Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lên Đời Nhờ Cam Bù

Lên Đời Nhờ Cam Bù
Ngày đăng: 12/02/2015

Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nổi tiếng với giống cam đặc sản mang tên cam Bù. Nhờ giống cam này, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên giàu có.

Giống cam quý

Giống cam Bù đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là loại cây ăn quả chất lượng cao, được đưa vào danh mục các loại cây ăn quả đặc sản quý cần bảo tồn quỹ gen.

Cây cam Bù thích hợp với vùng đất đỏ đồi núi, khí hậu nóng ẩm, trồng chủ yếu ở các xã Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Thọ, Sơn Phúc, Sơn Thuỷ, Sơn Kim, Sơn Tây, Sơn Lĩnh. Cam Bù trồng 3 năm là có thể thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài 7-10 năm. Mỗi gốc cam trưởng thành sẽ cho thu hoạch từ 30-40kg, trọng lượng mỗi quả 250g-350g, đặc biệt có những cây lên tới 120-150kg.

Hiện giá cam Bù từ 50.000-70.000 đồng/kg

Cam Bù chín vào dịp cuối năm. Trên bàn thờ của người dân Hà Tĩnh ngày Tết không thể thiếu trái cam Bù. Đặc biệt, cam Bù trở thành món quà biếu Tết rất ý nghĩa và đậm đà hương vị quê hương cho người thân, bạn bè và những vị khách quý từ phương xa. Giá trị của cam Bù không những thưởng thức vị ngọt đậm đà mà còn là vị thuốc chữa được rất nhiều chứng bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, bệnh đường ruột, tim mạch, suy nhược cơ thể...

Nhận thấy thế mạnh của cây cam Bù, UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn đã có chiến lược cụ thể phát triển giống cây này trên địa bàn với mục tiêu tập trung, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hoá, phát triển các trang trại sản xuất cam Bù có quy mô, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến nay, diện tích cam Bù trong toàn huyện đạt gần 1.040ha với tổng sản lượng gần 5.900 tấn.

Nhận thấy lợi thế về khí hậu và vùng đất vốn có, nhiều hộ gia đình tại các xã miền núi như Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Thọ…đã lập thành trang trại cam Bù quy mô lớn. Điển hình như xã Sơn Mai có khoảng 10 trang trại cam Bù, mang lại nguồn thu nhập “khủng” cho những gia đình này.

Anh Nguyễn Xuân Linh, xã Sơn Mai, có trang trại cây ăn quả lớn nhất nhì huyện Hương Sơn, chia sẻ: Năm 2003, gia đình trồng khoảng 1.000 gốc, sau khi thu hoạch lãi cả trăm triệu đồng. “Tôi thấy cam Bù đem lại kinh tế cao, nên hàng năm tôi trồng thêm vài trăm gốc, đến nay trang trại đã có gần 2.000 gốc, sản lượng 18-20 tấn/năm. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình tôi lãi trên 1,3 tỉ đồng. Chẳng cần đi đâu xa, tôi tự làm giàu trên mảnh đất của chính mình”, anh Linh phấn khởi nói.

Vào những ngày cuối năm, trang trại cam của gia đình anh Nguyễn Đình Thân (xã Sơn Mai) lúc nào cũng tấp nập người mua. Trang trại của gia đình anh Thân được lập từ năm 2004 với hơn 2.000 gốc cả cam Bù lẫn cam Chanh, riêng cam Bù có tới hơn 1.200 gốc. Đến nay, gia đình anh đã thu hoạch được gần chục năm nhưng vườn cam vẫn rất “sung sức”. Năm nay, sản lượng cam Bù của gia đình anh Thân được khoảng 16 tấn, thu nhập gần 1 tỉ đồng.

Anh Thân phấn khởi: “Lúc trước nhờ làm liều đầu tư lập trang trại nên bây giờ gia đình tôi mới được đổi đời. Năm nay được mùa, nhất định gia đình tôi sẽ ăn Tết lớn”.

Ngoài gia đình anh Linh, anh Thân còn nhiều gia đình khác tại địa phương cũng đã làm giàu từ cây cam Bù, hàng năm thu nhập từ vài chục triệu đồng trở lên.


Có thể bạn quan tâm

Đất Sản Xuất Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Phù Hợp 19 Loại Cây Trồng Đất Sản Xuất Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Phù Hợp 19 Loại Cây Trồng

Đó là kết quả nghiên cứu “Nghiên cứu đánh giá số lượng, chất lượng đất sản xuất nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng chính có hiệu quả tại tỉnh Phú Yên” được đưa ra Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở ngày 31/12.

07/01/2014
Gỡ Khó Cho Nghề Nuôi Tôm Ở Cà Mau Gỡ Khó Cho Nghề Nuôi Tôm Ở Cà Mau

Năm 2013, tỉnh Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản hơn một tỷ USD. Ðể đạt được kết quả này, Cà Mau đã triển khai các giải pháp, cách làm thiết thực, hiệu quả như liên kết với doanh nghiệp, người sản xuất từ khâu cung cấp con giống, hỗ trợ vốn, kỹ thuật đến bảo quản, trực tiếp thu mua sản phẩm..., từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất.

18/12/2013
Giàu Nhờ Trồng Điều Giàu Nhờ Trồng Điều

Đến ấp Phú Hòa (xã An Phú, Tịnh Biên, An Giang) hỏi nhà ông Huỳnh Linh Hải thì hầu như ai cũng đều biết. Bởi, ông là “Nông dân giỏi” làm kinh tế vườn đồi, nuôi con ăn học thành đạt và được người dân xứ núi tôn vinh “vua trồng điều vùng Bảy Núi”.

07/01/2014
Vì Sao Người Dân Chặt Bỏ Cây Ca Cao? Vì Sao Người Dân Chặt Bỏ Cây Ca Cao?

Một cuộc khảo sát của tổ chức phi chính phủ ACDI/VOCA tại các hộ dân trồng ca cao ở hai tỉnh Đăk Lăk và Bến Tre cho thấy, trong thời gian qua chỉ những hộ dân canh tác diện tích nhỏ, ít hơn 500 cây, mới chặt bỏ cây ca cao.

07/01/2014
Tiết Kiệm Được 177,7 Tỉ Đồng Từ Giảm Thất Thoát Sau Thu Hoạch Lúa Tiết Kiệm Được 177,7 Tỉ Đồng Từ Giảm Thất Thoát Sau Thu Hoạch Lúa

Thực hiện Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012-2015, Sở NN&PTNT tỉnh đã xây dựng kế hoạch số 14/KH-SNNPTNT ngày 30-1-2013 để phối hợp cùng các sở, ban ngành tỉnh cụ thể hóa Đề án. Năm 2013

18/12/2013