Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Liên Kết Trong Sản Xuất Rau An Toàn: Vẫn Khó Đầu Ra

Liên Kết Trong Sản Xuất Rau An Toàn: Vẫn Khó Đầu Ra
Ngày đăng: 19/06/2012

KTĐT - Năm 2010, mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất rau an toàn (RAT) được triển khai tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, trong đó, Công ty TNHH Hương Cảnh đứng ra thu mua sản phẩm cho người dân.

Tuy nhiên, sau hai năm triển khai, lượng rau doanh nghiệp thu mua được còn quá ít so với sản lượng sản xuất ra hàng ngày.

Trên cánh đồng rau bạt ngàn với ớt, cà pháo, bí, dưa… đang vào vụ thu hoạch, ông Đào Văn Anh, thôn Trung Quan, xã Văn Đức nhễ nhại mồ hôi, vác từng bao cà pháo mới thu hoạch lên bờ ngậm ngùi cho biết: "Mỗi ngày công ty chỉ mua được khoảng vài chục cân cà pháo trong khi riêng nhà tôi cũng thu được 150 kg/ngày". Do vậy, hàng ngày, ông Anh phải chở rau sang tận chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai) để tiêu thụ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ ruộng rau kế bên cũng thở dài cho biết, từ mấy năm nay, toàn bộ hơn 1 mẫu ruộng của gia đình chuyển sang trồng rau, sản lượng thu hoạch có lúc lên tới hàng tấn/ngày. Tuy nhiên, lượng thu mua của phía công ty còn ít, lại không có người chạy chợ nên chị phải bán cả ruộng cho thương lái. "Nếu được thu mua hết toàn bộ số rau, chúng tôi sẽ bớt lo về đầu ra hơn" - chị Ngọc tâm sự.

Theo HTX Nông nghiệp xã Văn Đức, toàn xã có 250ha trồng rau, sản lượng 20.000 tấn/năm. Thu nhập từ rau bình quân đạt 15 - 17 triệu đồng/sào/năm với rau ăn lá, 18 - 20 triệu đồng/sào/năm với rau ăn quả, củ. Tuy nhiên, lo lắng nhất hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Văn Đức cho biết, chủ yếu rau vẫn được tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Trong khi đó, mô hình liên kết với Công ty Hương Cảnh vẫn còn nhiều hạn chế. Trước năm 2011, diện tích liên kết tiêu thụ RAT 50ha, tuy nhiên, hiện nay, công ty chỉ thu mua được 25ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Công ty Hương Cảnh có công suất chế biến khoảng 35 tấn rau/ngày đêm, nhưng thời điểm cuối năm 2011, lượng rau thu mua của công ty mới đạt 3 - 4 tấn/ngày và hiện bình quân chỉ đạt 1,5 tấn/ngày. Ông Phạm Văn Hưng, cán bộ phụ trách sản xuất của Công ty Hương Cảnh cho biết, công ty mới chỉ bố trí được 1 ca làm việc mỗi ngày cho công nhân với khoảng 9 người, vì ngay cả đầu ra của công ty cũng gặp khó khăn. Hiện mới chỉ tiêu thụ được tại 20 điểm phân phối của các hệ thống siêu thị lớn như FiviMark, BigC, Intimex, Hapro và trên 10 điểm siêu thị lẻ trên địa bàn Hà Nội.

Mở rộng liên kết

Công ty Hương Cảnh đang tìm cách mở rộng kênh phân phối để tăng lượng thu mua RAT cho người dân và dự tính bố trí thêm 1 ca làm việc, nâng tổng số công nhân lên 15 người. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân, nếu chỉ trông chờ vào một doanh nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn rất khó khăn. Do đó, HTX Nông nghiệp và địa phương cần mở rộng liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT.

Từ tháng 11/2011, Chi cục Bảo vệ thực vật đã triển khai dán nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm RAT Văn Đức. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ gắn nhãn được 1/5 lượng rau tiêu thụ hàng ngày.
Ông Nguyễn Văn Minh cho hay, giải pháp hiện nay là tập trung sản xuất theo hướng VietGAP. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp đầu tư sơ chế, tiêu thụ, còn HTX tập trung vào khâu sản xuất theo hướng chuyên môn hóa. Ngoài ra, các sở, ngành, quan tâm đầu tư đồng bộ hóa hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất. Toàn xã có 14km đường kênh mương nhưng mới cứng hóa được 30%. Hệ thống điện chủ yếu do người dân tự mắc ra, chưa có đường dây riêng phục vụ sản xuất.

Trước mắt, HTX Nông nghiệp Văn Đức đang xúc tiến ký hợp đồng với một số đơn vị doanh nghiệp để mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết được với một số doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc để xuất sản phẩm sang thị trường này, chủ yếu là các mặt hàng cải bắp, cải thảo… Hy vọng, với những động thái này, đầu ra cho RAT ở Văn Đức sẽ được tháo gỡ phần nào.

Có thể bạn quan tâm

Phát Triển Cây Bắp Lai Chịu Hạn Nhiều Ưu Điểm Phát Triển Cây Bắp Lai Chịu Hạn Nhiều Ưu Điểm

Dự án này triển khai 3 mô hình: Phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 phù hợp với điều kiện đầu tư hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Thành Sơn; thâm canh tổng hợp tại các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Bình, Sơn Hiệp và Thành Sơn; xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp kết hợp trồng xen đậu tại xã Sơn Bình.

04/11/2014
Trăn Trở Thương Hiệu Cam Yên Thành (Nghệ An) Trăn Trở Thương Hiệu Cam Yên Thành (Nghệ An)

Từ năm 2007 đến nay, cây cam trên đất Yên Thành (Nghệ An) đã có sự phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được xếp là giống cây chủ lực, nhưng đến nay cam Yên Thành vẫn chưa xây dựng được thương hiệu; bà con trồng cam vẫn loay hoay tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

04/11/2014
Quýt Đường Long Trị Được Hỗ Trợ Sản Xuất Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Quýt Đường Long Trị Được Hỗ Trợ Sản Xuất Theo Tiêu Chuẩn VietGAP

Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX, Sở NN & PTNT tỉnh Hậu Giang vừa có chuyến khảo sát HTX quýt đường Long Trị, ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ để hỗ trợ HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hoạt động này nằm trong đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến 2020” và đề án 1.000 của tỉnh.

04/11/2014
Tổng Kết Mô Hình Nuôi Bọ Đuôi Kìm Phòng Trừ Bọ Cánh Cứng Hại Dừa Tổng Kết Mô Hình Nuôi Bọ Đuôi Kìm Phòng Trừ Bọ Cánh Cứng Hại Dừa

Những năm gần đây, bọ cánh cứng hại dừa phát triển mạnh, gây thiệt hại nặng cho nhiều diện tích dừa ở Phù Cát (Bình Định); mặc dù các chủ vườn dừa đã áp dụng một số biện pháp như: phun thuốc hóa học, đặt muối, ong ký sinh... để phòng trừ, nhưng hiệu quả không cao.

04/11/2014
Trái Cây Trái Cây "Made In" Gia Lai

Dù có nguồn gốc, xuất xứ từ những vùng đất khác nhưng khi du nhập vào Gia Lai, những loại cây ăn trái như nhãn lồng, sầu riêng, vải... thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây và cho ra những sản phẩm gắn thương hiệu Gia Lai đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

04/11/2014