường đã dần phục hồi trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Yến bán chậm không phải vì cúm gia cầm
Đại diện các cửa hàng, công ty sản xuất và kinh doanh yến sào cho biết vào thời điểm này lượng hàng bán ra chậm nhưng không phải do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm mà vì đã qua Tết Nguyên đán 2014, thời điểm người tiêu dùng thường mua yến sào để làm qua tặng cho người thân, bạn bè.
Theo cửa hàng trưởng một cửa hàng yến sào trên đường Lê Lai, quận 1, so với trước Tết thì vào thời điểm này lượng hàng bán ra thấp hơn so với dịp trước Tết Nguyên đán 2014. Tuy nhiên, so với đầu năm 2013 thì thị trường tiêu thụ yến sào không có gì biến động.
Tương tự, tại cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Định, quận 2, một nhân viên bán hàng cho biết, trong hai tuần qua số lượng sản phẩm yến sào bán ra của cửa hàng này ở mức thấp, song, nhân viên này từ chối đưa ra con số cụ thể.
Ông Luân từ Công ty cổ phần Yến Việt cho biết, so với các thời điểm trong năm vào thời gian trước Tết doanh số bán hàng của công ty cao nhất nhưng thời gian này lượng hàng bán ra trên các hệ thống cửa hàng, đại lý của công ty đều giảm.
Ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, giá yến sào được chào bán tại các cửa hàng trên địa bàn TPHCM dao động từ vài chục ngàn (đối với loại nước yến), từ 4 đến 6 triệu đồng/100 gram cho những tổ yến đã làm sạch lông.
Tính đến hết ngày 17-2, số gia cầm bị tiêu hủy gần 31.000 con, trong đó, chủ yếu là thủy cầm chiếm 75%.
Có thể bạn quan tâm

Đến vùng cao Ba Tơ, nhắc đến cây tiêu người ta nghĩ ngay đến vùng đất Ba Lế, bởi đây là đặc sản nổi tiếng một thời.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang vừa có thông báo về việc khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa, ứng phó trước, trong và sau mùa lũ để bảo vệ vườn cây ăn trái, tránh thất thoát cho nhà vườn.

Từ năm 2011 đến nay, bệnh đốm nâu xuất hiện và gây hại mạnh trên thanh long. Những tháng qua, bệnh tiếp tục lan trên diện rộng, làm thiệt hại lớn cho nhà vườn.

Do nằm ở khu vực địa hình thấp, trũng, tiêu thoát nước khó khăn nên trong đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, phường Phương Nam (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) có nhiều diện tích canh tác nông nghiệp bị thiệt hại, trong đó 100% diện tích trồng cây vải chín sớm, bị ngập úng.

Ông Nguyễn Văn Hồng, ấp Tân Ninh, xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) được nhiều người biết đến nhờ mạnh dạn chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mãng cầu Xiêm cho lợi nhuận cao, kinh tế đi vào ổn định, gia đình ấm no, hạnh phúc.