Lên Đời Nhờ Cam Bù

Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nổi tiếng với giống cam đặc sản mang tên cam Bù. Nhờ giống cam này, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên giàu có.
Giống cam quý
Giống cam Bù đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là loại cây ăn quả chất lượng cao, được đưa vào danh mục các loại cây ăn quả đặc sản quý cần bảo tồn quỹ gen.
Cây cam Bù thích hợp với vùng đất đỏ đồi núi, khí hậu nóng ẩm, trồng chủ yếu ở các xã Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Thọ, Sơn Phúc, Sơn Thuỷ, Sơn Kim, Sơn Tây, Sơn Lĩnh. Cam Bù trồng 3 năm là có thể thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài 7-10 năm. Mỗi gốc cam trưởng thành sẽ cho thu hoạch từ 30-40kg, trọng lượng mỗi quả 250g-350g, đặc biệt có những cây lên tới 120-150kg.
Hiện giá cam Bù từ 50.000-70.000 đồng/kg
Cam Bù chín vào dịp cuối năm. Trên bàn thờ của người dân Hà Tĩnh ngày Tết không thể thiếu trái cam Bù. Đặc biệt, cam Bù trở thành món quà biếu Tết rất ý nghĩa và đậm đà hương vị quê hương cho người thân, bạn bè và những vị khách quý từ phương xa. Giá trị của cam Bù không những thưởng thức vị ngọt đậm đà mà còn là vị thuốc chữa được rất nhiều chứng bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, bệnh đường ruột, tim mạch, suy nhược cơ thể...
Nhận thấy thế mạnh của cây cam Bù, UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn đã có chiến lược cụ thể phát triển giống cây này trên địa bàn với mục tiêu tập trung, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hoá, phát triển các trang trại sản xuất cam Bù có quy mô, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến nay, diện tích cam Bù trong toàn huyện đạt gần 1.040ha với tổng sản lượng gần 5.900 tấn.
Nhận thấy lợi thế về khí hậu và vùng đất vốn có, nhiều hộ gia đình tại các xã miền núi như Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Thọ…đã lập thành trang trại cam Bù quy mô lớn. Điển hình như xã Sơn Mai có khoảng 10 trang trại cam Bù, mang lại nguồn thu nhập “khủng” cho những gia đình này.
Anh Nguyễn Xuân Linh, xã Sơn Mai, có trang trại cây ăn quả lớn nhất nhì huyện Hương Sơn, chia sẻ: Năm 2003, gia đình trồng khoảng 1.000 gốc, sau khi thu hoạch lãi cả trăm triệu đồng. “Tôi thấy cam Bù đem lại kinh tế cao, nên hàng năm tôi trồng thêm vài trăm gốc, đến nay trang trại đã có gần 2.000 gốc, sản lượng 18-20 tấn/năm. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình tôi lãi trên 1,3 tỉ đồng. Chẳng cần đi đâu xa, tôi tự làm giàu trên mảnh đất của chính mình”, anh Linh phấn khởi nói.
Vào những ngày cuối năm, trang trại cam của gia đình anh Nguyễn Đình Thân (xã Sơn Mai) lúc nào cũng tấp nập người mua. Trang trại của gia đình anh Thân được lập từ năm 2004 với hơn 2.000 gốc cả cam Bù lẫn cam Chanh, riêng cam Bù có tới hơn 1.200 gốc. Đến nay, gia đình anh đã thu hoạch được gần chục năm nhưng vườn cam vẫn rất “sung sức”. Năm nay, sản lượng cam Bù của gia đình anh Thân được khoảng 16 tấn, thu nhập gần 1 tỉ đồng.
Anh Thân phấn khởi: “Lúc trước nhờ làm liều đầu tư lập trang trại nên bây giờ gia đình tôi mới được đổi đời. Năm nay được mùa, nhất định gia đình tôi sẽ ăn Tết lớn”.
Ngoài gia đình anh Linh, anh Thân còn nhiều gia đình khác tại địa phương cũng đã làm giàu từ cây cam Bù, hàng năm thu nhập từ vài chục triệu đồng trở lên.
Có thể bạn quan tâm

Anh Liêm chia sẻ: "Nuôi gà tre thương phẩm vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, khi thị trường tiêu thụ đặc sản gà tre ngày càng rộng mở, anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo nhu cầu của thị trường".

Chỉ có 400m2 đất, nhưng gia đình bà Giang Thị Mai ở ấp 1, xã Minh Hưng (Chơn Thành - Bình Phước) đang sở hữu một trang trại “mini” khép kín, gồm heo, chim bồ câu Pháp và vịt xiêm. Mỗi năm, gia đình bà thu về trên 200 triệu đồng từ mô hình này.

Năm 2014, huyện Yên Định (Thanh Hóa) có 874 trang trại, gia trại (TT, GT) trong đó có 97 TT đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các TT, GT của huyện chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại (86 TT, GT); 13 TT, GT nuôi gia cầm; 40 TT, GT nuôi trồng thủy sản; 4 TT, GT trồng cây hàng năm và cây lâu năm, còn lại là các TT, GT tổng hợp.

Gần một tháng qua, giá thịt heo hơi trên địa bàn Hoài Ân (Bình Định) lao dốc. Hiện giá bán tại chuồng chỉ 33.000 - 34.000 đồng/kg, trong khi năm 2014 giá luôn dao động trên 43.000 đồng/kg, có thời điểm lên 46.000 đồng/kg. Do vậy, bình quân mỗi con heo trọng lượng 70kg, người chăn nuôi lỗ hàng triệu đồng. Theo các hộ chăn nuôi, giá heo hơi khoảng 40.000 đồng/kg thì chăn nuôi mới có lãi.

Anh Phạm Văn Túy ở thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi (Kiến Xương - Thái Bình) là người say mê với việc chăn nuôi. Năm 2012, qua tìm hiểu, thấy thỏ dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định, anh quyết định mua 20 con thỏ giống về nuôi thử nghiệm và tự nhân giống. Từ 20 con ban đầu, chỉ sau 2 năm anh đã có 300 ô chuồng nuôi 120 con thỏ đẻ, 600 - 700 thỏ con, có thời điểm lên tới hơn 1.000 thỏ con.